Chủ quán ở TPHCM chi nửa tỷ đồng lắp tàu lửa vận chuyển thức ăn cho khách

14
Tàu Lửa Quán ở quận 7 (TPHCM) gây chú ý khi đầu tư hệ thống tàu lửa mini mang thức ăn đến tận bàn cho khách. Mô hình phục vụ này khiến nhiều người thích thú, đặc biệt là các thực khách nhí.

Chủ quán ăn TPHCM chi nửa tỷ đồng mang tàu lửa mini về phục vụ thực khách (Thực hiện: Cẩm Tiên).

Dùng tàu lửa để chở thức ăn cho khách

Đúng như tên gọi, quán trang trí nhiều tranh ảnh các đoàn tàu lửa trên khắp thế giới và sắp đặt một hệ thống đường ray uốn lượn từ khu vực bếp đến cửa quán.

Trên đường ray, những toa tàu mang theo các phần thức ăn, vận chuyển đến tận bàn cho thực khách, tạo nên hình ảnh vui mắt. 

Tàu lửa mini có nhiệm vụ vận chuyển đồ ăn, thức uống trong quán (Ảnh: Mộc Khải).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Lê Trọng Hiếu (27 tuổi, quận 7, TPHCM) – quản lý quán – cho biết vợ chồng chủ quán đã du lịch qua nhiều nơi và ấn tượng với mô hình phục vụ ẩm thực bằng tàu lửa mini phổ biến ở nước ngoài, nên đã quyết tâm mang mô hình này về Việt Nam.

“Chủ quán chi gần 500 triệu đồng để mua toàn bộ hệ thống đường ray và tàu lửa từ Đức, mang về Việt Nam lắp ghép và chi một khoản tiền để xây dựng phần mềm điều khiển tàu lửa để tàu chạy và dừng theo ý muốn”, anh Hiếu nói.

Song, anh Hiếu cũng cho biết do mô hình phục vụ bằng tàu lửa mini vốn không phổ biến tại Việt Nam nên có ít đơn vị đảm nhận việc lập trình phần mềm điều khiển tàu. Cũng vì thế, quán không chỉ tốn chi phí, mà còn phải tốn thời gian gần một năm để phần mềm điều khiển tàu hoạt động ổn định.

Hiện tại, tàu lửa mini tại quán chạy một chiều bằng nguồn điện, có tốc độ điều chỉnh được qua phần mềm. Anh Hiếu nói thêm: “Đường ray được lắp dọc các bàn ăn trong quán để đảm bảo việc phục vụ. Hiện tại, chúng tôi vận chuyển thức ăn, nước uống bằng 3 chiếc tàu mini. Giá mỗi chiếc dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng”.

Ngoài ra, khu vực đường ray để tàu lửa di chuyển được bố trí các mô hình nhà ga, lâu đài thu nhỏ được lắp ghép tỉ mỉ. Các mô hình còn gắn thêm tên, đường ray cũng được rải đá, tạo cảm giác như thật.

Gần 50 mô hình được bài trí dọc đường ray (Ảnh: Mộc Khải).

Đây cũng là ý tưởng của vợ chồng chủ quán, bởi cả hai có niềm yêu thích đối với các hệ thống xe lửa trong và ngoài nước.

“Các mô hình trên cũng phần nào khắc họa những ga tàu lửa mà vợ chồng chủ quán đã đi qua, có thể kể đến như ga tàu ở Ấn Độ, Đức, Cộng Hòa Séc… và các ga tàu lửa tại Việt Nam”, anh Hiếu thông tin.

Hấp dẫn thực khách “nhí”

Sau hơn 2 năm hoạt động, Tàu Lửa Quán đã có lượng khách ổn định. Quán bán từ 7h đến 22h mỗi ngày, song thời điểm quán đông khách nhất là những ngày cuối tuần và các dịp lễ, Tết.

Quản lý quán cho biết, yêu thích trẻ con cũng là một trong những yếu tố khiến chủ quán quyết định xây dựng mô hình kinh doanh này. Đối tượng khách chủ yếu của quán là các gia đình có con nhỏ.

Theo mong muốn của chủ quán, các mô hình đường ray, tàu lửa sẽ khiến trẻ nhỏ vui vẻ hơn khi ăn uống. Nhờ đó, người lớn cũng sẽ có thời gian trò chuyện với nhau.

Quán bán đa dạng món ăn, có thực đơn theo mùa để hấp dẫn thực khách. Quán không cần nhiều nhân lực bưng bê nên có khá ít nhân viên. Các hoạt động của tàu lửa đã có sẵn bảng điều khiển để nhân viên điều hành.

Đến quán, sau khi chọn bàn và gọi món, khách đợi khoảng 5-10 phút thì các tàu lửa mini sẽ chở theo những phần ăn, từ khu vực bếp di chuyển trên đường ray, đến đúng vị trí bàn và dừng lại.

Khi đó, tàu sẽ chờ khách tự lấy phần ăn ra khỏi xe lửa rồi tiếp tục di chuyển. Sau khi khách dùng bữa xong, chén đĩa cũng sẽ được để trên tàu lửa, vận chuyển vào bếp.

Tàu lửa sẽ di chuyển một chiều theo đường ray và dừng lại đúng số bàn đã được lập trình sẵn (Ảnh: Mộc Khải).

Quản lý quán cho biết, quán đã bố trí mô hình, tàu, nguồn điện để phù hợp với đối tượng khách hàng là trẻ em. Song, cơ sở vật chất ở quán hư hại theo thời gian là điều khó tránh khỏi, bởi các em nhỏ thường thích chạm, thậm chí mang xe lửa từ đường ray xuống bàn ăn.

Khoảng 6 tháng, quán sẽ bảo trì toàn bộ hệ thống đường ray và xe lửa một lần, bao gồm thay chân bánh, vệ sinh đường ray, kiểm tra lại đường dây điện.

Sắp tới, chủ quán mong muốn bố trí thêm nhiều mô hình tượng trưng cho các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam, để các khách hàng “nhí” có thêm sự hiểu biết về đất nước mình khi đến quán.

Mỗi chiếc tàu lửa tại quán có giá dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Thiên Lý (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết đã nghe về mô hình phục vụ đặc biệt của quán từ lâu, nhưng đến nay mới có dịp trải nghiệm. Buổi chiều, chị di chuyển gần 15km để đến quán.

“Tôi ăn mì Ý cá ngừ. Đồ ăn khiến tôi hài lòng, mô hình tàu lửa vận chuyển thức ăn cũng rất đặc biệt. Quán ăn bố trí ấm cúng, tôi rất thích và sẽ trở lại đây cùng bạn bè trong tương lai”, chị Thiên Lý cho hay.

Trẻ em thích thú khi được phục vụ thức ăn bằng tàu lửa (Ảnh: Cẩm Tiên).

Chị Hoàng Phương (quận 7, TPHCM) cũng cho biết mình và các con rất thích mô hình phục vụ của quán.

“Mô hình dùng tàu lửa mang thức ăn khiến các bé rất thích. Các bé biếng ăn chắc cũng sẽ ăn ngon hơn khi nhìn thấy tàu lửa mang thức ăn đến. Ở đây, món mì Ý, khoai tây sốt phô mai cũng rất ngon.

Nơi này yên tĩnh, ấm cúng, không quá náo nhiệt như các trung tâm thương mại khác. Đối với gia đình không thích không gian ồn ào thì đây là điểm đến phù hợp”, chị Phương bày tỏ.