Chúng mình dậy từ rất sớm để xuất phát từ thành phố Pleiku, Gia Lai, với quãng đường khoảng 50km đến với Kon Tum vào một ngày nắng chan hoà. Đường đi là những đoạn dốc lên xuống nhẹ nhàng.
Cung đường cực đẹp từ Gia Lai đến Kon Tum.
Con đường nhựa trải dài dọc quốc lộ 14 về phía bắc của Gia Lai với nhiều đồi núi. Cảnh vật trước mắt vô cùng đẹp. Sau khoảng 1,5 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng mình đã cập bến tỉnh phía bắc đầu tiên của Tây Nguyên.
Khí hậu ở đây có phần nóng hơn ở Gia Lai do địa hình trung bình thấp hơn. Chào đón chúng mình là bạt ngàn những đồn điền cao su ngay hàng thẳng lối, xen kẽ những trại nuôi ong lấy mật.
Cầu treo Kon Klor
Chiếc áo màu vàng của cầu treo Kon Klor thật rực rỡ trong một ngày nắng.
Điểm đến đầu tiên chúng mình khám phá là cầu treo Kon Klor. Cầu nằm ở phía đông thành phố Kon Tum, thuộc địa phận làng Kon Klor. Cầu khoác lên mình chiếc áo màu vàng nổi bật giữa nền trời trong xanh. Kiến trúc của cầu giống như chiếc đàn Tơ Rưng khổng lồ. Cầu bắc ngang qua dòng sông Đăk Bla huyền thoại, dòng sông chảy ngược về phía tây của Tây Nguyên.
Các bạn nên chú ý các phương tiện trên cầu khi dừng lại check-in nhé.
Cảm giác đi xe máy qua cầu treo, nghe tiếng rung lắc của bánh xe, vừa thấy sợ hãi vừa thấy thú vị.
Nhà rông Kon Klor
Nhà rông Kon Klor – ngôi nhà mang nét văn hoá truyền thống của người dân Tây Nguyên.
Đi qua cầu treo, chúng mình bắt gặp ngay nhà rông Kon Klor – một trong những ngôi nhà rông to và đẹp nhất Tây Nguyên được thiết kế hoàn toàn theo lối truyền thống. Ngôi nhà sở hữu chiều dài lên đến 17m, rộng 6m và chiều cao của nóc nhà là 22m. Điều đặc biệt là chất liệu làm nhà hoàn toàn là những nguyên liệu gắn liền đời sống của người dân như: gỗ, tre, nứa, lá kết hợp với hoa văn xinh xẻo, họa tiết chạm trổ cầu kỳ, tinh tế đặc trưng của dân tộc Ba Na. Hơn hết, toàn bộ phần trụ và mặt sàn đều được làm bằng gỗ xoay – một trong những loại gỗ quý hiếm.
Kiến trúc độc đáo của nhà rông.
Gầm nhà rông được xây cao như vậy với mục đích tránh thú dữ ngày trước của người bản địa. Để vào được nhà rông, bạn phải vượt qua những bậc thang cao hai bên nhà. Bước vào trong nhà, mình đã thấy bất ngờ với phần hệ thống giàn đỡ phía mái. Nó gồm những thanh gỗ dày đặc, bắt chéo nhau. Điều này thể hiện sự kỳ công đòi hỏi rất nhiều công sức để nhà rông vẫn vững chãi trước bao nắng gió của Tây Nguyên đại ngàn mà vẫn phù hợp với văn hóa của người Ba Na.
Cùng nhau check-in tại khuôn viên của sân trước nhà rông.
Khuôn viên của nhà rông rất rộng bao gồm cổng và tường rào xung quanh. Đặc biệt bên cạnh nhà rông có một cây sung cao ngang chiều cao của nhà, sai trĩu quả, xanh tốt và toả bóng mát cho khách du lịch tới thăm quan. Nhà rông là nơi tụ họp của dân làng Tây Nguyên. Tại đây cũng diễn ra nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian cổ truyền như nhạc cụ dân tộc, diễn xướng dân gian, lễ mừng lúa mới,… Nhà rông sừng sững như chứng nhân cho một nền văn hoá đa dạng của người dân Tây Nguyên.
Nhà rông là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch tại Kon Tum.
Măng Đen – ngày trời không nắng
Chúng mình quyết định đến Măng Đen trong vòng một nốt nhạc. Đúng là chỉ có tuổi trẻ mới cho chúng mình đủ sức lực để rong ruổi tiếp trên con chiến mã Sirius FI. Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plông, cách thành phố Kon Tum khoảng 50km về phía Đông Bắc. Nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có khí hậu miền núi mát dịu quanh năm. Khi chỉ còn cách thị trấn khoảng 10km là lúc chúng mình cảm nhận rõ rệt nhất sự thay đổi của thời tiết. Trời bắt đầu mù sương và có mưa phùn rơi, gió thổi quanh những con đường đèo và rít mạnh hơn nên khiến cảm giác lạnh càng xâm lấn cơ thể. Do chủ quan nên cả hai đứa đều không chuẩn bị quần áo ấm khi tới đây. Các bạn nên rút kinh nghiệm nhé. Bù lại là cung đường được rải nhựa nên dễ dàng di chuyển. Những dãy núi cao với thảm thực vật cây rừng đa dạng.
Lối vào thị trấn tiếp tục là những hàng thông cao vút hai bên đường. Nếu trời nắng, chắc chắn sẽ được thấy thông reo trong nắng rồi. Lúc cập bến thị trấn cũng là lúc cơn đói ập đến, chúng mình chọn ngay quán gà nướng cô Sinh để lấp đầy chiếc bụng đói. Vì khi order, chủ quán mới bắt đầu làm, nên thời gian chờ sẽ khoảng 15 phút. Nhưng khi món ăn đưa lên sẽ nóng hổi, giúp chúng mình phần nào xua đi được cái lạnh 14℃ nơi đây.
Món gà nướng, cơm lam thơm ngon, nóng hổi.
Chúng mình đặt một con gà, một ống cơm lam và một đĩa rau rừng. Gà nướng mềm, da giòn chấm muối tiêu xanh thơm nồng ngon tuyệt. Ống cơm lam được trộn với hành khô phi thơm phức, chấm thêm muối lạc ăn thật tốn mà. Có điều đặc biệt là muối lạc ở đây có vị hơi ngọt ngọt. Đĩa rau rừng xào tỏi, ăn giòn giòn, mùi hơi hăng hăng nhưng rất ngon nhé. Tổng bữa ăn hết 280.000 VND cho hai người và chúng mình no căng tròn mãn nguyện. Thêm một điều mình rất thích ở Kon Tum, hay cả Gia Lai nữa, đó là đa số các quán ăn đều có trà nóng (trà xanh, trà sâm dứa,…) phục vụ miễn phí. Còn gì tuyệt vời hơn khi sau bữa ăn được nhâm nhi ly trà ấm trong cái tiết trời se se lạnh này chứ. Nghỉ ngơi một chút, chúng mình tiếp tục lên lịch khám phá Măng Đen trong vòng mấy tiếng ngắn ngủi.
Thác Pa Sỹ
Thác Pa Sỹ – nàng tiên ẩn mình nơi núi rừng Măng Đen.
Thác nằm ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển và được hình thành từ ba ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen. Cách trung tâm thị trấn khoảng 7km, đường đến đây khá nhiều ổ voi, ổ gà và quanh co uốn lượn. Đường cũng vắng khu dân cư, chủ yếu là rừng thông. Vé vào cổng là 20.000 VND/ người đã bao gồm cả phí gửi xe.
Cổng chào khu du lịch thác Pa Sỹ với màu vàng nổi bật giữa tiết trời lạnh giá.
Để đến được với thác, từ cổng vào chúng mình phải tiếp tục vượt qua hai cây cầu treo bắc ngang qua những con suối rừng chảy róc rách.
Cầu treo trên đường đến thác.
Khu du lịch này đã được quy hoạch với những khu bán hàng lưu niệm và lán nghỉ cho khách tham quan.
Những góc xinh xắn của khu du lịch thác Pa Sỹ.
Tiếng thác chảy vang vọng cả một góc rừng sâu.
Đi tiếp sâu vào trong, mình đã thấy dòng thác trắng xóa giữa màu xanh của núi rừng. Dòng nước chảy mạnh mẽ từ độ cao 40m, tạo thành những bọt nước chảy xuống chiếc “đập” phía dưới. Ngắm nhìn dòng thác, nghe tiếng nước đổ ào ào, mình thấy thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.
Tới gần thác để ngắm nhìn rõ hơn nhé.
Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ.
Hồ Đak Ke
Trên đường về lại thành phố Kon Tum, chúng mình ghé thăm hồ Đak Ke. Hồ rộng 3ha và cũng là hồ nước rộng lớn nhất trong 7 hồ ở Măng Đen. Hướng tầm mắt ra xa là những rừng thông bao la.
Chiếc cầu nhỏ màu đỏ hướng ra phía mặt hồ Đak Ke.
Mặt hồ yên ả, xung quanh hồ còn có một cây mimosa đang mùa trổ bông và rất nhiều cây anh đào chỉ chờ mùa xuân đến là sẽ bung nở.
Quay trở về thành phố Kon Tum vào lúc xế chiều, chúng mình thử thêm món gỏi lá nổi tiếng của nơi đây tại quán Út Cưng. Địa chỉ: 16 Trần Cao Vân.
Món gỏi lá nhiều màu xanh độc đáo của Kon Tum.
Món này sẽ gồm khoảng 30 – 70 loại lá khác nhau tùy vào mùa. Có những loại lá chỉ có thể tìm thấy ở Tây Nguyên như lá bứa, lá trâm, ngành ngạnh đỏ,… hay các loại lá dễ tìm hơn như lá sung, lá mơ, lá cải, rau mùi, bạc hà…. Mình đã phải hỏi cô chủ quán để ghi lại vì có nhiều loại lá lần đầu mình mới nghe tên. Điều đặc biệt của món ăn này là nước chấm. Đây không phải là nước mắm bình thường mà là được làm từ cơm rượu (gạo nếp lên men) ủ với thịt ba chỉ, tôm khô sau đó đem đi xay nhuyễn cùng với mẻ, sa tế và các gia vị khác. Món ăn mặn quấn bên trong còn có thêm tôm rang, thịt ba chỉ thái mỏng và nem bì lợn. Quấn một chiếc gỏi lá, cảm nhận vị béo ngậy của tôm, thịt, vị giòn của bì lợn, vì chua, chát của các loại lá, hoà quyện với nước chậm đậm đà. Tất cả tạo nên một vị hài hoà độc đáo, khiến chúng mình ăn mãi không ngán. Giá là 50.000 VND/phần nhé.
Kon Tum tạm biệt chúng mình bằng một chiếc hoàng hôn thật đẹp.
Dù chỉ có một ngày ở Kon Tum nhưng cũng cho chúng mình rất nhiều trải nghiệm thú vị. Từ cái nắng ở làng Kon Klor đến cái giá lạnh ở thị trấn Măng Đen. Đặc biệt hành trình đến Măng Đen “nhiều sóng gió”, chỉ có chưa đầy 3 tiếng “quá cảnh” để khám phá nơi đây trong thời tiết 14℃ nhưng vẫn rất đáng nhớ. Điều ấy lại càng thôi thúc mình muốn quay lại Măng Đen để có nhiều thời gian ngắm nhìn và tìm hiểu thêm những góc khác của thị trấn yên bình này.