Đi nước ngoài chỉ để thỏa mãn đam mê săn cá biển khổng lồ
Sinh ra ở Vũng Tàu, hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Bá Nguyên cho biết rất đam mê du lịch lặn biển săn cá khổng lồ. Hiện sinh sống và làm việc tại Phú Quốc, một trong những hòn đảo đẹp nhất tại Việt Nam, nhưng anh luôn ấp ủ dự định khám phá những vùng đảo xa xôi ở Nam Thái Bình Dương.
Từ nhỏ, khi tay cầm quả địa cầu và đọc cuốn bách khoa toàn thư về New Guinea, vùng đất của những bộ tộc săn đầu người đã gợi mở trí tưởng tượng của cậu bé 7 tuổi. Trong trí óc của một cậu nhóc, đây là hòn đảo có rất nhiều động vật thú vị, từ chim thiên đường tới những loài rùa cực hiếm.
New Guinea là quốc đảo lớn thứ 2 thế giới, được chia thành 2 thực thể chính trị. Phía tây đảo thuộc lãnh thổ của Indonesia, nhưng nửa phía đông còn lại là của Papua New Guinea, đảo quốc nằm về phía tây nam Thái Bình Dương.
Lớn thêm chút nữa, những câu chuyện về bộ tộc ăn thịt người và phong tục săn đầu người ở New Guinea càng gợi mở sự tò mò của chàng trai trẻ. Niềm đam mê khám phá và chinh phục thôi thúc anh lên đường.
Chuyến đi đầu tiên của anh Nguyên diễn ra vào năm 2018. Người dân bản địa trên đảo cho biết, họ chưa từng biết tới người Việt Nam. Anh là người Việt đầu tiên họ được tiếp xúc. Sau lần này, anh biết mình chắc chắn sẽ quay lại, thậm chí dành cả đời để thám hiểm mà không sợ khai phá hết những điều thú vị.
“Thực sự mãn nguyện là cảm xúc đầu tiên khi tôi tới đây. Quốc đảo mang vẻ đẹp hoang dã hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Nếu như ở nhiều nước, việc gặp cá heo, cá mập, cá voi hàng ngày là điều rất đặc biệt, thì nơi này là chuyện quá bình thường với người địa phương”, anh nói.
Lần thứ 2 trở lại, anh Nguyên đã có cảm giác “như trở lại nhà”. Và chuyến đi thứ 3 mới đây, mọi thứ với anh không còn quá lạ lẫm, cách biệt.
“Điều tôi ấn tượng nhất tại quốc đảo này là sự đa dạng sinh học từ trên rừng dưới biển so với nhiều nơi khác trên thế giới. Ngoài ra, New Guinea còn sở hữu nền văn hóa nguyên thủy thú vị với hơn 1.000 ngôn ngữ khác biệt. Họ vẫn còn nguyên những bộ lạc với tập tục truyền thống, không bị thế giới hiện đại đào thải”, anh chia sẻ.
Xuất phát từ quê nhà Việt Nam, anh Nguyên cho biết, du khách muốn bay tới New Guinea bên Indonesia phải bay qua thủ đô Jakarta. Nếu từ Papua New Guinea thì bay tới Manila rồi đến thủ đô Port Moresby. Từ đây, du khách có thể đặt tiếp máy bay để đến nơi cần tới.
Cầm tấm bản đồ trên tay, anh Nguyên tìm kiếm những hòn đảo xa xôi nhất để bay tới. Có những nơi còn hoang sơ đến mức đường băng chỉ là một đường cỏ, còn “nhà ga sân bay” chỉ gồm 2 chiếc ghế đá đặt dưới tấm tôn.
Liên hệ với chúa đảo để ở nhờ, đi săn cá khổng lồ
New Guinea gồm rất nhiều đảo nhỏ. Khi dừng chân tại một bán đảo phía đông do chúa đảo người Papua cùng gia đình chiếm lĩnh, anh Nguyên tìm cách liên hệ nhờ hỗ trợ.
Thường ở mỗi thị trấn sẽ có vài người biết tiếng Anh. Anh Nguyên giao tiếp với họ, xin các thông tin cần thiết. Nếu không, anh lại thuê một chiếc xuồng tới đảo mình cần tới, lịch sự trình bày các lý do muốn khám phá. Người dân ở đây khá thân thiện nên gần như không từ chối giúp đỡ.
Để hòa nhập cuộc sống người bản địa, anh Nguyên quan sát họ làm những gì thì bắt tay vào việc y hệt. Anh cùng người dân đi săn, nhóm lửa, nấu ăn, săn bắt cá khổng lồ. Đó là một cuộc sống không Internet, điện thoại, tách biệt với thế giới hiện đại bên ngoài.
Thông thường, người dân trên đảo sẽ sống dọc bờ biển, nhưng cũng có những người sống ở trong làng ven biển. Họ xây khoảng 20-30 nóc nhà. Thậm chí, có người lại muốn sống tách biệt với làng nên sẽ chọn hòn đảo biệt lập khác để ở cùng gia đình.
Do ở đây không có nhà hàng hay chợ búa nên vị khách Việt buộc phải tự cung tự cấp. Nơi ngủ nghỉ của chàng trai Phú Quốc cũng rất đơn sơ, chỉ là cái chòi gỗ trên mặt biển. Lúc cần chỉ việc thay đồ lặn và dụng cụ bắt cá lao xuống biển là bắt luôn được con mồi.
Mỗi ngày, anh bắt đầu từ 5h sáng, được đánh thức bởi tiếng của chim thiên đường và vẹt cockatoo từ trong rừng vọng tới. Buổi sáng, anh sẽ kiếm 1, 2 con cá làm bữa trưa. Chỉ cần nhảy xuống nước, vị khách Việt đã nằm giữa những rạn san hô với độ đa dạng sinh học phong phú thuộc hạng bậc nhất thế giới.
Ăn trưa xong, anh và con trai của chúa đảo lại lấy xuồng máy, đi loanh quanh trên biển và bắt cá phục vụ cho bữa tối. Vì ở đây không có điện lưới nên đá lạnh là thứ rất xa xỉ. Cá cũng như các loại hải sản khác đánh bắt được phải ăn tươi luôn trong ngày chứ không thể để lại.
Hôm sau vẫn muốn ăn tiếp món đó, người dân chỉ còn cách tiếp tục đi săn cá. Nếu hôm nào không kiếm được con mồi, anh Nguyên chấp nhận chỉ ăn cơm rau với trứng.
Học theo người địa phương, vị khách Việt bắt cá nhờ súng hoặc lao phóng tay. Thông thường, anh phải nín thở, lặn xuống nước và chờ thời cơ bắn trúng con mồi. Con nặng nhất anh từng bắt được tại đây là một con cá thu nặng trên 25kg.
Nếu con cá bắt được nằm tại địa phận của chúa đảo thì anh sẽ cùng xử lý để chuẩn bị bữa tối. Trong trường hợp ngược lại, anh tự chế biến trên bãi biển bằng các ướp gia vị, nhóm lửa và nấu nướng trên đảo hoang rồi ăn một mình.
Đôi lúc, anh đi cùng các cậu con trai của chúa đảo và dạy họ cách nấu ăn theo kiểu người Phú Quốc. Họ cũng hướng dẫn anh phương pháp chế biến hải sản của người Papua.
“Hải sản trên đảo rất dồi dào và tươi ngon. Tuy nhiên ở đây gia vị là thứ rất hiếm có nên tôi không thể chế biến món ăn như ở đất liền”, anh cho biết.
Cuộc sống sinh tồn ở nơi tách biệt thế giới hiện đại
Ở vùng đất ngoài thiên nhiên hoang dã thì cuộc sống thiếu thốn bộn bề khiến anh Nguyên phải học cách thích nghi dù là khách du lịch.
Về chuyện tắm gội, anh phải xếp các tấm ván gỗ thành hộp kín rồi dùng gàu múc nước từ giếng, dội toàn thân. Ngoài ra anh có thể lấy nước trong bình chứa nước mưa.
Giống như những vật dụng của thế giới hiện đại, xăng dầu trên đảo rất đắt đỏ, chỉ có nguồn hải sản là miễn phí. Bởi vậy khi sống tại New Guinea, vị khách Việt chỉ giảm bớt được khoản tiền ăn uống.
Đến vùng đảo hẻo lánh này, trước mỗi chuyến đi anh phải chuẩn bị nhiều đồ cá nhân như thuốc men đầy đủ. Những loại cần thiết như thuốc sốt rét, kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau, món đồ sơ cứu đều không thể thiếu. Bệnh viện duy nhất nằm cách đó khoảng 150-200km đường biển.
“Du khách đến đây phải chuẩn bị tâm lý sẽ đặt chân tới nơi rất xa với thế giới hiện đại nên cần chuẩn bị đầy đủ đồ nghề cho những gì bản thân muốn khám phá và một tâm thế thật vững lòng. New Guinea có rất nhiều điều khám phá như thám hiểm, lặn biển, sinh vật học, hệ thống hang động…
Mỗi lĩnh vực này lại cần những món đồ đặc thù. Nếu không chuẩn bị đủ hoặc chúng bị hỏng giữa chuyến đi không còn đồ thay thế, thì rủi ro hoặc bị gián đoạn rất cao. Điều này dẫn tới phát sinh thêm tiền bạc và thời gian”, anh Nguyên lưu ý.
Đam mê của vị khách Việt là lặn biển săn cá và sinh tồn trên đảo, nên đồ nghề của anh ngoài những dụng cụ đánh bắt còn có thêm đồ sinh tồn phục vụ cho nấu ăn như đánh lửa, vỉ nướng, dao, các loại dây, gia vị, võng, bạt…
Đối với súng bắn cá, kính lặn, mũi tên, anh thường chuẩn bị thêm đồ thay thế để nếu lỡ mất hay hỏng còn có cái khác để bù.
Vì khoảng cách địa lý xa xôi nên thông thường mỗi chuyến đi anh sẽ dành từ 3-4 tuần để khám phá cho đã. Anh Nguyên ước tính, chi phí cho chuyến đi tới New Guinea ở lãnh thổ của Indonesia sẽ mất khoảng 3.500 USD (90 triệu đồng). Trong khi nếu muốn khám phá Papua New Guinea, du khách sẽ tốn khoảng 4.500 USD – 5.000 USD (115 triệu đồng – 127 triệu đồng).
Lý giải về chi phí tốn kém, chàng trai Phú Quốc cho biết khoản tiêu tốn nhất là di chuyển bởi anh phải thuê tàu, mua rất nhiều xăng dầu đi khám phá những nơi đảo xa nằm tách biệt. Hòn đảo nào càng xa, chi phí càng đội lên cao hơn.
“New Guinea là vùng đất không phù hợp với những du khách quen lối sống hiện đại, thích được phục vụ tận răng. Đến đây, bạn phải tự mình làm tất cả mọi thứ”, anh nói.
Nguồn ảnh: Savage Dragon