Tới Việt Nam du lịch từ giữa năm 2024, những điều mới lạ ở một quốc gia nằm cách xa đất nước mình khiến anh Naoki Okamura (quốc tịch Nhật Bản) đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác.
Có thời gian sống ở TPHCM nên vị khách người Nhật được dịp trải nghiệm và tìm hiểu về đất nước, con người tại đây lâu hơn. Du khách thừa nhận, rất nhiều điều ở Việt Nam vượt xa trí tưởng tượng của anh nếu không tận mắt chứng kiến và cảm nhận.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Naoki cho biết, lý do khiến anh yêu Việt Nam nhất chính là mạng wifi có mặt ở khắp nơi.
Thậm chí, người bán trà đá, quầy sinh tố ở vỉa hè vẫn cung cấp mạng miễn phí cho khách. Bước chân ra đường và dừng ở bất cứ đâu, chỉ cần hỏi mật khẩu wifi, người bán hàng hay những người lạ đều vui vẻ chia sẻ để du khách có thể sử dụng.
Naoki nói điều này khác hẳn với Nhật Bản quê hương anh, nơi có nền khoa học kỹ thuật lâu đời và là một trong những nước phát triển nhất thế giới.
“Nếu không tới Việt Nam, người nước ngoài chắc không thể tin rằng Việt Nam có mạng lưới internet cáp quang mạnh như vậy. Ở các thành phố lớn, khi tới bất cứ quán ăn nào, bạn cũng có thể hỏi mật khẩu để vào mạng miễn phí. Những người Nhật Bản khi chưa tới Việt Nam bao giờ sẽ không biết điều này. Việt Nam là số một về điều này”, anh Naoki chia sẻ.
Câu chuyện của vị khách Nhật Bản nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều lao động người Việt đang làm việc tại Nhật Bản cũng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình liên quan tới mạng wifi.
Chị Thanh Thủy, hiện sống tại thành phố Osaka, cho biết, chị tới Nhật Bản vào năm 2018. Ngày đầu tiên tới đất nước xa lạ, khi vào siêu thị lớn để mua sắm thực phẩm, chị đã hỏi xin mật khẩu wifi nhưng bị từ chối khéo léo.
“Thay vào đó, nhân viên siêu thị đã mời tôi tải phần mềm trên điện thoại để nhận điểm, nhưng wifi miễn phí để cung cấp cho khách hàng thì không có. Tôi bị sốc vì vốn quen như hồi ở nhà đi tới chỗ nào cũng có wifi miễn phí để dùng”, chị Thủy nói.
Anh Naoki cũng xác nhận tại Nhật Bản hầu như không có wifi miễn phí. Khách hàng muốn sử dụng đều phải trả phí. Một số cửa hàng tiện lợi trước đó có wifi, nhưng vài năm trở lại đây cũng đã cắt bỏ.
Bên cạnh đó, sự thân thiện và tốt bụng của người Việt Nam cũng khiến vị khách Nhật Bản thấy bất ngờ. Trước đó, chiếc kính của anh bị rơi một con ốc vít và phải tìm một tiệm bán kính ở gần đó để sửa.
Vị khách tới tiệm kính trên đường Hoàng Diệu ở quận 4, TPHCM, trao đổi với chủ quán về vấn đề của mình. Khoảng 5 phút sau, chủ quán quay trở lại với chiếc kính đã sửa xong.
Khi vị khách hỏi giá tiền hết bao nhiêu để gửi trả, anh nhận được câu trả lời “không” khiến bản thân rất bối rối. Sau đó, anh ngỏ ý muốn gửi ít tiền hoặc tặng chủ quán món đồ gì đó như lời cảm ơn, nhưng vẫn bị từ chối.
“Tôi thấy sốc trong tình huống này. Điều này trái ngược hẳn với Nhật Bản. Tại quê hương tôi, chưa bao giờ chúng tôi được sửa miễn phí thứ gì, đặc biệt khi món đồ bị hỏng do bản thân gây ra”, anh nói.
Vì những lý do yêu quý Việt Nam nên hiện chàng trai Nhật Bản quyết tâm học tiếng Việt để có thể giao tiếp thoải mái hơn.