Chả gà Tiểu Quan – Món ngon cầu kỳ ngày Tết ở Hưng Yên

76

Chả gà Tiểu Quan – Món ngon cầu kỳ ngày Tết ở Hưng Yên

Ngày xưa vào mỗi dịp lễ Tết, người dân không có thức gì ngon ngoài mấy con gà nhà. Do đó, những người phụ nữ đã sáng tạo và truyền nhau món chả gà. Với hương vị lạ miệng, thơm ngon nên không lâu sau món này đã được phổ biến khắp vùng.

Chả gà Tiểu Quan.

Cách làm chả gà Tiểu Quan rất cầu kỳ trong từng công đoạn, đặc biệt phải có sức khỏe để giã chả được mịn, dai. Gà vườn thịt chắc sẽ được chọn để làm món chả gà. Người ta phải lọc thịt gà nạc, tách bỏ hết da, xương.

Nhiều hộ gia đình làm chả gà theo cách truyền thống sẽ dùng cối đá để giã thịt gà. Người giã phải biết ước lượng thời gian giã. Nếu giã ít quá chả sẽ không mềm, mịn, nhưng giã kỹ quá thì chả bị nát. Lúc giã thì cho trứng gà, gia vị vào giã cùng. Ngoài ra còn có vỏ quýt khô để món ăn thêm vị thơm thoang thoảng.

Chả làm từ thịt gà nạc.

Giã xong chả người ta lấy miếng mo cau phết thịt lên phên vỉ nướng bằng tre. Việc phết thịt lên phên cũng cần sự ước lượng bằng kinh nghiệm, nếu phết quá mỏng chả sẽ chảy xệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá chả sẽ không chín đều.

Lá chanh cho vào chả để chả thơm ngon hơn. Ảnh: Báo Lao động.

Chả gà Tiểu Quan được nướng bằng than hoa (than từ củi). Đặc biệt người dân xứ nhãn thường dùng than của những cành cây hay gốc nhãn lồng khô để chả có mùi vị thơm ngon nhất. Do chả gà chỉ làm từ thịt nạc gà nên chả dễ bị khô nên người ta thường cho thêm chút mỡ lợn để nướng.

Gà ngon được chọn làm chả. Ảnh minh họa: Tạp chí chăn nuôi.

Chả gà ăn kèm với xôi, cơm trắng, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết hoặc để ăn chơi cũng rất thú vị. Miếng chả khi chín có màu vàng óng đẹp mắt, kết dính, không bị nứt gãy, thơm thoang thoảng hương vỏ quýt, hạt tiêu. Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận hương vị thơm cay, ngậy béo vô cùng cuốn hút.

Miếng chả vàng ươm.

Từ nguyên liệu đồng quê có sẵn, hiện nay chả gà Tiểu Quan là một trong những món ăn hấp dẫn của ẩm thực đất nhãn Hưng Yên. Thời gian qua, món chả gà Tiểu Quan cũng được thay đổi, cải tiến theo khẩu vị, nhưng giá trị món ăn mãi trường tồn vì nó thể hiện cho tình cảm gia đình, không khí đoàn tụ dịp Tết.

 Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Phố Hiến Hưng Yên – Di sản vang bóng một thời

Tương bần Yên Nhân – Thứ nước chấm giản dị mà thơm ngon ở Hưng Yên

Đến Hưng Yên thăm văn miếu Xích Đằng, niềm tự hào của người “xứ nhãn”