"Cầu nghìn mắt" 400 năm tuổi lộ diện giữa hồ nước giữa thời tiết khô hạn

52
Khi mực nước ở hồ Bà Dương (Trung Quốc) xuống thấp, cây cầu được mệnh danh nghìn mắt được xây từ thời nhà Minh với niên đại hơn 400 năm tuổi đã lộ diện, thu hút khách tham quan.

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao và thiếu mưa, mực nước hồ Bà Dương tiếp tục giảm khi bước vào mùa mưa.

Gần đây, mực nước hồ Bà Dương tiếp tục hạ thấp giữa điều kiện thời tiết khô nóng. Khu vực thuộc thị trấn Duobao thuộc huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) ghi nhận mực nước hồ Bà Dương giảm sâu. Chính vì vậy “cây cầu Thiên Nhãn” (tạm dịch: cầu nghìn mắt) ở giữa hồ cũng lộ diện, thu hút khách tham quan.

“Cầu nghìn mắt” 400 năm tuổi lộ diện giữa hồ nước giữa thời tiết khô hạn (Nguồn video: Xinhua).

Được biết, cây cầu đá cổ được xây dựng vào năm 1631 dưới thời nhà Minh (1368-1644) từng là lối đi thuận tiện cho người dân sinh sống ở hai bên bờ hồ thời đó. Tổng chiều dài công trình là 2.657m.

Cầu có 949 trụ cầu và 948 lỗ, nên người dân địa phương vẫn quen gọi là “cầu nghìn mắt”. Vào mùa mưa lũ, “cầu nghìn mắt” chìm hẳn dưới dòng nước. Chỉ khi mực nước hồ thấp hơn 10,5m, diện mạo thực sự của nó mới được lộ diện.

Theo ghi nhận vào 18h ngày 22/9 (theo giờ địa phương), mực nước tại trạm thủy văn Duchang ở hồ Bà Dương giảm xuống còn 10,2m nên thân cầu bằng đá granit lộ ra hoàn toàn.

Cầu nghìn mắt nổi lên giữa lòng hồ Bà Dương (Ảnh cắt từ clip).

Từ năm 2016, chính quyền tỉnh Giang Tây đã tiến hành trùng tu toàn diện “cầu nghìn mắt”. Nhóm kỹ sư không chỉ khôi phục lại diện mạo ban đầu, công trình còn được công nhận là di tích văn hóa quan trọng cần được bảo vệ tại địa phương này.

Trước đó vào tháng 8/2022, hồ Bà Dương từng bị hạn hán nặng khiến lòng hồ cạn trơ đáy do nắng nóng kỷ lục.

Đảo Lạc Tinh Đôn từng được dùng như ngọn hải đăng để dẫn đường cho tàu thuyền qua lại trước kia (Ảnh: News).

Thời điểm đó, nắng nóng kỷ lục kéo dài hơn 70 ngày kết hợp hạn hán kéo dài khiến hồ nước bị “thu nhỏ” hơn bình thường. Reuters đưa tin, khi đó diện tích bề mặt nước của hồ chỉ còn bằng 1/5 so với vài tháng trước.

Cũng vì lượng nước hạ sâu, hòn đảo Lạc Tinh Đôn với niên đại hơn 1.000 năm giữa hồ lộ rõ hoàn toàn. Bao quanh đảo là những vùng đất nứt nẻ, thay vì nước. Trước kia, hòn đảo này có tác dụng để dẫn đường, nhưng ngày nay, nó làm nhiệm vụ theo dõi mực nước.

Tới cuối tháng 8/2022, người dân và du khách thậm chí có thể đi bộ dưới đáy hồ khô cạn. Xung quanh là xác trai và cá chết. Bất chấp nước cạn, dòng du khách vẫn đổ về đây, ngắm nhìn khoảnh khắc đảo hơn 1.000 năm lộ diện giữa đám cỏ dại mọc phủ kín lòng hồ.

Hồ Bà Dương là hồ nước ngọt có diện tích bề mặt rộng nhất Trung Quốc với chiều dài nam – bắc đạt 173km, chiều rộng hướng đông – tây đạt 74km, mực nước sâu trung bình 8,4 m.

Vẻ đẹp lãng mạn nên thơ của hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc (Ảnh: China).

Vào đời nhà Đường, hồ nước ngọt này từng đạt kích thước kỷ lục với diện tích bề mặt lên đến 6000km2. Đây là hồ nước thông ra sông Trường Giang còn được ví như “quả thận” đóng vai trò điều phối nước sông.

Hiện hồ nước ngọt này là nơi sinh sống của những loài chim di cư và là điểm tham quan cho những ai ưa thích muốn tìm hiểu. Đây còn là môi trường sống của loài cá heo nước ngọt quý hiếm có tên Jiangzhu. 

Vào mùa đông, hồ là nơi sinh sống của loài sếu Siberia cực kỳ nguy cấp. Ước tính, khoảng 90 % quần thể loài này tới đây trú đông. Hồ còn là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia.