Cẩm nang Du lịch HÀ NỘI 2024 từ A-Z: top 15 trải nghiệm phải thử mới nhất

48

Những công trình từ thời Pháp thuộc, hàng quán vỉa hè bày bán đặc sản địa phương, xe máy luồn lách trên đường đông đúc… là những ấn tượng đầu tiên của du khách về Hà Nội. Với nhiều người, Hà Nội có tất cả những thứ thú vị để khám phá nơi đây theo cách riêng của mình.

Hà Nội mùa nào đẹp

Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Hà Nội là vào mùa thu từ tháng 8 đến tháng 11 và mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 4. Không ít người cho rằng mùa thu là lúc tiết trời đẹp nhất trong năm ở Hà Nội, với bầu trời xanh trong, gió heo may se se lạnh, lá vàng rơi, mùi hoa sữa thoảng… Mùa xuân về tiết trời ấm áp, đường phố như thay áo mới khi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở

Lộc vừng thay lá bên hồ Gươm những ngày xuân.

Di chuyển

Hà Nội được ví như trái tim của Việt Nam, do đó du khách có thể di chuyển thuận lợi đến thủ đô bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách, ôtô riêng hay xe máy từ các tỉnh thành khác.

Để di chuyển trong thành phố, bạn có thể đi ôtô, xe máy hay xe đạp. Nhưng trải nghiệm sẽ thi vị hơn nếu bạn ngồi xích lô ngắm 36 phố phường, đi tour môtô ba bánh hay vespa cổ. Một gợi ý đáng cân nhắc khác là xe buýt hai tầng, giá vé từ 130.000 – 599.000 đồng.

Dạo quanh Hà Nội trên xe buýt 2 tầng

 
 

Dạo quanh Hà Nội trên xe buýt 2 tầng

Lưu trú

Hà Nội có nhiều lựa chọn lưu trú cho du khách như nhà nghỉ bình dân, homestay, khách sạn, resort… phù hợp với túi tiền và sở thích. Nếu đi dạo trong phố cổ, bạn có thể thuê từ giường kiểu “Tây balo” với những phòng dorm tập thể khoảng 100.000 đồng một đêm, cho đến khách sạn cao cấp giá 3.000.000 – 5.000.000 đồng một đêm.

Một số khách sạn đặc biệt phải kể đến như Sofitel Legend Metropole Hà Nội mang nét kiến trúc thời thuộc địa Pháp, chỉ cách Nhà hát Lớn vài bước chân là Hilton Hanoi Opera, Apricot Hotel ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm, khách sạn nổi tiếng với view ngắm hồ Tây là Sheraton Hà NộiInterContinental Hanoi Westlake, Lotte Hotel Hanoi trên tầng cao của tòa Lotte Center 65 tầng…

Khám phá

Tham quan

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới nằm giữa lòng Hà Nội và đã có bề dày lịch sử hơn 1300 năm. Nơi đây chứa đựng những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử của Thăng Long – Hà Nội và lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời đại. Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình.

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010. Ảnh: Shutterstock

Hồ Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nộ, kết nối các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền… Dạo quanh hồ, ngoài tận hưởng thiên nhiên trong lành giữa phố thị, bạn có thể ghé thăm đền Ngọc Sơn, phố cổ…

Ảnh: Shutterstock

Cầu Long Biên

Không chỉ đơn thuần bắc qua hai bờ sông Hồng, cầu Long Biên còn chính là dấu ấn nối liền giữa hiện tại và ký ức xưa của những người dân yêu Hà Nội. Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, dân gian còn gọi bằng cái tên cầu Sông Cái hay cầu Bồ Đề vì cầu bắc qua bến Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Với chiều dài 1.682 m cùng phần cầu dẫn dài 896 m, cầu Long Biên được chia làm 9 khung, mỗi khung dài 61 m. Theo thiết kế ban đầu, cầu có tất cả 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m.

Ảnh: Unsplash

Chùa Trấn Quốc

Nằm trên hòn đảo phía đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc từng vào top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa có lịch sử 1.500 năm, là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần. Công trình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Năm 2003, chùa tổ chức khánh thành Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15 m, 11 tầng.

Ảnh: Nghiêm Đình Chính

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay du khách đến có thể tham quan các bia đá, khuôn viên trang nghiêm với những ao sen, ao súng. Văn Miếu là nơi thanh bình, yên tĩnh hiếm hoi giữa thành phố sôi động. Du khách sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa cổ và kim khi tới đây qua những bức tường nghìn năm tuổi.

Khuê Văn Các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”) là công trình biểu tượng của Hà Nội.

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông mới cho lập nhà Quốc Tử Giám.

Nơi này cũng lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với người Việt, đây là một trong những điểm tham quan quan trọng nhất trong nước. Du khách tới để bày tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khách tham quan cần giữ im lặng, mặc quần áo phù hợp và không chụp ảnh tại những khu vực cấm.

Dự lễ thượng cờ vào buổi sáng là trải nghiệm đặc biệt tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu bỏ lỡ, du khách có thể yên tâm dạo chơi một vòng quanh thành phố và quay lại đây tham gia lễ hạ cờ lúc 9h tối hàng ngày. Không khí trang nghiêm bao trùm khắp quảng trường Ba Đình khi tiếng loa phát thanh vang lên báo lễ hạ cờ sắp diễn ra. Người người xếp hàng ngay ngắn, dõi theo đoàn cảnh vệ trang trọng hạ lá cờ Tổ Quốc trong tiếng nhạc bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.

Ảnh: Ngọc Thành

Chùa Một Cột

Công trình là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội. Chùa được xây trên một thân gỗ cách đây hơn 1.000 năm. Vào những năm 1950, thân gỗ ban đầu mục nát nên được thay thế bằng một cột bê tông. Khách Tây nên tới đây để đi dạo quanh khu vực này do có những công trình nhà ở xung quanh thuộc hàng đẹp và ấn tượng nhất Hà Nội.

Ảnh: Staffan Scherz/Flickr

Phố cổ

Cứ để đôi chân dẫn đường, bạn sẽ khám phá được nhiều nhất về những con phố đầy màu sắc hoài niệm của thủ đô. Không đích đến, không vạch sẵn cung đường, chỉ có rẽ phải, rẽ trái hoặc đi thẳng. Phố này bán đầy đồ chơi, phố kia thấy toàn giày dép, quần áo, đồ cổ hay có khi là bia mộ, phụ tùng xe máy.

Nếu đến đây vào giờ tan tầm, trải nghiệm càng thú vị. Lúc nào bạn cũng phải sẵn sàng né dòng người và xe bon bon trên đường. Cứ thế 1.000 năm lịch sử của Hà Nội chảy qua những con phố như dòng khí huyết len lỏi trong từng tĩnh mạch, thổi vào cuộc sống hơi thở của cả quá khứ lẫn hiện tại.

Bảo tàng

Điểm đến không thể bỏ qua khi tới bất cứ thành phố nào chính là các bảo tàng, di tích lịch sử. Một trong những nơi được du khách check-in nhiều nhất chính là bảo tàng Dân tộc học. Bảo tàng Dân tộc học hiện lưu giữ và trưng bày 15.000 hiện vật, 42.000 phim tư liệu, tranh ảnh và hàng nghìn tài liệu khác về 54 dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, du khách cũng tìm đến bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay nhà tù Hỏa Lò, di tích Cột cờ Hà Nội… để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của thành phố.

Khu tham quan ngoài trời ở Bảo tàng Dân tộc học có 10 công trình kiến trúc dân gian độc đáo như nhà rông của người Bana, nhà sàn nửa đất của người Dao, nhà mồ tập thể của người Giarai…. Ảnh: Daniel Mennerich.

Xem gì

Ngoài tham quan danh lam thắng cảnh, du khách nên thưởng thức các show diễn nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc tại Hà Nội.

Múa rối nước: là nghệ thuật sân khấu du khách nên xem khi tới Hà Nội. Nghệ thuật này đã có truyền thống hơn 1.000 năm ở Việt Nam. Có hai địa chỉ nhiều khách ghé thăm là Nhà hát múa rối Thăng Long ở 57B Đinh Tiên Hoàng và Nhà hát múa rối Việt Nam ở 361 Trường Chinh.

Ảnh: Martin Sasse

Nghe ca trù: Ca trù có nguồn gốc từ thế kỷ 11, phong cách mang nhiều nét giống nghi lễ geisha của Nhật Bản và các màn trình diễn opera. Ban đầu, ca trù được xem là thú vui giải trí cho giới quý tộc trong hoàng cung, sau đó, đi vào không gian văn hóa chung của Hà Nội thời hiện đại. Ca trù có năm không gian trình diễn chính: Ca trù cửa đình (hát ở cửa đình tế thần), ca trù cửa quyền (thưởng thức ca trù của giới quyền chức), ca trù tại gia, ca trù hát thi, ca trù ca quán. Du khách có thể nghe ca trù tại Câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội ở 42 hàng Bạc, Ca Trù Thăng Long 146 Từ Hoa.

Show thực cảnh: Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn thực cảnh trên sân khấu ở chùa Thầy, dưới chân núi Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Vở diễn diễn ra trên mặt hồ nước rộng 4.300 mét vuông, đưa du khách du hành vào đời sống của nông dân Bắc Bộ qua những màn biểu diễn âm thanh, ánh sáng. Phần lớn diễn viên tham gia thực cảnh là những nông dân của huyện Quốc Oai.

Ngoài vở diễn, du khách còn có thể trải nghiệm trực tiếp văn hóa truyền thống Bắc Bộ ở phía bên ngoài sân khấu với những quán xá bán bánh giò, bánh tẻ, bánh nếp, xôi gói lá sen lá chuối, kẹo lạc, kẹo dồi. Khách du lịch có thể mua và ngồi ăn giữa những chiếc ghế nhỏ giữa vườn trong tiếng nhạc quan họ.

Chơi đâu

Chèo SUP trên hồ Tây: Thức dậy khi trời sắp bình minh, bạn có thể chạy xe ra Hồ Tây và trải nghiệm những trò chơi dưới nước như chèo SUP và kayak. Thời điểm thích hợp thường là 5h-7h, hoặc chiều mát. Bạn có thể tìm thuê thuyền, ván ở các cửa hàng trên phố Lạc Long Quân, Âu Cơ, Trích Sài… với giá từ 250.000 đồng một ngày.

Ngắm toàn cảnh Hà Nội từ trên cao: Đến Hà Nội, bạn không thể bỏ qua Đài quan sát Lotte nằm trên đường Liễu Giai, bởi đây là nơi có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm toàn cảnh Thủ đô từ tầng 65. Đài quan sát làm từ kính trong suốt nên bạn có thể chụp ảnh check-in sáng tạo ở bất cứ góc nào. Đài quan sát mở cửa từ 9h đến hết ngày.

Ảnh: Pinterest

Phố đi bộ: Hàng tuần, phố đi bộ Hồ Gươm mở từ 18h thứ Sáu đến hết Chủ nhật, thu hút đông đảo cả người dân lẫn du khách nước ngoài. Không gian này có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, cho đến biểu diễn nghệ thuật đường phố. Đừng quên trải nghiệm “food tour” quanh phố đi bộ.

Phố bia: Trong phố cổ, đặc biệt là ở Tạ Hiện, Bảo Khánh, Lương Ngọc Quyến, luôn có nhiều chỗ cho bạn uống bia hoặc các loại đồ uống được pha chế hấp dẫn. Đây cũng là một trong những nơi vui chơi về đêm sầm uất bậc nhất ở thủ đô.

Đi chợ: Không phải chợ Đồng Xuân, chợ hoa Quảng Bá và chợ đầu mối Long Biên mới là hai địa chỉ khách Tây rỉ tai nhau phải ghé thăm một lần nếu có dịp đến thủ đô. Chợ chủ yếu buôn hoa và trái cây, nhưng “yêu sách” du khách phải thức khuya, dậy sớm mới thấy được hết cái không khí náo nhiệt, sầm uất của một Hà Nội rất khác khi màn đêm buông xuống.

Nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, chợ đầu mối Long Biên quanh năm nhộn nhịp, nổi tiếng nhất phải kể đến khu chợ trời bán buôn hoa quả. Từ 20h chợ bắt đầu rục rịch, càng về đêm càng nhộn nhịp. Còn chợ hoa Quảng Bá mở suốt đêm nhưng đông vui nhất là vào khoảng 3- 4h sáng, người mua kẻ bán tấp nập. Những bó hoa lớn nhỏ chất trên xe nườm nượp ra vào.

Chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: Hanoi Backpackers

Quán xá

Ẩm thực Hà Thành kết hợp hoàn hảo những hương vị chua, cay, mặn, ngọt và thể hiện chính hình ảnh của thành phố ngàn năm văn hiến: sôi động, trầm mặc, cuốn hút và hấp dẫn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức đặc sản Hà Nội tại các quán vỉa hè bên đường như phở bò, bún chả, bánh mì…

Ăn gì

Phở: Đến Hà Nội không thể bỏ qua phở, đặc biệt là phở bò, thường có hai loại chính: chín và tái. Bò chín là những miếng thịt bò được luộc chín trong nước dùng, còn bò tái là những miếng thịt được thái mỏng, chần nhanh qua nước sôi. Sau đó, người bán sẽ xếp những lát thịt đó lên bánh phở, chan nước dùng và phục vụ thực khách. Một số địa chỉ tham khảo là phở Thìn, Bát Đàn, Tư Lùn, Phở Lâm phố Hàng Vải, Phở Trâm phố Yên Ninh.

Nếu muốn thử những phiên bản khác, địa chỉ gợi ý là quán Nguyệt số 5 Phủ Doãn, quán Châm 63 Yên Ninh, phở gà trộn Lãn Ông hay phở cuốn Ngũ Xã.

Bún: Người Hà Nội có rất nhiều món bún. Đặc sắc nhất là bún chả, bún thang, bún ốc, bún mọc, bún dọc mùng…

Nói đến đặc sản chính gốc lâu đời ở Hà Nội không thể không nhắc đến bún thang. Người Hà thành đã khéo léo chế biến những thực phẩm thừa sau dịp Tết thành một món bún cầu kỳ, tinh tế. Một tô bún thang có giá 30.000 – 50.000 đồng. Hiện nay, ở Hà Nội chỉ còn ít nơi bán bún thang, như quán Bà Đức (Cầu Gỗ), quán Ngọc Tuyền (Đào Tấn), quán Thuận Lý (Hàng Hòm)…

Bún chả – món thường được ăn vào bữa trưa. Giống món bún thịt nướng ở miền Nam và miền Trung, nhưng chả ăn bún của người Hà Nội tẩm ướp cầu kỳ hơn. Ai thích hương vị xưa thì có thể đến quán bún chả ở Hàng Mã và Hàng Đồng. Người thích bún chả kẹp tre thì tìm lên chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân. Hay ghé sang hàng bún ở Ngọc Khánh, Giảng Võ, Lê Văn Hưu, Hàng Mành cũng đều là những quán nổi tiếng ở Hà Nội.

Ảnh: Viet Nguyen, Hoàng Nhi

Bún mọc ở Hà Nội có giá 20.000 – 40.000 đồng. Món bún này thường được bán ở các hàng bún sườn, bún dọc mùng, bún bung… Một số địa chỉ ngon nổi tiếng ở Hà Nội phải kể đến quán chị Loan (đầu phố Điện Biên Phủ), Hàng Lược, Hàng Trống, Cầu Gỗ, ngõ 18 Hàm Long…

Tìm bún ốc ở Hà Nội không khó, thực khách có thể đến hàng bún ở Hai Bà Trưng, Đặng Dung, Hòe Nhai để ăn bún nóng. Một bát bún ốc có khoảng 6-7 miếng ốc, chan nước dùng riêu cua, topping bắp bò, giò tai, đôi khi cả trứng vịt lộn.

Ảnh: Em Đẹp

Một phiên bản khác là bún ốc nguội hay bún ốc chấm. Một số quán nổi tiếng là quán bún ốc cô Xuân ở Ô Quan Chưởng, hay gánh bún ốc ở đầu ngã tư Bùi Thị Xuân, cũng có thể là gánh bún ốc cô Giang nổi tiếng trên phố Lương Ngọc Quyến. Giá mỗi bát thường từ 30.000 đến 40.000 đồng.

Bún bung là món ăn bình dân của người Hà Nội. Không ai biết chính xác thời điểm xuất hiện, nhưng vào những năm 1990, món bún này được bán nhiều ở các vỉa hè thủ đô. “Bung” là từ để gọi các món phải đun lâu với nhiều nước. Bún bung ở Hà Nội có giá từ 30.000 đồng một tô. Món ăn này thường được kết hợp bán ở các hàng bún sườn, bún mọc. Một số địa điểm được thực khách Hà Nội hay tìm đến là các quán ở phố Cầu Gỗ, bà Minh (Đống Đa)…

Chả cá Lã Vọng: Chả cá Lã Vọng ra đời từ năm 1871, do gia tộc họ Đoàn sáng chế. Từ món ăn dân dã, chả cá dần trở thành tinh hoa ẩm thực Hà Thành đến ngày nay. “Chả cá” được chế biến từ những loại cá ngon nhất, đặc biệt là cá lăng. “Lã Vọng” là hình tượng vị tướng thời xưa, người tài giỏi có ý chí đợi thời cơ lớn.

Thịt cá được lọc kỹ xương, ngọt dịu, vàng thơm và thấm gia vị. Rau thì là, hành hoa cắt khúc đảo lẫn trong chảo cá nóng. Khi ăn kết hợp với bánh đa nướng, bún và mắm tôm – thứ không thể thiếu giúp tạo hương vị đậm đà. Một số địa chỉ gợi ý: Chả cá Lã Vọng số 14 phố Chả Cá; Chả cá Thăng Long số 21 Đường Thành; Chả cá Lão Ngư số 171 Thái Hà…

Bánh tôm Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây từ món đường phố thành đặc sản Hà Nội

 
 

Bánh tôm Hồ Tây từ món đường phố thành đặc sản Hà Nội

Video: CNN

Bánh cuốn

Những chiếc bánh gạo tráng mỏng nhồi thịt lợn, mộc nhĩ, hành băm, chấm với nước mắm chua ngọt luôn là món ăn thích hợp cho những ngày hè nóng nực. Đi dạo trên đường phố, du khách sẽ bắt gặp nhiều quán bánh cuốn mở cửa buổi sáng, với những bàn tay tráng bánh khéo léo, nhanh thoăn thoắt. Một số địa chỉ gợi ý là bánh cuốn Bà Hanh, số 26B Thọ Xương; bánh cuốn Bà Xuân, số 16 dốc Hoè Nhai và khu ẩm thực chợ Long Biên.

Ảnh: Phong Vinh

Bánh rán

Ngoài các món ăn nổi tiếng khắp thế giới, Hà Nội còn sở hữu kho tàng các loại bánh như bánh gối, nhân thịt lợn, nấm, miến xay cùng trứng cút… Để cân bằng hương vị, những chiếc bánh rán béo ngậy được ăn kèm với nước chấm tỏi, ớt và rau thơm. Nằm trên đường Lý Quốc Sư, quán Gốc Đa là nơi chuyên bán bánh rán mặn, bánh gối, mở cửa từ 10h sáng đến 9h30 tối.

Bánh ngô, bánh khoai, bánh chuối là món ăn vặt phổ biến vào mùa lạnh. Ảnh: Joel Whalton/Shutterstock

Cà phê

Ảnh: Minh Khom

Cà phê là một nét đặc trưng ở Hà Nội, với nhiều quán lâu đời ở phố cổ. Cà phê trứng là một trong những đặc sản của Hà Nội làm từ trứng đánh bông lên hòa quyện cùng cà phê Việt. Cà phê trứng có màu hơi vàng đựng trong một tách nhỏ. Thực khách luôn có thêm một chiếc thìa con để thưởng thức bọt kem bên trên giống như “món khai vị” trước khi uống cà phê bên dưới. Cà phê trứng ngon có tiếng phải kể tới quán Đinh, Giảng, Cà phê Phố Cổ, Loading T, All Day Coffee… Giá mỗi cốc từ 25.000 đồng.

Khách Tây rủ nhau thử 6 kiểu uống cà phê của người Hà Nội

 
 

Khách Tây rủ nhau thử 6 kiểu uống cà phê của người Hà Nội

6 kiểu uống cà phê của người Hà Nội. Video: Buzzfeed

Mua gì làm quà

Ngoài ô mai, bánh cốm, trà sen, du khách đến Hà Nội có thể tìm mua lụa ở làng Vạn Phúc hoặc gốm Bát Tràng để làm quà cho người thân và bạn bè.

Ô mai: Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Địa chỉ nổi tiếng nhất của thứ quà vặt này là phố Hàng Đường. Du khách có thể tìm thấy ở đây các loại ô mai yêu thích như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, quất, hồng, đào, cóc, me… Tuy nhiên, nếu mua làm quà cho người miền Nam, bạn nên chọn các loại ô mai sấu, bởi nó có vị ngọt thanh làm từ thứ quả chua rất đặc trưng Hà Nội. Tùy từng loại, ô mai có giá khoảng 100.000 – 150.000 một kg.

Cốm: Hương cốm làng Vòng từ lâu cũng làm nên nét quyến rũ rất riêng cho ẩm thực thủ đô. Tuy nhiên do chỉ có vào mùa thu nên bánh cốm Hàng Than là lựa chọn thay thế hoàn hảo với nhiều du khách. Bánh cốm canh dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi.

Trà sen: Trà sen Tây Hồ chắc chắn sẽ là món quà quý dành cho người thân và bạn bè sau khi ghé thăm Hà Nội. Bởi ướp trà sen là cả nghệ thuật với rất nhiều thời gian, công sức. Những cánh chè khô sau khi đã được tuyển chọn từ loại ngon nhất, sẽ được ướp 5-7 lần cùng gạo sen (hạt trắng trên đầu nhị sen) cho thấm hương ngấm vị. Sen được ướp phải là loại được trồng trong các đầm ở Hồ Tây như Nhật Tân, Quảng Bá bởi thơm và cho nhiều gạo nhất.

Tuy chỉ có vào dịp hè tháng 5, tháng 6 nhưng nhờ cách ướp trà công phu này mà hương sen ấy được gìn giữ quanh năm và theo chân du khách đến mọi miền Tổ quốc. Ảnh: Lê Bích

Lụa Vạn Phúc: Nhờ đặc tính mỏng, mềm, thoáng mát lại bền màu, ít nhăn mà lụa rất được lòng du khách. Dù mùa đông hay hè, du khách đến đây đều có thể tìm mua được những món quà như ý từ lụa như khăn, áo, váy, túi… Ngoài làng lụa Vạn Phúc (cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km), bạn cũng có thể tìm mua lụa ở các gian hàng trên phố Hàng Gai hoặc Đinh Liệt.

Đồ gốm Bát Tràng: Nếu có dịp đến thăm Bát Tràng, bạn đừng quên mua các sản phẩm gốm của làng nghề truyền thống. Với màu men đặc trưng và kỹ thuật thủ công điêu nghệ, những món đồ gốm Bát Tràng có vẻ đẹp rất riêng. Bên cạnh các loại như chén, bát, ly, tách thường dùng, nơi đây còn có các sản phẩm dành riêng làm quà tặng như chuông gió, tượng… Du khách đến chơi làng gốm cũng có thể tự tay làm những chiếc bát, lọ, bình, cốc để làm quà, vừa ý nghĩa, vừa là trải nghiệm thú vị.

Du Hy