Nếu chỉ có 2 ngày nghỉ mà lại muốn đi đâu đó chơi và nơi đó phải có thật nhiều những món ăn ngon thì thành phố cảng Hải Phòng là một lựa chọn vô cùng hợp lý.
Đi tàu, tại sao không?
Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể chọn di chuyển bằng xe riêng, Limousine, hoặc thú vị hơn, theo mình, là đi bằng tàu. Vé có thể mua trực tiếp hoặc đặt qua nhiều ứng dụng trên điện thoại như VNPay, Momo… Để có một chuyến hành trình thoải mái, bạn nên chọn ghế mềm điều hòa ở khoang chất lượng cao. Giá vé tầm 110.000 VND/ một chiều. Một điều cần lưu ý là cần lựa chọn đặt chỗ cẩn thận, tránh mua ghế ngồi ngược vì dễ bị say tàu xe. Mình lựa chọn đi vào ngày trong tuần nên khoang mình ngồi khá vắng và yên tĩnh. Ghế mềm dễ chịu, chỗ để chân rộng thoải mái, khi tàu chạy sẽ được nhân viên phát cho một chai nước suối và một chiếc khăn lạnh. Mỗi một trạm nghỉ sẽ có loa thông báo và có 5 phút cho mọi người di chuyển lên xuống rất tiện lợi. Thời gian tàu di chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng khoảng 2,5 tiếng, quãng đường đi không có cảnh đẹp nên thơ như cung đường Huế – Đà Nẵng, nhưng vẫn là một trải nghiệm đáng thử.
Bạn có thể đặt phòng qua So Sánh Tour, sau đó mang theo vài bộ quần áo thật thoải mái và lên đường khám phá ẩm thực Hải Phòng thôi.
Hải Phòng ơi, xin chào!
Sau khi xuống tàu, bạn có thể thuê xe máy để di chuyển cho thuận tiện. Quanh ga có rất nhiều hàng cho thuê xe, xe ga xe số đều có cả, mức giá dao động từ 120.000 – 150.000 VND. Đường phố ở Hải Phòng có rất nhiều bùng binh với 4,5 ngã rẽ, có thể là chút thách thức với những người ngoại tỉnh, nhưng bạn chỉ cần đi cẩn thận và tuân thủ luật lệ giao thông là không vấn đề gì.
Bánh đa cua cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão & Thạch găng – sữa đậu
Mở đầu của bản đồ ăn chính là món bánh đa cua đặc sản của Hải Phòng. Hàng bánh đa cua cô Yến ở ngay gần ga tàu, xuống tàu một cái là có thể ăn ngay một bát bánh đa nóng hổi, nước dùng đậm đà được nấu từ cua và thật nhiều topping, giá chỉ từ 35.000 VND. Cạnh hàng bánh đa cua còn có hàng bán sữa đậu và chè thạch găng, cụ bán hàng rất xởi lởi và hiếu khách.
Bánh đa cua cùng thạch găng và sữa đậu
Ăn món chính rồi thì phải chuyển qua tráng miệng, ngay gần đó có hàng cà phê cốt dừa cô Hạnh. Món “signature” của quán tất nhiên chính là cà phê cốt dừa, vị đắng nhẹ của cà phê hòa quyện cùng vị ngậy béo của cốt dừa tạo nên hương vị sánh mịn thơm ngon.
Cafe cốt dừa cô Hạnh – 148 Lương Khánh Thiện
Gợi ý cho bữa trưa chính là bún chả nem cua bể quán Nga. Quán nằm trên con đường một chiều, đầu phố là chợ cóc, bảng tên phố bị khuất nên mình đã phải vòng vèo rất lâu mới tìm thấy quán. Đặc trưng của nem cua bể chính là nem được gói thành hình vuông vức, kích thước khá bự, mỗi người chỉ nên gọi một cái thôi vì dễ ngấy đấy. Nem cua bể ăn cùng với rau sống và nước chấm chua ngọt giúp giảm bớt vị ngấy. Ngoài ra mình còn gọi thêm bún thịt nướng, miếng thịt không quá mỡ cũng không bị khô khá vừa miệng
Cafe cốt dừa
Bún chả/nem cua bể quán Nga – 92 Trần Nhật Duật
Căng da bụng chùng da mắt nên bọn mình về khách sạn nghỉ ngơi nạp năng lượng để buổi chiều tha hồ lòng vòng ăn vặt.
Đồ ăn vặt ở Hải Phòng vô cùng phong phú từ mặn đến ngọt đều có đủ cả. Nổi bật nhất chính là món bánh mì que Hải Phòng với giá chỉ 2.000 VND/cái. Chiếc bánh mì nhỏ xíu, dài cỡ chừng cái que, bên trong nhân pa tê và mỡ chấm cùng chí chương (tương ớt). Tuy nhỏ xíu nhưng cực kì đưa miệng, mỗi người ăn tầm chục cái là bình thường. Đây còn là lựa chọn vô cùng thích hợp để mọi người mua về làm quà. Khi mua về người bán sẽ để riêng bánh mì, còn pa tê cất vào trong hộp rất hợp vệ sinh.
Bún chả/nem cua bể
Bánh mì cay/chè thái – 37 Đinh Tiên Hoàng
Lựa chọn tiếp theo là chè – món quà chiều mà dù mùa đông hay hè ăn đều phù hợp. Quán Hường chè trên phố Hai Bà Trưng là một gợi ý với thực đơn siêu dài lên đến hơn bốn mươi món. Nếu phân vân không biết chọn gì thì có thể gọi chè thập cẩm hoặc hoa quả dầm. Vị chè ở đây nấu rất vừa miệng không ngọt gắt như những quán chè truyền thống khác. Giá cả học sinh sinh viên dao động từ 12.000 – 30.000 VND.
Có thể mua về ăn dần vì quá ngon và rẻ
Một món chè nữa cũng rất nổi tiếng trong những năm gần đây là chè dừa dầm Hiền béo ở Lạch Tray. Chè có vị thơm thơm béo béo của những miếng dừa tươi non mềm thêm thạch dừa và trân châu. Món này cực dễ ăn nên không chỉ các bạn trẻ mà người lớn đều yêu thích.
Chè thập cẩm – Hường chè – 171 Hai Bà Trưng
Chè dừa dầm Hiền Béo – 124 Lạch Tray
Chè dừa dầm
Còn muốn nhã hơn, bạn có thể chọn uống trà hoa cúc trên phố Phan Bội Châu. Vị trà khá dậy mùi, thơm hương hoa cúc, ngọt vị mật ong, và chút chua chua của quất (tắc). Trà có thể uống nóng hay lạnh đều được. Nhấm nháp từng chút một, bạn sẽ cảm nhận rõ vị trà ngọt thơm đến tận hậu vị.
Trà hoa cúc
Ốc Thuỷ Dương – 30/263 Lạch Tray
Nếu đã tiện đường trên con phố Lạch Tray thì hãy rẽ ngay vào quán ốc Thủy Dương. Quán có đến mấy nhà san sát nhau nên chỗ ngồi không thiếu dù khách khá đông. Bước vào sẽ thấy ngay hai chiếc bàn to bày đủ các loại hải sản đa dạng cho mọi người tha hồ chọn lựa. Cách chế biến cũng phong phú như xào, hấp, nướng… nêm nếm đủ loại gia vị. Mình có gọi càng cù kỳ sốt me, ngao hoa hấp thái, ốc hương xốt trứng muối… Hải sản rất tươi, con nào con nấy cũng béo múp, chắc nịch, chế biến sạch sẽ không hề sạn chút nào. Nước chấm và xốt chấm cay ngọt vừa miệng nên gọi thêm bánh mì để chấm với xốt đảm bảo no căng bụng luôn.
Càng cù kỳ sốt me, ngao hoa hấp thái, ốc hương xốt trứng muối rất ngon.
Bánh bèo cô Mây – chợ Chu Văn An – quán quen ngay cả với người Hải Phòng
Sang tới ngày thứ 2 cũng là ngày về luôn nên thời gian không có nhiều. Mình trả phòng khách sạn rồi xách theo vali ra chợ Chu Văn An để thưởng thức món bánh bèo cô Mây. Món này khá giống bánh giò đều được gói trong lớp lá chuối. Một suất đầy đủ sẽ bao gồm một cặp bánh bèo, một viên thịt tròn xoe và một miếng chả nằm trong bát nước chấm đậm đà, rắc thêm chút hành khô thơm giòn lên trên mặt bánh. Suất này cho một người ăn, giá 30.000 VND.
Bánh bèo cô Mây
Bingsu vị tiramisu – HATA Dessert – 28 Lương Khánh Thiện
Ăn xong cũng là lúc chuẩn bị phải đi về, mình nhanh chóng đi trả xe máy và loanh quanh ở gần ga thì bắt gặp quán Hata dessert cafe. Thực đơn của quán đa dạng, mình gọi một bingsu vị tiramisu, giá khá rẻ so với ở Hà Nội. Món bingsu mát lạnh được để trong bát to, bên trên bày bánh tiramisu, kèm theo một bát nhỏ trân châu và một chút nước xốt. Trang trí đẹp mắt, sạch sẽ, không gian ấm cúng. Một món ăn lạnh tê nhưng không kém phần ngọt ngào cũng là khép lại bản đồ ăn lần này. Tàu rời sân ga chuyến khám phá ẩm thực thành phố cảng Hải Phòng đến đây là hết.
Bingsu
Thời tiết ở Hải Phòng tương tự Hà Nội. Bạn có thể đi trong những ngày đầu xuân này, tận hưởng không khí lành lạnh dễ chịu và làm hài lòng cái bụng đói của mình. Hải Phòng chắc chắn sẽ không làm các bạn thất vọng đâu. Còn giờ đừng chần chừ nữa, hãy dạo chơi Hải Phòng và khám phá một vòng ẩm thực thôi nào!