Vì sao gọi là cà phê “âm phủ”?
Nửa đêm, con hẻm 330 trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TPHCM) nhộn nhịp như một khu chợ nhỏ. Nhiều nhóm người ngồi tụm lại quanh những ly cà phê đen, cà phê sữa, rôm rả trò chuyện.
Đây là quán cà phê vợt nổi tiếng ở TPHCM, là điểm đến thu hút người già lẫn người trẻ mỗi tối. Càng khuya quán lại càng đông đúc, nên nhiều người gọi đây là quán cà phê “âm phủ”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Phạm Ngọc Tuyết (SN 1948) – chủ quán – cho biết quán đã tồn tại gần 80 năm. Từ hồi 5-6 tuổi, bà Tuyết đã loanh quanh ở quán, đến nay 76 tuổi, bà vẫn gắn bó với quán cà phê.
“Ngày xưa, thành phố này nhiều quán cà phê vợt lắm. Sau này, các quán cà phê vợt dần được thay thế bởi cà phê phin, cà phê pha máy. Có thời điểm, tôi cũng mua mấy chục phin về để pha cà phê, song khách lại không thích, nên tôi duy trì bán cà phê vợt tới hôm nay”, bà nói.
Quán cà phê của bà Tuyết chỉ đề bảng hiệu “Cà phê vợt” chứ không có tên cụ thể. Hiện tại, món “mắc nhất” ở quán là cà phê sữa với giá 22.000 đồng. Không ít người nhận xét mức giá này rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng. Đến quán, khách hàng gọi món, trả tiền rồi bưng cà phê và tự lấy ghế nhựa bày ra ngồi.
Chính vì quán mở đến khuya và giá lại rẻ nên nhiều người chọn đây là nơi để nhấm nháp ly cà phê và chuyện trò thâu đêm. Nhiều sinh viên tỉnh lẻ cũng cho biết đến TPHCM học không lâu, họ được nghe về độ nổi tiếng của quán cà phê này nên nhất định phải “trải nghiệm một lần cho biết”.
Quá nửa đêm, bà Tuyết vẫn giữ gương mặt tươi tắn cùng nụ cười rạng rỡ. Bà nói, thức đêm bán cà phê nhiều năm nên bà đã quen, không mệt mỏi hay buồn ngủ.
Bà cụ U80 vừa thoăn thoắt pha cà phê vừa tiết lộ, bí quyết pha cà phê vợt không hề đơn giản. Theo bà, cà phê phin, cà phê pha máy đều được pha theo công thức, còn cà phê vợt chỉ có thể “nhắm chừng” dựa vào màu sắc của cà phê. Bởi thế, muốn pha cà phê vợt thành thạo, người pha cần có kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài.
Hiện tại, quán cà phê của bà Tuyết khá đông nhân viên, nhưng nhiệm vụ pha cà phê cũng chỉ có 5 người đảm nhận và đó đều là người thân trong gia đình bà.
“Quán chỉ có tôi, 2 con trai và 2 con dâu có thể pha cà phê. Vậy nên chúng tôi thay phiên nhau đứng quầy bán cho khách. Mỗi ngày, tôi bán từ 13h đến hơn nửa đêm mới nghỉ”, bà Tuyết nói.
Bí quyết giữ vị cà phê vợt qua 3 đời
Để có ly cà phê thơm ngon, quán của bà Tuyết rất kỹ lưỡng trong khâu chọn cà phê. Theo bà, hạt cà phê được hái từ trên cây xuống, ít nhất phải sau một năm mới được sử dụng để cho ra hương vị thơm ngon.
Hiện tại, bà Tuyết tự rang cà phê để bán. Ly cà phê vợt ở đây là sự hòa trộn của 4 loại cà phê khác nhau.
“Ngày xưa tôi trộn 5 loại cà phê, nhưng bây giờ có một loại không còn bán nữa, nên tôi chỉ trộn 4 loại. Ban đầu tôi bán cà phê ở đầu hẻm, sau này mới dời vào bên trong”, bà Tuyết kể.
Chủ quán nói thêm, trước đây quán bán cà phê có kèm bánh quẩy và một cái dĩa, để cà phê nóng thì khách đổ ra dĩa rồi chấm quẩy ăn, giờ thì không bán bánh nữa. Thay vào đó, gần 8 năm nay, thực đơn ở quán có thêm nước sâm, trà đào, nha đam nấu với đường phèn…
Bà Tuyết khẳng định, dù bán món gì, bà cũng tìm hiểu kỹ lưỡng, nấu thử và cảm thấy hài lòng mới bán cho khách. Bà tâm niệm, buôn bán phải có sự hiểu biết mới có thể tồn tại lâu dài.
Cũng chính nhờ đặt cái tâm vào ly cà phê, giữ gìn hương vị cà phê vợt đời này qua đời khác, quán của bà Tuyết mới được nhiều khách hàng gắn bó.
Bà Tuyết kể, cách đây ít năm, vào ngày đám cưới con trai bà, quán chỉ mở cửa buổi sáng. Tầm 14h, bà dọn dẹp, đóng cửa quán rồi diện áo dài, trang điểm để ra nhà hàng ăn đám cưới. Đến hơn 22h, cả gia đình bà mới trở về nhà. Lúc đó, bà giật mình vì trước nhà có đông người tụ tập.
“Tôi hỏi ra mới biết người ta đợi uống cà phê. Thấy họ thích cà phê của mình, tôi không bỏ được. Tôi kêu các con cứ lên lầu nghỉ ngơi, để tôi bán cho khách một lát. Thế là tôi cột áo dài, nấu nước sôi và bắt đầu pha cà phê”, bà nhớ lại.
Vị chủ quán 76 tuổi nói, nhờ khách thương nên quán của bà mới buôn bán được. Khách uống cà phê vợt ở quán đời này sang đời nọ, cha uống ngon dắt con đến uống. Mấy năm gần đây, quán của bà mới nghỉ bán mấy ngày tết, chứ ngày xưa bán 24/24 và không nghỉ ngày nào.
Quanh quẩn ở quán cà phê hơn nửa đời người, ấy thế mà bà Tuyết lại không ngán cà phê. Thậm chí, mỗi ngày bà phải uống ít nhất 3 ly cà phê vợt. Được gặp gỡ, trò chuyện cùng khách, bà lại cảm thấy vui vẻ, có thêm nhiều sức khỏe.
Các con đã lớn, bà Tuyết không cần phải làm nhiều việc như xưa, nhưng bà luôn túc trực ở quán. Bà nói, dù không làm, bản thân vẫn phải quản lý, điều hành để công việc ở quán diễn ra suôn sẻ.
“Ví dụ, tôi đã dặn dò nhân viên giặt vợt pha cà phê thật kỹ để đảm bảo hương vị ly cà phê. Dù vậy, đến bước giặt vợt cuối cùng, chính tôi hoặc các con của tôi phải làm, tôi mới an tâm”, bà Tuyết nói.
Chị Thiên Thảo (25 tuổi, Bình Tân) – một khách hàng – nhận xét cà phê vợt ở quán này có hương vị vừa uống, dù không quá đặc trưng nhưng phù hợp với nhiều người. Chị cho rằng điều thu hút đông đảo khách hàng đến quán cà phê vợt này chính là không gian thoải mái, náo nhiệt về đêm.
Anh Thanh Huy (28 tuổi, Tân Bình) cũng cho biết khi rảnh rỗi, anh và bạn bè đều hẹn nhau ở quán cà phê “âm phủ” này chơi game, buôn chuyện. Ngồi giữa đám đông chuyện trò sôi nổi, anh cảm thấy thư giãn sau một ngày làm việc.
Đặc biệt, quán cà phê này chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển tiền qua ngân hàng hay các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Điều này khiến không ít khách mới đến quán lần đầu phải lủi thủi “quay xe” khi không chuẩn bị tiền.
Về điều này, bà Tuyết mong được khách thông cảm, bởi quán đông khách nên khá bận rộn, người bán lại lớn tuổi, không rành công nghệ, chỉ có thể nhận tiền mặt mà thôi.