Bán đảo Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.210 km2 với 1,2 triệu dân, bằng 13,1% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế thuỷ sản phát triển ngày càng nhanh và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau đã quy hoạch phương án chuyển đổi một số diện tích trồng lúa nhiễm phèn mặn không có hiệu quả sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Diện tích nuôi tôm Cà Mau đạt 280.000ha, xuất khẩu tôm tỉnh này đạt hơn 1,2 tỉ USD/năm.
Tổng chiều dài của hệ thống kênh rạch tỉnh Cà Mau lên tới 7000km, chiếm 4% diện tích tự nhiên của tỉnh, xen vào đó là các dải vườn cây, các sân chim tự nhiên, nhân tạo với nhiều loại chim quý hiếm, các cánh rừng tràm bát ngát…
Rừng Cà Mau là loại hình sinh thái đặc thù, rừng sinh thái ven biển ngập mặn được phân bố dọc ven biển với chiều dài 254 km.
Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu trong lục địa ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời với quy mô khoảng 35.000ha. Diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau chiếm 77% rừng ngập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cà Mau có vùng biển rộng khoảng 71.000 km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản hằng năm của tỉnh này khoảng 300.000 tấn. Cà Mau có đội tàu khai thác thủy sản xa bờ hơn 4.000 phương tiện.
Cà Mau có 14 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu có 3 thành phần dân tộc sinh sống là Kinh, Khmer và Hoa.
Thành phố Cà Mau thời gian qua được đầu tư nhiều để hoàn thiện hạ tầng, các nhà hàng, khách sạn đảm bảo phục vụ du khách những dịp cao điểm. Thành phố Cà Mau được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và khu vực thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
Tổng sản phẩm trong tỉnh Cà Mau của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 45.400 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm.