Bún mọc – món dân dã được lòng thực khách hai miền

55

Bún mọc – món dân dã được lòng thực khách hai miền

Cái tên bún mọc xuất phát từ nguyên liệu là viên thịt xay trong tô bún, trước đây nổi tiếng nhất ở làng Mọc (Nhân Chính, Hà Nội). Đến nay, tô bún mọc không chỉ đơn giản là bún và mọc mà còn có sự biến tấu đa dạng theo nhu cầu của thực khách như bún sườn mọc, bún lưỡi mọc, bún mọc tiết…

Nồi nước dùng ngon là từ xương ninh kỹ, có thả thêm hành khô đã nướng cháy vỏ, sườn non để thêm ngọt. Trong lúc ninh xương, người nấu thường xuyên dùng muôi hớt váng bọt nổi lên, để nước dùng có độ trong.

Mọc, dọc mùng và sườn là thành phần của món bún mọc truyền thống. Ảnh: bepgiadinh.

Gia vị nêm vào nồi sẽ là muối, đường, muỗng giấm, chút rượu trắng, cà chua. Mọc là thịt lợn loại ngon, xay cùng nấm hương đã thái nhuyễn, rồi vo thành những viên nhỏ. Mọc cho vào nồi nước dùng đang sôi, đến khi nổi lên là đã chín, vớt ra bát để riêng.

Dọc mùng được tước sạch, cắt khúc vừa ăn, bóp với muối hạt và giấm gạo, rửa lại nhiều lần với nước cho hết vị mặn và vắt thật khô, rồi cho vào nồi nước sôi có bỏ 3 thìa giấm để trần, như vậy khi ăn sẽ không bị ngứa. Khi nước dùng sôi đều sẽ thả dọc mùng vào chờ sôi lại và chín tái.

Khách gọi món, người bán hàng trần những sợi bún trắng, cho vào bát, chan nước dùng có đủ cà chua và dọc mùng, thêm những viên mọc và vài lát thịt chân giò, trên cùng rắc hành lá thái nhỏ. Để tô bún hấp dẫn thêm, thực khách có thể cho thêm gia vị, chanh, ớt.

Bún mọc dọc mùng được coi là món quà sáng dân dã ở Hà Nội. Ảnh: Má Lúm.

Ở Hà Nội, không khó để thưởng thức bún mọc buổi sáng ở các chợ nhỏ và lớn, hoặc các quán hàng đông khách bán đến tận chiều. Các quán nổi tiếng ở Bát Đàn, ngõ Thái Lợi (Bạch Mai), Đào Duy Từ, Hàng Lược, Hàng Trống… với giá từ 25.000 đồng một tô.

Ở TP HCM, bún mọc được bán ở những khu có nhiều quán ăn Bắc như đường Cửu Long, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng (gần sân bay), Võ Văn Tần, Lê Văn Sỹ (quận 3), Nguyễn An Ninh (quận 1) với giá từ 40.000 đồng một tô.

Theo Má Lúm/VnExpress