Tôi đến Lào vào một ngày tháng 7, sau khi nghe nhỏ bạn tỉ tê “Đi Lào đi, hay lắm. Vừa du lịch, vừa trốn được cái nóng đổ lửa ở miền Trung mình nữa!”. Vác ba lô lên đường mà tôi vẫn hoài nghi về câu nói của nó. Sau hơn nửa ngày trời lắc lư, nghiêng ngả cùng những dốc đường khúc khuỷu trên đất Tây Nguyên, cuối cùng cũng đến biên giới.
Khâu làm thủ tục qua cửa khẩu khá đơn giản nên không lâu sau đó, tôi đã chính thức xuất ngoại. Quả thật, thời tiết ở Lào và Việt Nam rất khác nhau. Bên này cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, Việt Nam) nắng chói chang nóng bức, như bầu rượu đang chảy rần rật trong huyết quản của những chàng trai Tây Nguyên vạm vỡ. Bên kia cửa khẩu Phoukeua (huyện Phouvong, tỉnh Attapeu, Lào) chừng vài cây số tiết trời đã đổi khác. Cái nóng hầm hập tan biến đâu mất, thay vào đó là từng đụn mây lãng đãng lướt trên những cánh rừng đại ngàn. Thời tiết trở nên mát mẻ dịu dàng như những cô gái Lào với nụ cười duyên dáng trên môi. Một giọng nữ trong trẻo thì thầm từ hàng ghế phía sau “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây. Bên nắng đốt, bên mưa quây. Em giang tay, em xòe tay, chẳng thể nào mà xua tan mây, chẳng thể nào mà che anh được…”. À thì ra câu hát mà chúng tôi vẫn thường nghêu ngao trong những buổi sinh hoạt tập thể “bên nắng đốt, bên mưa quây” chính là tả thời tiết như thế này đây.
Tại cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), trời vẫn còn nắng gắt.
Con đường ngoằn ngoèo đưa du khách dần tiến sâu vào lãnh thổ nước bạn. Một màu xanh ngắt của đại ngàn đổ ào xuống. Những vạt rừng mênh mông xếp lớp, những thân cổ thụ sừng sững mạnh mẽ giữa núi đồi, những dáng cây hiên ngang cao vút đâm thẳng lên bầu trời; khiến con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Chen lẫn trong màu xanh bao la ấy là sắc hồng dịu dàng của đám dây leo quấn quít trên ngọn cây già, màu tím mộng mơ của khóm hoa li ti bên vệ đường, là cánh bướm chập chờn trong một chiều hè đầy gió. Con đường quanh co đèo dốc bỗng trở nên mềm mại, uốn lượn quanh sườn núi hiểm trở, cheo leo, núp mình dưới tán rừng rậm rạp. Vài giọt mưa bắt đầu hắt chéo ngược chiều chuyến xe đang lao tới. Tôi áp mặt vào kính xe, nghe hơi nước lành lạnh phả vào má và bắt đầu thấy thú vị với hành trình đến xứ sở hoa Champa.
Nơi sầm uất nhất của tỉnh vùng biên Attapeu thuộc khu vực Nam Lào này là huyện Samakhixay. Khi xe đến nơi thì trời đã nhá nhem tối, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua những hàng cây chào đón người khách lạ. Mùa này Attapeu đang bắt đầu mưa. Hiếm hoi lắm mới thấy ánh trăng nhờ nhờ trên bầu trời đêm đùng đục. Trăng của đêm mưa cố gắng tỏa những tia yếu ớt để xua tan bóng mây mù. Thế nhưng, chút ánh sáng bé nhỏ của khuôn trăng không nguyên vẹn lại khiến người ta thấy ấm áp kỳ lạ. Trăng bàng bạc trên những ngọn cây, lấp lánh trong từng con nước, chứa đầy sự lãng mạn nên thơ vốn có.
Không khí mát mẻ lúc sáng sớm ở cầu Xekong bắc qua con sông cùng tên. Đêm mưa hôm trước cùng dòng phù sa giận dữ dường như đã trôi đi hết, đón những tia nắng mai trong trẻo cùng không gian mát mẻ sau cơn mưa. Ảnh: Thanh Bình
Sớm mai ra chợ, không khí cực kỳ nhộn nhịp. Chợ nằm dưới chân cầu Xekong, họp cả ngày. Những sạp hàng nhỏ nằm san sát nhau, những chiếc dù xanh đỏ đủ màu, nhìn từ trên cao trông rất vui mắt. Bên trong chợ, gánh hàng rau buổi sớm xanh mướt, từng chú cá tươi roi rói mới đánh bắt từ dưới sông được bày bán la liệt. Tiếng cô bán hàng đon đả mời khách, tiếng mặc cả eo sèo, tiếng cười sảng khoái khi mua được món hàng ngon, không khác gì buổi chợ sớm ở Việt Nam. Tự nhiên tôi lại thèm món ăn Việt, dù mới chỉ rời khỏi hôm qua. Thật lạ, ở nhà thì cứ thích ăn quán mà đi xa lại thèm một bữa cơm gia đình.
Đến chợ, tôi cứ thích dạo quanh hàng rau, hít hà mùi tươi non của đám rau mới cắt. Khí hậu, thổ nhưỡng có phần tương đồng nên ở đây cũng có đủ rau muống, rau lang, đậu, cà… như Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình
Nhộn nhịp buổi chợ sớm. Ảnh: Thanh Bình
Con đường dài, thưa thớt người của thị trấn đưa chân tôi đến nơi cửa thiền. Chùa Wat Luang, một ngôi chùa lớn ở Samakhixay, đã mê hoặc tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Phong cách kiến trúc của chùa với những hình tháp cầu kỳ, lộng lẫy, hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ. Gam màu chủ đạo đỏ và vàng rực lên trong ánh chiều chênh chếch, được phối với nhau một cách hài hòa trên từng đường nét. Vẻ đặc trưng của dân tộc Lào thể hiện rất rõ trên khuôn mặt nhân từ và trang phục của các bức tượng thần. Có lẽ khi du nhập sang đây, đạo Phật đã được bản địa hóa để trở nên gần gũi với dân chúng và hòa quyện với văn hóa địa phương.
Tôi đoan chắc rằng, ai đã đến đất nước Triệu voi, nếu không ghé thăm những ngôi chùa cổ kính, không mê mẩn dưới gốc hoa chăm pa, không nghiêng mình trước sự huyền bí của các bức tượng Phật, coi như bạn đã bỏ qua nét văn hóa đặc trưng nhất của người Lào.
Khu vực tháp thờ các Phật tử đã qua đời được đặt ở một góc chùa. Mỗi tháp được thiết kế, chạm trổ rất tỉ mỉ, công phu và mang nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau. Việc dựng các tháp thờ trong khuôn viên chùa cũng là một nét đặc trưng trong kiến trúc chùa chiền ở Lào. Ảnh: Thanh Bình
Cả ngôi chùa rực rỡ trong nắng vàng. Ảnh: Thanh Bình
Kiến trúc mái dốc rất phổ biến trong nhiều ngôi chùa ở Lào. Người ta còn nói rằng, những đường cong uốn lượn trên các họa tiết được mô phỏng theo đôi bàn tay cong vút của các cô gái Lào trong điệu múa Lăm vông. Ảnh: Thanh Bình
Ánh nắng chiều óng ả làm sáng bừng mái chùa cong vút. Nắng lấp lánh trên từng nét hoa văn, trên mỗi ngôi tượng cổ, trên cả đám cỏ non xanh mơn mởn. Xen lẫn trong những gam màu rực rỡ đó là sắc trắng tinh khiết của hoa chămpa, mà Việt Nam hay gọi là hoa sứ, hoa đại. Đây chính là quốc hoa của xứ sở Triệu Voi. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều loại cây này. Có những cây con mới trồng, có những thân cổ thụ đã trổ màu mốc, gân guốc, xù xì. Sắc hoa thư thái như nhắc nhở tâm hồn của mỗi người phải thanh tịnh khi bước vào nơi cửa thiền.
Vì là quốc hoa nên hoa chămpa xuất hiện trong rất nhiều sự kiện ở Lào. Đến đây, bạn có thể thấy các cô gái Lào lộng lẫy trong bộ suea mai và sinh mai Lao, choàng pha biêng duyên dáng, tóc cài bông chămpa trắng muốt, điểm xuyết chút nét vàng yêu kiều. Trong trang phục truyền thống Lào, “suea mai” là áo, “sinh mai Lao” là tên váy dài của nữ, “pha biêng” là khăn quấn trên vai xuống. Hoa chămpa cũng được xâu chuỗi thành vòng hoa đeo cổ tặng cho vị khách quý. Hoa trang trí trên các mâm lễ (tiếng Lào gọi là pha khuan) trong những dịp buộc chỉ tay hoặc các ngày lễ khác.
“Hoa đẹp Chămpa, đã bao đêm ngày hoa đây người đấy, hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương” (Trích lời bài hát “Hoa Chămpa” – dân ca Lào).
Cô gái Việt trên đất Lào. Ảnh: Thanh Bình
Ở đây, buổi sáng sớm bạn còn có thể bắt gặp hình ảnh nghi lễ khất thực (Tak Bat). Nhà sư sẽ đi dọc các con đường, nhận đồ khất thực từ người dân. Đây chính là nguồn thực phẩm cho bữa ăn duy nhất trong ngày của nhà sư. Ngoài ra thức ăn cúng dường còn chia cho người nghèo và các con vật nuôi trong chùa. Theo tinh thần Phật giáo Theravada, việc làm này giúp nhà sư có cơ hội hiểu được cuộc sống người dân, tạo công đức cho người cúng dường và cầu nguyện ban phước cho họ mỗi ngày.
Các nhà sư chuẩn bị hành trình khất thực buổi sớm, tất cả đều phải đi chân trần.
Từ người trẻ đến người già đều rất thành kính khi dâng thức ăn. Đây là hoạt động tín ngưỡng, do vậy nếu bạn muốn ghi lại hình ảnh thì phải hết sức tế nhị, tránh tiếp xúc gần và tốt nhất là nên đứng từ xa chiêm ngưỡng thì hơn.
Thời gian ngắn ngủi của cuộc hành trình không cho phép tôi nán lại Attapeu lâu. Tạm biệt Attapeu, tôi tiếp tục chuyến đi của mình. Nhưng tôi sẽ không nói lời chia tay, cũng không nói “Hẹn gặp lại”, mà đơn giản chỉ là “Sabaidee Attapeu”. Tôi muốn “Xin chào” mảnh đất này để tôi mang cảm giác là người đến chứ không phải người đi. Và bởi tôi hy vọng mình sẽ quay lại đây một ngày không xa, để lại được bồi hồi xao xuyến trước Attapeu!