Bị chỉ trích đưa con 4 tuổi phượt xuyên Việt bằng xe máy, bà mẹ Dao nói gì?

124
Từ khi bé Giàng mới 18 tháng tuổi, chị Kim Cảnh đã đưa con đi phượt xuyên Việt bằng xe máy. Nhiều người cho rằng những chuyến đi này là "hành xác" đối với trẻ nhỏ.

Bị nói “hành xác” đưa con xuyên Việt

Cuối tháng 5, trong một hội nhóm yêu phượt đông thành viên, chị Dương Thị Kim Cảnh (39 tuổi, người dân tộc Dao, sống tại Thái Nguyên) chia sẻ kỷ niệm về chiếc xe máy dã chiến đã cùng chị đi phượt suốt 10 năm qua.

Trong những bức ảnh chị Cảnh đăng tải xuất hiện “người bạn đồng hành” đặc biệt là bé Dương Phúc Bảo (4 tuổi, tên gọi ở nhà là Giàng, con trai chị Cảnh).

Khi bé Giàng được 18 tháng tuổi, chị Cảnh bắt đầu đưa con trải nghiệm hành trình đầu tiên kéo dài 11 ngày qua các tỉnh vùng Đông Bắc.

Đến nay, cậu bé đã cùng mẹ đi phượt 9 chuyến đi dài, khám phá 63 tỉnh thành, 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc của đất nước.

Bé Giàng cùng mẹ đi phượt từ khi mới 18 tháng tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những chuyến đi của bé Giàng ngắn nhất là 5 ngày, lâu nhất là 32 ngày, lộ trình từ 500km đến 5.000km.

Bé được trải nghiệm đủ loại hình thời tiết từ 0 đến 44 độ C, từ mưa lạnh đến nắng gắt để rèn luyện sức khỏe, thưởng thức đồ ăn của từng địa phương, khám phá những điều mới mẻ.

Gần đây nhất, tháng 4/2024, chị Cảnh đưa con đi thăm các bản làng người Dao ở Tây Nguyên, đến nhà lưu niệm anh hùng Núp ở Gia Lai, ghé di tích Du kích Ba Tơ; khu chứng tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Từ đây, chị ra thành cổ Quảng Trị, Làng sen quê Bác ở Nghệ An.

Đưa con đi phượt nhiều nơi từ khi còn nhỏ, người mẹ dân tộc Dao phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng những chuyến đi phượt bằng xe máy dài ngày không thích hợp với trẻ nhỏ.

“Bọn trẻ hiện tại chưa cảm nhận được việc đi như thế này mang lại lợi ích gì, đi đường lại không hề an toàn, thậm chí trẻ dễ ốm dọc đường. Nói chung, là một người mẹ, tôi không bao giờ làm như vậy”, người dùng Quỳnh Hoa viết.

“Lâu lâu gia đình đi nửa tháng hoặc 20 ngày, hoặc một tháng xuyên Việt nhưng phải đảm bảo mọi thứ cho con cái, chứ không phải nắng mưa, rét mướt lôi con đi như vậy, chẳng khác gì hành xác”, độc giả Thúy Hằng nêu quan điểm.

Bé trai 4 tuổi đã đi xuyên Việt, chinh phục 4 cực của Tổ quốc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ khâm phục hành trình xuyên Việt của hai mẹ con bé Giàng. 

“2 mẹ con đã đi ngang dọc khắp chiều dài đất nước, hiểu biết nhiều địa danh lịch sử. Chúc mẹ con nhiều sức khỏe và nhiệt huyết với đam mê, tiếp tục những cung đường đẹp trên mọi miền”, tài khoản Tiến Hải bình luận. 

“Tôi ủng hộ cho con trẻ được đi khắp nơi trải nghiệm như thế này để trẻ có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm”, độc giả Nguyễn Linh viết. 

Tiếp tục đi phượt trước khi con vào lớp 1

Trước những ý kiến trái chiều, chị Cảnh nói “không quá để tâm”, cho biết bản thân có đủ kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn cho chính mình và con trai. 

Theo chị, 4 điều kiện cần để đưa con đi phượt bao gồm: tài chính, sức khỏe, thời gian và đam mê.

Trước mỗi chuyến đi, chị sẽ lên kế hoạch chi tiết và dự phòng, tìm hiểu kỹ từng cung đường, điều kiện thời tiết, văn hóa và tập tục sống của địa phương.

Ngoài di chuyển chủ yếu bằng xe máy, hai mẹ con còn kết hợp trải nghiệm các phương tiện khác như xe khách giường nằm, máy bay để hành trình thuận tiện và an toàn hơn.

Bà mẹ người Dao thường chuẩn bị đồ dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, dao nhỏ, sạc dự phòng, đồ ăn nhẹ, lều trại…

Ngoài ra, vật dụng y tế như băng gạc, dung dịch sát trùng, găng tay y tế, thuốc hạ sốt, giảm đau, điện giải… cũng không thể thiếu. Hành lý này cần nhỏ gọn, nhẹ nhàng và chiếm ít diện tích nhất có thể.

Em bé người Dao trải nghiệm nhiều điều thú vị trên hành trình xuyên Việt cùng mẹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Với chị Cảnh, con là ưu tiên số một. Chị luôn theo dõi sức khỏe và biểu hiện của con suốt chặng đường, đảm bảo bữa ăn và giấc ngủ cho con.

Có lần xuyên đêm qua đường Trường Sơn, nếu đi một mình, chị sẽ chọn mắc võng ngủ lại. Nhưng vì đi cùng con trai, chị cân nhắc nhiều hơn trước khi dừng chân cắm lều ở đâu.

“Tôi không ham chạy xe để đạt mục tiêu hay chụp ảnh check-in, vì đích đến có thể thay đổi do chính mình. Nếu chạy dài ngày, cung đường dài, tôi sẽ chia chặng theo ngày, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho cả mẹ và con”, chị Cảnh nói.

Chị thừa nhận việc đi phượt cùng con nhỏ không quá vất vả nhưng tiềm ẩn nhiều tình huống khó lường trước.

Chị không khuyến khích phụ huynh đưa các con đi phượt bằng xe máy vì mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau, sức đề kháng của mỗi đứa trẻ cũng khác nhau.

Điều chị tự hào là bé Giàng chưa từng ốm vặt hay phải đến bệnh viện. Sau mỗi chuyến đi, thấy con trai phấn kích, vui vẻ và khỏe mạnh, người mẹ lại có thêm động lực thực hiện các hành trình tiếp theo.

Là người dân tộc Dao sống ở miền núi, chị Cảnh nói việc nuôi và dạy con không giống các gia đình ở thành thị vì điều kiện sống khác nhau. Chị cho hay việc đưa con đi phượt là giúp bé “tự hình thành sự đề kháng tự nhiên”.

“Có lẽ chính vì vậy nên em bé rất khỏe mạnh”, chị nói. 

Bé Giàng check-in đỉnh Mã Pí Lèng ở Hà Giang (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhiều người thắc mắc chị Cảnh “lấy tiền đâu” để thoải mái phượt xuyên Việt, chị cho biết duy trì công việc bán thảo dược, giảng dạy tiếng Dao theo từng đợt tại các địa phương.

Sau mỗi chuyến đi, mẹ con chị vẫn đồng hành trong từng hoạt động hàng ngày. Người mẹ đơn thân vừa mưu sinh và nuôi dạy em bé.

Về việc học tập của con trai, chị Cảnh cho hay bé Giàng học lớp mẫu giáo từ tháng 9/2022. Chuyến đi duy nhất và dài nhất trong thời gian học là 22 ngày, bé nghỉ học gần một tháng cùng mẹ xuyên Việt. Sau đó, bé quay lại lớp học bình thường.

Trước mỗi chuyến đi, chị thông báo với cô giáo về thời gian nghỉ học của con. Trong chuyến, cứ 2-3 ngày, chị nhắn tin cho cô giáo để hỏi xem các bạn trong lớp đang học gì và nhờ cô chuyển lại nội dung học tập cho chị. Sau đó, chị dạy lại cho con, kể cả môn tiếng Anh.

“Tôi từng là giáo viên, có thể dạy con từ mẫu giáo đến lớp 1, 2. Tuy nhiên sau này tôi sẽ xem xét về hành trình phượt dài ngày bởi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện học tập của con”, chị Cảnh nói.

Mẹ con chị Cảnh tại thác Đăng Mò (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bà mẹ có hơn 10 năm đi phượt cho biết sẽ tiếp tục đưa con đi phượt trước khi bé Giàng vào lớp 1.

“Mục tiêu của tôi là sẽ đưa con khám phá hết đất nước và các di tích lịch sử nổi tiếng. Trong tương lai, con vẫn được đi phượt nhưng sẽ ít hơn, tập trung vào các kỳ nghỉ, tránh để con nghỉ học trên lớp”, người mẹ cho hay.

Với mẹ con chị, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, một thử thách cần vượt qua.