Bắt chước trò Temple Run, du khách chạy nhảy ở đền Angkor gây tranh cãi dữ dội

34
Bắt chước trò chơi Temple Run, một số du khách leo trèo, nhảy nhót trên các bậc thang ở đền Angkor, Campuchia, làm bùng nổ làn sóng tranh cãi.
Bắt chước trò Temple Run, du khách chạy nhảy ở đền Angkor gây tranh cãi dữ dội - Ảnh 1.

Campuchia rơi vào tranh cãi giữa lợi ích du lịch và bảo tồn di tích lịch sử đền Angkor – Ảnh: THE GUARDIAN

Theo Hãng tin Bloomberg, không ít du khách bắt chước trò chơi có tên Temple Run chạy nước rút qua các con đường đá hẹp hay nhảy qua lại trên các bậc thềm ở đền Angkor – một trong những di tích tôn giáo lớn nhất Campuchia và thế giới, để quay video và đăng tải lên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube.

Một số video thậm chí đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem. Chính điều này góp phần cổ xúy nhiều du khách khác bắt chước, trong đó có hoa hậu châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 Angelina Dougherty, một người Mỹ gốc Campuchia.

Có thể gây thiệt hại khôn lường cho đền Angkor

Trào lưu này đã khiến các chuyên gia bảo tồn di tích lịch sử tức giận. Giới chuyên gia nhận định hành động này có thể làm giảm giá trị của ngôi đền gần 900 năm tuổi, hay tệ hơn là gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được.

Ông Simon Warrack, một chuyên gia bảo tồn tại khu di tích Angkor hơn 30 năm qua, lo di tích tôn giáo gần 1.000 năm tuổi có nguy cơ bị hư hại. Ông cũng bày tỏ thất vọng trước sự vô cảm của nhiều du khách đối với văn hóa và tôn giáo.

“Bạn không chạy nhảy tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Rome hay bất kỳ nhà thờ nào ở phương Tây. Vậy tại sao mọi người làm như vậy ở Campuchia

Điều này không chỉ có nguy cơ làm hư hại những viên đá cổ khi mọi người va chạm, ngã hoặc thậm chí xô đổ chúng, mà còn ảnh hưởng xấu đến giá trị tinh thần và văn hóa của ngôi đền”, ông Warrack tức giận.

Trả lời Bloomberg, chuyên gia bảo tồn đền Angkor cho biết ông đã trao đổi với các quan chức Campuchia về vụ việc. “Angkor vẫn được người dân nơi đây vô cùng tôn kính. Mỗi viên đá đều được xem như nơi cư ngụ của linh hồn tổ tiên họ”, ông Warrack nói thêm.

Có nên im lặng vì lợi ích du lịch?

Trái lại, một số ý kiến cho rằng miễn du khách không làm hư hại các di tích cổ thì mọi hành vi vẫn được chấp nhận. Bởi ngành du lịch của Campuchia đang có xu hướng tăng trở lại, xấp xỉ mức trước đại dịch COVID-19.

Ông Seun Sam, một nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cho biết những video quay lại cảnh du khách chạy nhảy, leo trèo ở đền Angkor có thể mang lại nguồn thu cần thiết từ du lịch cho nền kinh tế Campuchia.

“Miễn là họ không làm hư hại các công trình và không làm ảnh hưởng đến người khác thì không sao cả. Du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia. Khi du khách nước ngoài đến, họ sẽ mua sắm, chi trả phí khách sạn và phương tiện đi lại. Và chúng tôi muốn khuyến khích điều đó”, ông Sam phân tích.

Theo Bloomberg, hiện ban quản lý khu di tích Angkor chưa đưa ra biện pháp xử phạt nào đối với hành vi gây tranh cãi của du khách tại khu đền.

Cũng giống quần thể đền Angkor Wat, một số điểm du lịch hấp dẫn ở Indonesia và Tây Ban Nha từng phải chịu đựng những hành vi tiêu cực của khách du lịch.

Ông Leisen, một nhân viên bảo tồn các bức phù điêu của đền Angkor, lo ngại trào lưu này có thể lan sang các đền thờ nổi tiếng khác ở Đông Nam Á.