Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chăng dây ngăn khách trèo, ôm hiện vật

18
Bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật giá trị đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chăng dây bảo vệ. Tuy vậy, một số khách tham quan vẫn tò mò sờ tay vào hiện vật hay đu, ôm bệ pháo chụp ảnh.

Chăng dây bảo vệ nhưng vẫn có người cố tình chạm vào hiện vật

Sau khi những hình ảnh leo trèo lên hiện vật lan truyền trên mặt báo và các trang mạng xã hội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành chăng dây ở một số khu vực để người dân giữ khoảng cách, bảo vệ các hiện vật lịch sử, mô hình được dựng bên trong.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, chiều 13/11, du khách đã có ý thức hơn trong quá trình tham quan.

Không gian trưng bày bên trong theo 6 chủ đề luôn có rất đông khách tập trung nhưng dòng người di chuyển tuần tự, không có tình trạng chen lấn xô đẩy, leo trèo lên hiện vật.

Nhiều người đứng nghiêm chỉnh bên ngoài các hàng dây, hướng điện thoại vào trong để ghi lại những bức ảnh kỷ niệm.

Sảnh chính nơi trưng bày chiếc “Én bạc” MiG-21 mang số hiệu 4324 luôn tấp nập người qua lại.

Đến tham quan bảo tàng, anh Nguyễn Tuấn Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, những hiện vật này là hiện thân xương máu của cha ông, các hạng mục trưng bày cũng là mồ hôi, công sức của rất nhiều người.

Cán bộ bảo tàng, các nhà nghiên cứu lịch sử đã phải nâng niu từng hiện vật. Du khách may mắn được tham quan, chiêm ngưỡng thì nên tập trung tìm hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử, văn hóa thay vì chỉ chen nhau chụp ảnh, đăng mạng xã hội sống ảo.

Khách tham quan tại Chủ đề 3 – Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945 – chiều 13/11.

Một cán bộ tại bảo tàng này cho biết, từ khi mở cửa, lượng khách đổ về bảo tàng rất đông. Không chỉ riêng cuối tuần, các ngày thường (thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm) khách tới luôn chật kín sảnh và các khu vực trưng bày.

Thời điểm buổi sáng thường đông hơn vì ngoài khách lẻ còn có khách đoàn từ các tỉnh, trường học, các công ty du lịch.

Lượng khách đổ về tăng cao song không phải ai cũng có ý thức nên để lại những hành động không đẹp. Lực lượng của bảo tàng được phân công tại các khu vực trưng bày liên tục nhắc nhở nhưng không xuể vì nhắc được người này thì người kia lại vi phạm.

Cũng theo vị này, cuối tuần trước, khu vực hỗn loạn nhất là nơi trưng bày Bảo vật Quốc gia xe tăng T54B mang số hiệu 843. Đây là chiếc xe có giá trị lịch sử đặc biệt liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Du khách tạo dáng với Bảo vật Quốc gia xe tăng T54B mang số hiệu 843 chiều 13/11.

Nằm trong đội hình chiến đấu, xe tăng 843 đã hành quân tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn sau khi vượt gần 1.000km với phương châm “thần tốc quyết thắng”. Tuy nhiên, cuối tuần qua, nhiều người đã cho trẻ nhỏ vô tư leo trèo lên xe.

Để bảo vệ bảo vật quốc gia này, ngay sau đó lực lượng bảo tàng đã chăng dây quanh chiếc xe này.

Làm hư hại hiện vật bảo tàng có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

Không ít du khách trong quá trình tham quan đã kịp nhận ra sự thay đổi ở các khu vực trưng bày.

Xe ô tô đồng chí Nguyễn Tấn Miêng chở đội Biệt động 6 tiến công Bộ Tổng Tham mưu ngụy đêm 31/1/1968 được chăng dây để du khách giữ khoảng cách. Tuần trước, nhiều du khách đã tì đè lên xe, thò tay vào cửa kính.

Đứng cạnh chiếc xe Jeep mang biển số 15770 (chiếc xe đưa Tổng thống Chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện), Vũ Thùy Chi (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tuần trước, qua hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, cô thấy có lúc chiếc xe bị 6-7 đứa trẻ leo lên.

“Vì không có dây ngăn cách nên mọi người dễ dàng tiếp cận, trẻ nhỏ hiếu động lại thích ô tô nên vô tư nhảy lên nghịch. Rất may, xe đã được chăng dây bảo vệ. Tôi nghĩ, cuối tuần tới, mọi người tham quan sẽ có ý thức hơn”, Chi nói.

Chiếc xe là “nhân chứng” của thời khắc chấm dứt chiến tranh được chăng dây sau khi có quá nhiều người vô tư leo trèo lên xe tuần trước. Tuy nhiên, một số du khách vẫn phải chạm tay vào xe khi chụp hình.

Theo quan sát của phóng viên, du khách tới bảo tàng đã chủ động nhắc nhở bạn bè, người thân đi cùng không chạm tay vào hiện vật, tì đè lên tủ kính.

Tuy nhiên, một số ít người vẫn thể hiện sự tò mò, cố tình sờ, chạm vào được những chiếc xe, khẩu pháo, mảnh vỡ máy bay hay thi nhau quay bánh xe… Các nhân viên của bảo tàng vẫn phải túc trực ở các vị trí và liên tục nhắc nhở.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang là điểm tham quan được đông đảo người dân Hà Nội, các tỉnh thành và khách quốc tế yêu thích tìm đến.

Mở cửa miễn phí từ đầu tháng 11, mỗi ngày, bảo tàng đón hàng chục nghìn lượt khách, chỉ riêng chủ nhật tuần trước (10/11), lượng khách cao kỷ lục lên tới 40.000 người.

Tuy nhiên, thời gian đầu tham quan, nhiều du khách để lại các hình ảnh phản cảm như leo lên ôm súng, pháo, trèo lên xe tăng, máy bay hay đu mình lên các hiện vật để chụp ảnh. Những hành động kém văn minh khiến nhiều người bức xúc, lo ngại các hiện vật bị hư hỏng, gãy, đổ.

“Tôi cho rằng, việc leo trèo không chỉ là hành động vô ý thức, thể hiện sự tò mò mà còn phá hoại tài sản của Nhà nước, cần có hình thức cảnh cáo, xử phạt để làm gương cho người khác”, anh Nguyễn Tuấn Minh nói.

Ngoài leo trèo và sờ vào hiện vật, một số cư dân mạng còn ghi lại được cảnh các bạn trẻ cố tình lên nóc bảo tàng để chụp hình “sống ảo”.

Chị A. (sống ở Hà Nội) kể, khoảng 16h, ngày 10/11, trong khi chụp ảnh, tham quan các hiện vật phía trước bảo tàng, chị phát hiện một số bạn trẻ vô tư chụp ảnh, quay video trên nóc bảo tàng.

“Có 3 người, 2 gái và một trai chụp ảnh cho nhau, tôi không biết vì sao họ có thể leo được lên vị trí cao nhất đó. Bảo tàng đã có biển cấm, không đi lên các tầng trên mà vẫn có những bạn trẻ vô ý thức.

Hình ảnh đó rất phản cảm, chỉ vì vài bức ảnh sống ảo đăng lên mạng xã hội mà không tôn trọng các quy định của bảo tàng. Nếu ai cũng như họ, bảo tàng sẽ rất lộn xộn và ảnh hưởng đến những người khác”, chị A. cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ – Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ, bảo tàng là nơi lưu giữ các hiện vật, cổ vật có giá trị, thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử.

Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ các hiện vật lịch sử, vật phẩm văn hóa là trách nhiệm không chỉ của cơ quan tổ chức đơn vị quản lý mà còn là trách nhiệm của mọi công dân.

Một nhóm du khách vẫn bất chấp cảnh báo, tạo đủ dáng chụp ảnh với các hiện vật chiều 13/11.

Các bảo tàng đều có biển khuyến cáo người dân “không sờ vào hiện vật”. Tuy nhiên do ý thức, nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều người không chỉ sờ vào hiện vật mà còn trèo lên để chụp ảnh, đu bám, có nguy cơ làm hư hỏng hiện vật.

Hành vi tác động đến hiện vật trong bảo tàng không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định pháp luật, người làm hư hại hiện vật trong bảo tàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khuyến cáo khách tham quan giữ gìn hiện vật.

Nghị định về vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa nêu rõ, phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

“Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khi mở cửa thu hút rất đông du khách đến tham quan. Ban quản lý bảo tàng cần tích cực tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn những hành vi phản cảm, có nguy cơ gây hư hại hiện vật để bảo quản, bảo tồn hiện vật, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử ở bảo tàng này”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Ảnh: Hồng Hạnh