Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – điểm hội tụ tinh hoa văn hóa 54 dân tộc anh em

63

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – Điểm hội tụ tinh hoa văn hóa 54 dân tộc anh em

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu văn hoá của các dân tộc Việt Nam cũng như các nước khác. Quá trình hình thành bảo tàng được xúc tiến từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn trong thời hậu chiến.

Ban đầu, từ tòa Trống đồng giới thiệu 54 dân tộc Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khu vườn Kiến trúc với 10 công trình dân gian đại diện cho các loại hình khác nhau của nhiều dân tộc và vùng văn hóa. Không dừng lại ở việc giới thiệu về Việt Nam, bảo tàng còn xây dựng tòa Cánh diều, trưng bày kết nối với các tộc người ở Đông Nam Á.

Và xa hơn thế, các trưng bày vươn ra châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Mỹ Latinh, nhờ những sưu tập hiện vật được hiến tặng. Trải qua hành trình hơn 20 năm, cùng với các hoạt động trưng bày thường xuyên là những màn trình diễn văn hóa phi vật thể, các chương trình giáo dục trải nghiệm… đã làm cho bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành một điểm tham quan được công chúng yêu thích.

Trong ba năm liền (2012, 2013, 2014), bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được TripAdvisor bình chọn là bảo tàng xuất sắc, xếp thứ tư trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Ba năm tiếp theo (2015, 2016, 2017), bảo tàng được vinh danh là điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng.

Tòa Trống đồng được kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày, thiết kế mô phỏng theo hình trống đồng của văn minh Đông Sơn. Tòa nhà gồm 2 tầng với tổng diện tích 2.000m2, trưng bày hàng loạt hiện vật, phim, ảnh, cùng các khu vực tái tạo sống động và các bài viết do các nhà nghiên cứu của bảo tàng thực hiện. Tất cả nội dung trưng bày đều được thực hiện bằng tiếng Việt, Pháp và Anh.

Năm 2006, tòa nhà mới “Đông Nam Á” với tên Cánh diều được khởi công xây dựng trong khuôn viên bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tòa nhà 4 tầng được thiết kế mô phỏng theo hình cánh diều, một nét văn hóa truyền thống của cả khu vực. Tầng 4 được dành cho bảo quản hiện vật; 3 tầng còn lại là phòng làm việc, thiết kế và chủ yếu là không gian dành cho công chúng.

Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng mang màu xanh của cây cối, có dòng suối nhân tạo chảy về hồ thuỷ đình là nơi biểu diễn rối nước. Ngoài ra còn có những lối nhỏ dẫn du khách tới 10 kiểu nhà tiêu biểu: nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Êđê, nhà mồ Giarai, nhà mồ Cơtu, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trệt người H’Mông, nhà trình tường người Hà Nhì. Cùng với toà Trống đồng, vườn Kiến trúc giới thiệu sự đa dạng văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam.

Địa chỉ: Nguyễn Văn Huyên, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Giá vé:

– 40.000 đồng/người/lượt;

– Sinh viên: 20.000 đồng/người/lượt;

– Học sinh: 10.000 đồng/người/lượt;

Người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người dân tộc thiểu số: giảm 50%.

Miễn vé cho trẻ em dưới 6 tuổi; người khuyết tật nặng đặc biệt; thẻ ICOM; thẻ Người bạn Bảo tàng của BTDTHVN; thẻ nhà báo; nhà tài trợ.

Phí thuyết minh:

Thuyết minh trong nhà tiếng Việt: 50.000đ.

Thuyết minh ngoài trời tiếng Việt: 50.000đ.

Thuyết minh toàn bộ bảo tàng tiếng Việt: 100.000đ.

Thuyết minh trong nhà tiếng Anh/Pháp: 100.000đ.

Phí chụp ảnh:

Máy ảnh du lịch: 50.000đ/máy.

Máy ảnh chuyên nghiệp: 500.000đ/máy.

iVIVU gợi ý một số tour miền Bắc – Hà Nội hấp dẫn:

Tour Hà Nội 1N: Tham Quan Phố Cổ

Tour Hà Nội 1N: Tham quan Chùa Hương

Tour Ninh Bình 1N : Hà Nội – Bái Đính – Tràng An