Bánh mì ‘Ta’ có gì khiến ‘Tây’ mê đến vậy?

44

“Bánh mì”, một từ hai chữ tiếng Việt được vinh danh trong từ điển Oxford vào ngày 24 tháng 3 năm 2011. Bánh mì được xếp vào một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, lên ngôi tại Australia, được ưa chuộng ở châu Âu và gần nhất tự hào khi báo Mỹ ca ngợi. Bánh mì Việt Nam nổi tiếng về 3 điều: ngon, bổ và rẻ.

Với thực lực của mình, “hữu xạ tự nhiên hương”, bánh mì nhỏ bé đã có thể hiên ngang đứng bên cạnh những người bạn “chuyên ngành kẹp thịt” khác như Tacos (Mexico), Sandwiches (Anh) và Baguettes (Pháp).

Ngày nay, khi khách Tây đến Việt Nam du hí, đặc biệt có hai món mà họ muốn thử (hoặc được ai đó dặn dò là chưa thử thì đừng về nước) là “phở”, và “bánh mì”. Vậy bánh mì Việt Nam có gì mà khiến người nước ngoài yêu thích đến vậy?

Hai món mà người nước ngoài muốn được thử ở Việt Nam: Phở và bánh mì 

Ông Tây ăn bánh mì, hình ảnh không còn lạ lẫm nữa

Phải công bằng nói lên một điều mà ai cũng thừa nhận rằng: bánh mì ban đầu chưa được mang Quốc tịch Việt Nam! Không như cơm tấm vốn là đặc sản “chính chủ” của Sài Gòn.

Người Pháp trong quá trình “thuộc địa hóa” đã đem theo công thức làm bánh baguettes đến với chúng ta, và từ đây bắt đầu mối quan hệ “nhùng nhằng” giữa bánh mì và baguettes.

Baguette của Pháp

Bánh baguettes khá dài, với lớp vỏ cứng màu vàng sậm. Người phương Tây trong một bữa tiệc thường cắt nó ra thì nhiều khúc nhỏ, dùng để chấm với nước súp, cà ri hoặc là ăn không.

Ẩm thực Việt Nam đa phần là thức ăn mềm và có nước, nên baguettes khô khan không được ưa chuộng cho lắm đối với cộng đồng người Việt. Học hỏi những nguyên liệu của các nước trong khối Indochina, kết hợp với cách làm bánh truyền thống của người Pháp, mẻ bánh mì An Nam đầu tiên chính thức ra lò.

Cũng từ đây mà “cây đại thụ” của ẩm thực Việt Nam mọc ra một nhánh hoàn toàn mới. Với lối tư duy tổng hợp đặc trưng của Á Đông, người Việt thích “thử nghiệm” đủ loại thực phẩm cho vào ruột của Bánh Mì như thịt vụn, rau răm, paté, chả cá,… hơn là dùng nó để chấm súp. Những loại gia vị ban đầu được cho vào bánh mì là nước tương, nước mắm, tiêu, muối,… đi kèm với rau mùi hoặc rau răm và một ít đồ chua.

Loại bánh mì kẹp lấy cảm hứng từ nước Pháp này ban đầu có ở miền Bắc, nhưng sau đó xuất hiện ở miền Nam theo chân những người làm bánh sau năm 1954 – thời điểm Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp

Nhiều năm gần đây, khi đời sống kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự lựa chọn nguyên liệu cũng trở nên đa dạng hơn với sự trợ giúp từ siêu thị và các cửa hàng tiện ích, bánh mì trở nên phong phú về “nhân” và độc đáo về “vị”. Một nghìn loại thực phẩm có thể cho vào ruột bánh là mười nghìn loại bánh mì khác nhau có thể được sáng tạo.

Một nghìn loại thực phẩm có thể cho vào ruột bánh là mười nghìn loại bánh mì khác nhau có thể được sáng tạo.

Tuy nhiên, loại bánh mì “truyền thuyết” được dân Tây yêu thích đến mức đăng báo chính là “bánh mì kẹp thịt”. Một ổ bánh mì có thể làm động lòng du khách phương xa, mà theo như ông Alfonso, một “bố già” người Pháp thích nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, phải đáp ứng được những tiêu chí “gắt gao” như sau:

Đầu tiên là ở bản thân chiếc bánh mì, nó phải nhỏ gọn vừa tay, không quá tròn như bánh bao (trừ bánh mì cóc), vỏ phải nóng giòn, nhưng lại không được quá cứng hay đặc ruột như baguettes.

Dù có cố viết dài dòng cho hoa mỹ hay tinh vi, thì nguyên liệu được bỏ vào bánh mì Việt Nam chỉ gồm những nhân tố chính như sau: thịt, rau thơm, và sốt. “Thịt” trong bánh mì kẹp thì được hiểu là thịt nguội jambon, chả, thịt nướng (chứ không phải là cá hay chả cá); được cắt thành lát và nhồi trực tiếp vào ruột bánh sau khi đã trét một lớp bơ trộn paté béo ngậy lên.

Bánh mì thịt nguội 

Bánh mì thịt nướng

Rau thơm thì lại tùy theo khẩu vị của…người bán, có người thích cho húng quế, người lại thích cho thì là, nhưng nếu là bánh mì thịt nướng thì phải cho rau răm vào vì thế mới là “chuẩn”.

Khi thực khách cắn miếng đầu tiên (thường là miếng nhạt nhất vì còn dính phần cùi bánh), chỉ mỗi mùi rau thơm hòa quyện cùng với chút vị thịt đã đủ khiến anh ta không thể chần chừ mà phải cắn gấp miếng thứ hai. Đây chính là lúc mà “sốt” – “xương sống” của một ổ bánh m phát huy công năng vĩ đại của mình.

Nước sốt có nhiều loại, nhưng thứ sốt đặc trưng mà những hàng bán bánh mì sáng thường chan lên là sốt thịt. Phần nước mặn mặn ngọt ngọt tiết ra khi nấu thịt viên được tận dụng để rưới vào trong ruột bánh, vậy là ổ bánh về lý thuyết đã hoàn tất.

Khởi điểm chỉ là một món quà sáng “dễ gây ghiền”, bánh mì Việt Nam dần dần có mặt trong các nhà hàng, khách sạn sang trọng với những “phiên bản” cao cấp hơn. Dần dà, những thương hiệu, những chuỗi cửa hàng bánh mì ra đời, ổ bánh bình dân ngày nào được bạn bè năm châu biết tới không còn chỉ qua những lời truyền miệng nữa.

Ăn trong nhà hàng chán chê, những ông Tây bà đầm sẽ tìm đến nơi khai sinh ra “bánh mì”, đến những xe bán bánh mì vỉa hè, nơi mà chúng vốn thuộc về. Họ ngạc nhiên khi mà mình chỉ phải trả một cái giá quá rẻ để thưởng thức một tuyệt tác.

Xe bán bánh mì – nơi mà bánh mì thuộc về

Ăn bánh mì Việt, người phương Tây phần nào cảm nhận được cái tinh túy trong ẩm thực Việt Nam, thấm nhuần cái triết lý âm dương trong một ổ bánh nhỏ được kết hợp khéo léo giữa thịt thà và rau củ.

Dẫu có riêng cho mình hàng loạt những chuỗi fast food, thì bánh mì vẫn để lại một dư vị khó phai nơi đầu lưỡi, mà nhiều người nước ngoài thừa nhận rằng họ trở lại Việt Nam du lịch, cốt là để thưởng thức lại những chiếc bánh kỳ lạ này.

Xem thêm bài viết:

Người “truyền bá” ẩm thực Việt tại xứ sương mù

6 địa chỉ bánh mì Sài Gòn ‘biến tấu’ ngon nổi tiếng

Bánh mì Việt Nam hấp dẫn trên báo Tây

Bánh mì Việt trên đường phố Seoul