Thời nay kết bạn với người nước ngoài không còn là điều gì quá xa lạ nữa. Một chuyến du lịch, du học hoặc một sự kiện trực tuyến nào đó cũng đủ để ta có vài người bạn quốc tế. Vậy bạn có từng nghĩ, nếu một ngày những người bạn ấy đến Việt Nam thăm bạn, bạn sẽ đưa họ đi chơi ở đâu không?
Lúc hai cô bạn thân của mình – một cô người Nhật và một cô người Indonesia, nói sẽ bay sang Việt Nam thăm mình, đó là lúc mình nhận ra mình chẳng biết gì nhiều về Sài Gòn – nơi mình đã sống suốt 4 năm đại học, để giới thiệu với các bạn. Thế là mình bắt đầu một “công trình nghiên cứu” nho nhỏ để lên lịch trình ăn chơi cho hai bạn của mình.
Trước hết, mình khảo sát mong muốn của hai bạn và rút ra được vài điều đáng ý:
Dựa theo đó, mình tìm kiếm và chọn lọc các địa điểm, hoạt động phù hợp với nhu cầu, sở thích của các bạn. Sau đó, mình lập một lịch trình 4 ngày 3 đêm gửi cho hai đứa xem qua (vì bị “ám ảnh” với những chiếc lịch trình apply visa du lịch tự túc nên giờ lịch trình gì mình cũng làm siêu chi tiết). Bất ngờ là hai đứa bạn xem xong đều OK ngay tắp lự, chẳng đòi thay đổi gì! Và thực tế cũng chứng minh là hai đứa rất tận hưởng lịch trình mình lập ra.
Dưới đây là lịch trình của tụi mình để các bạn tham khảo.
Ngày 1 – 2: Sài Gòn
Nếu có thể thu xếp thời gian thì nhất định phải đi đón tụi bạn ở sân bay nhé! Đây là một trải nghiệm đong đầy cảm xúc đối với mình. Mình đã luôn muốn cầm bảng tên đón bạn ở sân bay một lần trong đời. Lúc hòa vào dòng người ở ga đến, vừa dõi theo thông báo xem chuyến bay của bạn mình đã hạ cánh hay chưa, vừa ngóng trông những người bạn hơn 2 năm dịch dã mình chưa được gặp bước ra từ trong nhà ga, mình không khỏi bồi hồi. Giờ mình đã hiểu tại sao người ta luôn chạy đến ôm nhau trong những cảnh đón nhau ở sân bay trong phim ảnh. Bao nhiêu nhớ nhung trong quãng thời gian xa cách hóa thành những chiếc ôm ngày hội ngộ!
Mình tự vẽ bảng tên đón hai bạn Saki từ Nhật và Hindu từ Indonesia.
Tụi mình may mắn được bạn mình host ở một chung cư cũ quận Phú Nhuận. Nhờ vậy, hai đứa bạn nước ngoài của mình có cơ hội được sống cùng người bản địa và trải nghiệm đời sống Việt Nam.
Chỗ tụi mình ở đồng thời cũng là studio dành cho ai yêu thích làm đồ thủ công nên hai bạn mình cũng có cơ hội trải nghiệm các workshop tự khâu sổ tay, nặn gốm…
Hoạt động làm gốm tại nhà d32.
Sáng, mình đưa các bạn đi ăn phở – món ăn mà người nước ngoài nào cũng muốn thử khi đến Việt Nam. Mình chọn quán Phở Hiền gần nhà, có thể đi bộ ra cho tiện, hơn nữa đây cũng là một trong những quán phở gia truyền lâu đời ở Việt Nam.
Sau đó tụi mình mang vác “đồ nghề” làm sổ đến quán cà phê nhà phạm để vừa uống cà phê sáng vừa làm sổ. Điểm nhấn độc đáo ở nhà phạm là quầy bar ngay lối vào, nơi khách có thể quan sát và trò chuyện với các bạn nhân viên đang tỉ mỉ pha chế thức uống cho mình. Cà phê chuối là một món đặc trưng ở quán, còn cà phê caramel được trang trí lạ mắt. Dụng cụ ăn uống đều được làm từ inox để hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Hoạt động khâu sổ tại quán cà phê nhà Phạm.
Chỉ cần khoảng 1 tiếng là ai cũng có một quyển sổ độc nhất vô nhị!
Tụi mình chọn quán buffet chay Sala cho bữa trưa. Ưu điểm của quán là thực đơn rất đa dạng và được nêm nếm vừa miệng. Chỉ với khoảng 50.000 VND, mỗi đứa đã có một dĩa cơm trưa vô cùng phong phú và ngon lành.
Một suất cơm tự chọn tại buffet chay Sala.
Buổi chiều mình đưa các bạn đi dạo những địa điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố theo lộ trình gợi ý bên dưới: Chợ Bến Thành – Phố đi bộ Nguyễn Huệ – Dinh Độc Lập – Nhà thờ Đức Bà – Bưu điện Thành phố – Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ở các nước khác như Hàn, thường có những lộ trình đi bộ tham quan gợi ý cho khách du lịch được thiết kế rất logic, cứ theo đó mà đi sẽ tiết kiệm được thời gian mà vẫn tham quan được nhiều nơi. Nhưng ở nước mình hình như chưa có, nên mình thiết kế một lộ trình đi bộ khoảng 2 – 3 tiếng như vậy.
Check-in phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Check-in Bưu điện Thành phố.
Bữa tối nhẹ của tụi mình là bánh mì sourdough và trà do bạn mình tự làm. Như mình đã nói ở đầu bài là hai bạn nước ngoài của mình rất thích gặp gỡ người bản địa nên mình đưa các bạn đến chơi nhà bạn bè mình.
Ăn bánh uống trà tại nhà bạn mình.
Do lịch trình hơi kín nên tối đó mình dẫn các bạn đi mua quà lưu niệm luôn. Một số nơi có thể mua quà lưu niệm là:
1.
Cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thủ công thương hiệu Việt như giấy tái chế, túi thêu, sổ tay, gối thơm thảo mộc, trang sức gốm…
2.
Ở đây bày bán “những sản phẩm đề cao tính thủ công, mang đậm nét văn hoá hoặc có lợi cho sức khỏe và tinh thần. Đây còn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, có thiết kế sáng tạo và ẩn chứa những câu chuyện, thông điệp thú vị từ người thiết kế.” Bạn có thể tìm thấy rất nhiều các sản phẩm thương hiệu Việt trong không gian 2 tầng rộng lớn của Vesta: đồ văn phòng phẩm, quần áo, giày dép, trang sức, phụ kiện, nến thơm, tinh dầu, sản phẩm chăm sóc da/tóc…
Tụi bạn mình đặc biệt thích nến thơm nên mỗi đứa mua 2 – 3 lọ nến mùi hương khác nhau.
Ngày 3: Bến Tre
Các bạn nước ngoài mình quen đều rất thích đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mình chọn Bến Tre vì tỉnh này không quá xa Sài Gòn, chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi di chuyển bằng xe khách, phù hợp với lịch trình dày đặc của tụi mình.
Tụi mình đi xe khách của nhà xe Minh Tâm, giá vé 95.000 VND/chiều. Cứ 30 phút là có một chuyến. Xe sạch sẽ, khang trang, nhân viên nhà xe và tài xế lịch sự, dễ thương.
Khi đến nhà xe ở Bến Tre thì sẽ có xe trung chuyển đưa tụi mình về nơi cần đến. Do homestay tụi mình đặt khá xa nên cần phải đi thêm một chuyến xe “tuk tuk Việt Nam” mới tới được.
Đi “tuk tuk Việt Nam” giữa những hàng dừa rất phiêu.
Tụi mình ở Ba Danh Homestay – nơi mà cả đám vừa lướt thấy trên Booking là đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Homestay là một căn nhà gỗ kiểu Nam Bộ xưa rất đẹp lọt thỏm giữa rừng dừa xanh ngát và bình yên.
Căn nhà gỗ màu đỏ rượu rực rỡ trong nắng chiều yên ả.
Anh Sĩ – chị Chung chủ nhà đúng kiểu người miền Tây nhiệt tình, hiếu khách. Anh Sĩ giúp tụi mình đặt xe “tuk tuk” mỗi khi cần vào trung tâm chơi (khoảng 120.000 VND/lượt cho 3km), gợi ý những tour du lịch của người địa phương tổ chức phù hợp với nhu cầu của tụi mình. Bạn chỉ cần hỏi anh Sĩ thôi, còn lại ảnh sẽ giúp bạn lo từ A tới Z. Chị Chung quản lý Chái Bếp – xưởng làm kẹo dừa cạnh homestay. Kẹo dừa ở đây được sản xuất và đóng gói thủ công, thân thiện với môi trường, được làm từ những nguyên liệu an lành. Bạn có thể cùng tham gia làm kẹo dừa với chị Chung và các cô dì trong Chái Bếp.
Sau khi check-in và mang hành lý vào phòng, tụi mình đặt xe tuk tuk đi chợ Bến Tre để ăn trưa. Người dân địa phương chỉ tụi mình đến quán cơm Vân lâu đời ở Bến Tre, mỗi phần cơm 45.000 VND ăn rất no bụng và vừa miệng. Bạn mình không ăn được thịt heo nên chủ quán làm riêng chén canh cá cho bạn ấy.
Nhờ anh Sĩ mà tụi mình đặt được một tour đi phà dọc sông Cửu Long giá 1.400.000 VND. Đây là tour riêng cho 3 đứa tụi mình, có hướng dẫn viên địa phương nói tiếng Anh. Trong khoảng 3 tiếng đi tour, tụi mình được giới thiệu về vùng đất Bến Tre, ghé thăm các địa điểm như: lò gạch, xưởng làm kẹo dừa, ngồi xuồng nhỏ có người chèo dọc một con kênh với hàng dừa nghiêng bóng hai bên.
Thỏa mong ước được ngồi xuồng giữa hai hàng dừa của các bạn mình.
Bữa tối thì tụi mình đặt chị Chung nấu để ăn tại homestay luôn. Chị ấy sẽ linh hoạt nấu nướng dựa theo nguyên liệu có sẵn, chứ không có menu cố định. Tối đó thì chị Chung nướng cho tụi mình con cá lóc khổng lồ để cuốn bánh tráng. Tài nghệ nấu nướng của chị Chung rất đáng gờm, mình là một đứa không thích ăn cá nhưng cũng chén đẫy đà một bụng cá hôm đó.
Bữa tối miền Tây dân dã do chị chủ homestay chuẩn bị cho tụi mình.
Chi phí cho bữa tối là 70.000 VND/người. Toàn bộ trái cây, thức uống (cà phê, trà…), snack (kẹo dừa, mứt dừa) để sẵn trong khu tự phục vụ ở homestay đều miễn phí, bạn có thể lấy ăn bao nhiêu tùy thích; chỉ tính phí bia và nước ngọt trong tủ lạnh.
Ngày 4: Long An
Ngày cuối cùng, mình đưa các bạn về quê mình ở Long An chơi. Như mình đã nói, hai bạn nước ngoài của mình rất thích trải nghiệm đời sống địa phương mộc mạc, giản dị. Các bạn ấy đơn giản là muốn biết nơi mình sống trông như thế nào, một ngày bình thường của mình ở Việt Nam ra sao, mình hay đi đến những hàng quán nào.
Mẹ mình giúp chuẩn bị một bữa tiệc tại gia thịnh soạn để đón hai bạn, với những món ăn rất Việt Nam như lẩu cua đồng, thịt gà nướng, rau câu. Sau đó, tụi mình đi dạo đồng ruộng, đi chợ địa phương, ăn bánh mì, uống trà sữa.
Nồi lẩu cua đồng đậm chất miền Tây mẹ mình đãi các bạn.
Bạn Saki người Nhật (giữa) trải nghiệm mặc áo dài Việt Nam.
Theo một bài phân tích mình đọc được trên tạp chí AFAR, sau hai năm thiếu hụt các tương tác xã hội, khách du lịch trở nên tò mò về các trải nghiệm văn hóa bản địa hơn bao giờ hết. Du lịch không còn là check-in 100 địa điểm nhất định phải đến trước khi chết, mà là được kết nối sâu sắc với một địa điểm mình đặt chân đến, gắn kết với cộng đồng địa phương, quan tâm đến tác động của du lịch đối với môi trường và dành thời gian cùng những người thân yêu.