Bàn chân người chết giải đáp bí ẩn chôn giấu trên núi hơn 100 năm trước

4
Một phần hài cốt và giày tất của nhà leo núi bị mất tích khi chinh phục đỉnh Everest cách đây khoảng 100 năm vừa được phát hiện. Nhờ đó, những hoài nghi về vụ mất tích bí ẩn đang dần được giải đáp.

Một phần thi thể người đã khuất lộ diện khi lớp băng tan chảy

Xuất phát từ mong muốn được chinh phục đỉnh cao, chạm tay tới Everest, hàng trăm du khách đã bỏ mạng ngay trong lần thử sức đầu tiên và nằm lại vĩnh viễn trên “nóc nhà thế giới”.

Với chiều cao 8.848m, Everest trở thành đích đến trong mơ của hàng nghìn nhà leo núi muốn thử thách bản thân. Hai người đầu tiên đặt chân lên đỉnh vào ngày 29/5/1953 là nhà thám hiểm Edmund Hillary người New Zealand và Tenzing Norgay người Nepal.

Từ đó đến nay, theo số liệu thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người đã chinh phục thành công từ phía Nepal và Tây Tạng.

Nhà leo núi Andrew Irvine mất tích lúc chinh phục Everest khi mới 22 tuổi (Ảnh tư liệu: National Geographic).

Tháng 9, nhóm làm phim tài liệu của National Geographic khi tới khu vực sông băng Rongbuk bên dưới khu vực phía Bắc của Everest, bất ngờ phát hiện thấy một chiếc ủng nằm trên mặt đất. 

Khi kiểm tra kỹ lưỡng món vật, họ thấy bên trong có một bàn chân là một phần thi thể của người đã khuất. Chiếc tất còn sót lại có thêu chữ Andrew Comyn Irvine, hay còn gọi là Sandy, một nhà leo núi người Anh đã mất tích bí ẩn cách đây 100 năm khi tới Everest chinh phục. Thời điểm mất tích, anh đi cùng nhà leo núi nổi tiếng George Mallory.

Irvine và Mallory được nhìn thấy lần cuối vào ngày 8/6/1924 khi cả hai cố gắng trở thành những người đầu tiên lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Liệu họ đã chinh phục được đỉnh cao nhất hay chưa vẫn là bí ẩn lớn.

Nếu Irvine và Mallory thành công, thành tích của họ sớm trước 29 năm khi hai nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay được thế giới vinh danh.

Đôi giày bị nghi là của nhà leo núi người Anh vừa được tìm thấy (Ảnh: National Geographic).

Năm 1999, hài cốt của nhà leo núi Mallory được tìm thấy trong khi Irvine vẫn bặt vô âm tín. Khi được tìm thấy, thi thể của Mallory không có tấm ảnh người vợ mà ông dự định để lại trên đỉnh núi. Điều này làm dấy lên giả thuyết, có thể nhà leo núi này đã chinh phục thành công Everest và bị thiệt mạng trên đường trở về.

Suốt 100 năm qua, vụ tai nạn của hai nhà leo núi này diễn ra thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Liệu họ có phải là những người đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Everest hay không?

Ngay sau khi những manh mối được tìm thấy, nhóm nghiên cứu đã liên hệ với gia đình nạn nhân bao gồm cả cháu gái của ông, bà Julie Summers, người đã viết một cuốn sách về nhà leo núi này.

Bà Julie, cháu gái nhà leo núi Irvine cho biết, từ năm 7 tuổi đã được nghe câu chuyện bí ẩn về người chú khi chinh phục Everest. Câu chuyện càng chân thực hơn khi người ta phát hiện thấy thi thể nhà leo núi đồng hành cùng ông vào năm 1999.

Trong khoảnh khắc tìm thấy món vật của người thân, bà Julie đã “cảm động rơi nước mắt”. Hiện gia đình đang đề nghị được cung cấp mẫu ADN để xác nhận danh tính thi thể.

Những thi thể còn nằm lại

Nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khiến lớp băng tuyết mỏng dần làm lộ ra thi thể của hàng trăm du khách tử nạn. Có những thi thể nằm ở đó hàng chục năm, chưa được đưa về quê nhà và có thể nằm lại mãi mãi.

Hơn 300 người thiệt mạng trên núi kể từ khi cuộc chinh phục Everest bắt đầu từ những năm 1920. Riêng năm nay đã ghi nhận 8 người bỏ mạng.

Nhiều thi thể vẫn nằm lại. Một số bị tuyết che khuất hoặc bị “nuốt chửng” trong những khe vực sâu.

Đưa các thi thể xuống núi là thử thách rất lớn (Ảnh: AFP).

Không chỉ tốn kém và khó khăn, theo nhiều chuyên gia, bất cứ quyết định xử lý các xác chết trên đỉnh núi ra sao cũng đều là vấn đề cá nhân.

“Hầu hết các nhà leo núi muốn nằm lại núi nếu họ không may thiệt mạng. Sẽ là thiếu tôn trọng nếu chúng ta loại bỏ hài cốt của họ, trừ trường hợp thi thể cần di dời khỏi cung đường leo núi, hoặc gia đình nạn nhân muốn đưa họ về quê nhà”, Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng nhận định.

Một thi thể có thể nặng tới 100kg bao gồm cả đồ tư trang đi cùng. Ở độ cao hàng nghìn mét, khả năng mang vác nặng sẽ kém đi nên một xác chết cần tới 8 nhân viên cứu hộ.  

Theo ông Rakesh Gurung, quan chức Bộ Du lịch Nepal, sau khi thi thể được mang xuống sẽ đưa tới thủ đô Kathmandu chờ xác minh nhân thân. Những người không thể xác minh có thể được mang đi hỏa táng.