Bài học từ Văn Miếu và Dinh Độc Lập: Du lịch di sản "hái ra tiền"

4
Di sản văn hóa không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ mà còn có thể trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng nếu được khai thác đúng cách.

Tại Diễn đàn Truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề “Hội tụ bản sắc – Nâng tầm di sản” diễn ra sáng 19/10 ở TPHCM, các chuyên gia đã chia sẻ những cách làm sáng tạo và câu chuyện thành công từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Dinh Độc Lập, mang lại bài học giá trị cho ngành du lịch di sản.

Các chuyên gia thảo luận về cách biến di sản thành động lực phát triển kinh tế du lịch (Ảnh: Cẩm Tiên).

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, cho biết chương trình trải nghiệm đêm “Tinh hoa đạo học” đã gặt hái kết quả tích cực sau hơn 1 năm vận hành mà không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ông Kiêu nói: “Trước đây, nhiều người đến Văn Miếu chỉ để xoa đầu rùa cầu may trong thi cử hoặc chiêm ngưỡng kiến trúc, nhưng ít trải nghiệm sâu sắc về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, và truyền thống trọng dụng hiền tài của di tích này.

Với chương trình trải nghiệm đêm, du khách được dẫn dắt qua những câu chuyện giàu ý nghĩa về đạo học và lịch sử, giúp họ cảm nhận rõ hơn giá trị văn hóa của Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Các tấm bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành những “cuốn sách” với công nghệ trình chiếu mapping (Ảnh: Toàn Vũ).

Công nghệ hiện đại cũng được áp dụng để kết nối những câu chuyện quá khứ với du khách đến Văn Miếu. Tại đây, các “cụ rùa AI” và hiệu ứng 3D Mapping đã tạo nên những hoạt động tương tác thú vị. Đồng thời, thông tin sự kiện được quảng bá trên mạng xã hội để tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau.

Qua thời gian, đội ngũ nhân viên cũng chuyển mình theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp hơn, nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan.

Một minh chứng thành công khác đến từ Dinh Độc Lập khi nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966” đã thu hút khách tham quan kể từ khi mở cửa vào tháng 3/2018. Theo ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, mỗi năm triển lãm này đón gần 350.000 lượt khách.

Được tổ chức trong một ngôi biệt thự cổ hai tầng có từ thời Pháp thuộc (ngay trong khuôn viên Dinh Độc Lập), không gian trưng bày giới thiệu hơn 500 hiện vật quý và tư liệu lịch sử tái hiện quá trình hình thành biểu tượng quyền lực của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.

Du khách nghe thuyết minh qua tai nghe tại nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966” (Ảnh: Cẩm Tiên).

Với giá vé 40.000 đồng, giảm còn 25.000 đồng khi mua kèm vé vào Dinh Độc Lập, triển lãm này đã nhanh chóng hoàn vốn trong năm đầu tiên và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi doanh thu năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm 2018.

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TPHCM, cho rằng sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm về những giá trị hoài niệm nhưng vẫn muốn kết nối với hiện đại.

“Các mô hình tại Dinh Độc Lập và Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đi đúng hướng khi tạo ra các trải nghiệm độc đáo, vừa gắn với lịch sử vừa gần gũi với đời sống đương đại”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng nhấn mạnh rằng việc phân mảnh trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các gói dịch vụ phù hợp, đồng thời tăng khả năng chi tiêu của họ khi thông tin về giá cả được truyền thông hợp lý.

Những thành công từ Văn Miếu và Dinh Độc Lập đã chứng minh rằng di sản không chỉ có giá trị bảo tồn mà còn trở thành nguồn thu kinh tế dồi dào nếu biết khai thác sáng tạo, được đầu tư bài bản và truyền tải đúng cách.