Bài học cứu chợ nổi Tân Phong có thể áp dụng cho chợ nổi Cái Răng?

65
Không chỉ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), một số chợ nổi khác ở vùng sông nước miền Tây như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)… cũng đang “chìm” dần. Vì sao?
Du khách nước ngoài đến Cần Thơ thường chọn chợ nổi Cái Răng để tham quan - Ảnh: CHÍ QUỐC

Du khách nước ngoài đến Cần Thơ thường chọn chợ nổi Cái Răng để tham quan – Ảnh: CHÍ QUỐC

Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh: Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND TP Cần Thơ, đại biểu đã hỏi giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ nghĩ gì khi du khách cho rằng chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe.

Rất nhiều bạn đọc có ý kiến đề xuất giải pháp xung quanh vấn đề này.

Làm gì để cứu chợ nổi Cái Răng nói riêng và một số chợ nổi ở miền Tây có dấu hiệu đang “chìm” dần, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia về du lịch.

Còn đâu chợ nổi gắn với “Tình anh bán chiếu”

Từ mấy năm nay, đã có nhiều ý kiến về các chợ nổi Tây Nam Bộ đang “chìm dần”. Không riêng chợ nổi Cái Răng, một số chợ nổi khác từng được đi vào thơ ca cũng đang “chìm dần”, thậm chí mất hút nếu không biết cách vực dậy.

Trong đó đáng tiếc nhất là chợ nổi Phụng Hiệp, còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) – họp ngay vùng hợp lưu 7 con sông nhỏ (Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và Kênh Xáng), từng được cả nước biết đến với bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu“.

Là chợ nổi lâu đời, chợ nổi Phụng Hiệp nằm cạnh quốc lộ 1, hình thành từ năm 1915, là trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất vùng.

Thời hoàng kim, có ngày gần ngàn ghe thuyền họp chợ như trung tâm bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, đa dạng, đậm đặc chất Nam Bộ.

Năm 1992, Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso, dùng thủy phi cơ và 4 ca nô cao tốc chuyên dụng làm phim về chợ nổi Phụng Hiệp, phát sóng trên 100 đài truyền hình các nước.

Ông kết luận: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, phải được giữ gìn và phát huy. Đó là thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên mang đậm sắc thái Việt”.

Còn nhà văn hóa Australia nhận xét: “Thật kỳ ảo. Giữa mênh mông trời nước, hàng trăm chiếc thuyền nhấp nhô, tụ về một mối. Chợ này đẹp và sôi động, sung túc hơn nhiều so với các chợ nổi Thái Lan…”.

Tốn bạc tỉ để phục hồi vẫn chưa được

Còn nhớ vào năm 2002, vì một số lý do, chợ nổi Phụng Hiệp buộc phải di dời, dù rất hiếm khi xảy ra tai nạn.

Hơn hai chục năm nay, dù các cơ quan chức năng tốn bạc tỉ để tìm cách trả “châu về hợp phố” vẫn chưa được.

Chợ nổi Phụng Hiệp tự xóa sổ dần nên chợ nổi Cái Răng lên ngôi hậu, thành điểm đến không thể thiếu của Tây Đô.

Rất mừng là vừa rồi, Hội đồng nhân dân Cần Thơ đã đưa vấn đề chợ nổi Cái Răng “sắp chìm” vào nghị sự. Chuyện quá cũ nhưng vẫn rất mới.

Mỗi lần đến Cần Thơ, cứ ngỡ ngàng buồn vì chợ nổi Cái Răng ngày càng teo tóp, vắng tanh. Chưa kể nạn nói thách vô tội vạ và ô nhiễm môi trường.

Theo tôi, các chợ nổi Tây Nam Bộ đang chết dần bởi hai nguyên nhân.

Thứ nhất, vì cuộc sống không ngừng phát triển. Cũng như nhà lá thay bằng nhà xây, xe đạp lên máy, ô tô. Đường cũ mở rộng, thêm nhiều cầu cảng mới, đi lại thuận tiện, giá thành rẻ hơn; đường thủy lép vế là đương nhiên.

Thứ hai, do quản lý bằng các quy định nhiêu khê về bằng lái, chứng chỉ, đăng kiểm…

Từ xưa, mọi sinh hoạt của dân miền Tây sống ven kênh rạch đều dựa vào ghe thuyền và ít ai giàu có. Vài chục triệu là số tiền quá lớn so với tài sản và thời gian quá dài để có được bằng cấp theo quy định nên họ nản chí, bỏ sông, rời rạch.

Việc khôi phục các chợ nổi ở miền Tây, theo tôi vận dụng hai chuyện “bảo tồn – phát triển” là cần thiết. Nếu biết cách làm, hai chuyện này sẽ hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.

Giao thông đường bộ ngày càng phát triển nhưng chợ nổi vẫn giữ được nếu có chính sách cụ thể, khuyến khích người dân bám nghề, bám chợ.

Quy định phải thuận cho quản lý và lợi cho người dân mới bền vững. Người dân không phải bỏ nghề, rời chợ.

Bài học từ nỗ lực của chợ nổi Tân Phong

Trong tình hình hiện nay, cần giữ các chợ nổi vì đó là tài sản quốc gia của Tây Nam Bộ. Để “chìm” rồi thì không tài nào cứu được.

Chợ nổi Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được phục dựng từ chợ nổi Cái Bè, là điểm son của du lịch miền Tây - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Chợ nổi Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được phục dựng từ chợ nổi Cái Bè, là điểm son của du lịch miền Tây – Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Như trên đã nói, những người làm du lịch như tôi đi nhiều nơi, chứng kiến một số chợ nổi ở miền Tây cứ teo tóp dần mà không khỏi xót xa.

Trong đó có chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Chỉ hạng em út so với chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Răng, nhưng chợ nổi Cái Bè cũng rất ấn tượng với dân du lịch.

Để cứu chợ nổi Cái Bè, tôi rất thích cách làm của chính quyền Tiền Giang, trong đó phải kể đến nỗ lực của một doanh nghiệp du lịch ở Sài Gòn có cơ sở lưu trú có tiếng ở Tiền Giang. Anh đã lặng lẽ và kiên trì quyết cứu chợ nổi Cái Bè bằng cách làm thiết thực.

“Muốn cứu chợ nổi phải giải bài toán về dân sinh và môi trường. Chợ nổi cũng phải thích nghi, đổi mới” – doanh nghiệp này trải lòng. Và, anh đã làm thật.

Sau thời gian nỗ lực cứu chợ nổi Cái Bè không thành, từ năm 2023, theo đề nghị của doanh nghiệp này, chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè) đã được dời về Tân Phong (huyện Cai Lậy), cách chừng 2km, vốn là bến xưa của chợ, coi như “châu về hợp phố”.

Được chính quyền địa phương ủng hộ và khuyến khích, anh bỏ bạc tỉ, sắm thuyền văn hóa, sắm gần trăm ghe bầu bán buôn và thuyền chèo tay chở khách, vớt rác…

Ghe thuyền cho bà con mượn, tự bảo quản, như vay ưu đãi, không tính lãi lẫn khấu hao, để người dân bám chợ. Có chợ là có thêm điểm đến, giữ chân khách ghé Tiền Giang lâu hơn.

Thuyền văn hóa phục vụ du khách đi chợ nổi. Có đờn ca tài tử, hát bội, giao lưu và các loại hình khác. Background là cảnh quan sinh động chợ nổi, thay đổi liên tục, không gian khoáng đạt chốn thương thuyền.

Chợ nổi Cái Bè đang hồi sinh với cách làm mới. Thuyền văn hóa và ghe bầu có nhà vệ sinh, nơi thu gom rác và rất nhiều dịch vụ để du khách trải nghiệm.

Các loại trái cây, hàng hóa bán đúng giá. Không chỉ thưởng thức đồ ăn, đồ uống dân dã và cùng chế biến. Tìm hiểu và thử đan lát thủ công với các nghệ nhân dân gian…

Dù rất mới nhưng chợ nổi Tân Phong đã biết cách làm du lịch đúng hướng. Ngoài những nỗ lực như trên đã kể, họ còn định kỳ mời các doanh nghiệp lữ hành, báo chí đi chợ…, góp ý hoàn thiện thêm để từng bước phát triển bền vững.

Nên tạo điều kiện cho người dân bám nghề

Để cứu chợ nổi không bị “chìm” dần, ngoài cách làm của chợ nổi Tân Phong, theo tôi rất cần thêm nhiều doanh nghiệp tiếp sức, nhất là các doanh nghiệp tại chỗ.

Trong đó, quan trọng hơn là phải tạo mọi điều kiện cho người dân bám nghề, cùng sự chung tay bảo tồn chợ nổi của các ngành, các cấp quản lý. Cần kết nối với các điểm đến vệ tinh, nhất là cảnh quan, điểm nhấn đôi bờ.

Thái Lan làm du lịch cực giỏi nhưng để chợ nổi chìm, đành chào thua. Do đó, họ phải thay bằng chợ nổi nhân tạo, chỉ phục vụ du khách. Dịch vụ nước này chủ yếu là trên bờ, ghe thuyền chỉ phụ trợ. Họ không có các chợ nổi tự nhiên như Tây Nam Bộ.

Tóm lại, các chợ nổi được hình thành và phát triển hơn trăm năm nay là do con người. Việc các chợ nổi tiếp tục nổi hay chìm đều do con người quyết định.

Không thể mãi đổ thừa tại và bị. Phải tìm mọi cách cứu các chợ nổi trước khi chìm.