Bạch Mộc Lương Tử – Mối tình đầu với núi không bao giờ quên

34

Khi bạn nói: Tôi thích leo núi hoặc tôi bắt đầu đi trek thì Mit dám chắc đến 90% là bạn sẽ nhận được câu hỏi từ các trekker: Bạn đã leo Bạch Mộc Lương Tử chưa? Đây là đỉnh núi được biết đến, nghe nói đến hàng đầu trong các dãy núi Tây Bắc bởi độ đẹp, hùng vĩ, đa dạng của núi non, địa hình và đặc biệt là “trang thiết bị, cơ sở vật chất” ở đây được trang bị đầy đủ và “hiện đại” nhất so với các đỉnh núi khác, cũng chính vì thế mà đỉnh núi này khá phổ biến trong làng trekking. Nào, cùng khám phá mối tình đầu với núi của Mit nhé!

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Giới thiệu về Bạch Mộc Lương Tử

BẠCH MỘC LƯƠNG TỬ ở đâu? Bạch Mộc Lương Tử hay còn gọi là KỲ QUAN SAN – là dãy núi nằm ở giữa hai xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai), với độ cao 3.046m, thuộc Top 4 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Top 3 độ khó chinh phục. Rất nhiều người nhầm khi nghe tên Bạch Mộc Lương Tử với Bạch Mộc Lương ở phía bên Trung Quốc, thực chất, Bạch Mộc Lương Tử chỉ là cái tên do các trekker tự đặt, tên gốc của núi này là Kỳ Quan San.

Bạch Mộc Lương Tử

Chuẩn bị lên đường.

Có hai đường đi lên đỉnh núi, một là từ Phong Thổ – Lai Châu, hai là từ Bát Xát – Lào Cai. Nhóm Mit đã xuất phát từ điểm Bát Xát, Lào Cai. Hành trình của tuyến đường này dài, xa hơn, địa hình nhiều vách đá và sống núi nên có phần hiểm trở hơn nhưng lại không có nhiều rừng rậm nguyên sinh như tuyến đường phía Lai Châu.

Bạch Mộc Lương Tử

Khung cảnh từ trên Đồi Muối nhìn xuống.

Thời điểm lý tưởng leo núi Bạch Mộc Lương Tử là vào đầu đông kéo dài đến mùa xuân, tức là từ tháng 9 đến tháng 3. Tuy nhiên, tháng 12 đến tháng 1 là thời điểm khá lạnh, các bạn cần lưu ý chuẩn bị đồ ấm đầy đủ, tránh mất nhiệt. Thường vào mùa hè hầu như các cung trek, leo núi sẽ đóng cửa bởi nắng nóng, dễ mất sức và cũng là thời điểm có nhiều rắn, không đảm bảo an toàn cho trekker.

Bạch Mộc Lương Tử

Dừng chân nghỉ ăn trưa và tranh thủ làm tấm ảnh.

Chương trình đi 3 ngày 2 đêm Bạch Mộc Lương Tử của nhóm Mit:

Ngày đầu tiên:

– 22h đêm hôm trước: bắt xe bus giường nằm ở bến xe Mỹ Đình lên Sapa.

– 5h sáng hôm sau: có mặt tại Trung tâm thị trấn Sapa. Nghỉ ngơi và ăn sáng, tầm 7h30 bắt tiếp xe nhỏ 16 chỗ lên Bát Xát, Lào Cai.

– Gần trưa hôm đó, sau khi chuẩn bị các thủ tục trình diện xã giấy phép leo núi, nhóm bắt đầu leo núi.

– Chiều tối đến lán nghỉ, ăn tối và nghỉ ngơi.

Ngày thứ hai:

– Ăn sáng từ sớm, 4h30 nhóm xuất phát leo chinh phục đỉnh.

– Ăn trưa tại đỉnh, sau đó leo xuống. Đến đầu giờ chiều đã có bạn về đến lán, kéo dài đến chiều rải rác nhóm đã về hết đến lán nghỉ.

– Ăn tối và ngủ tại lán.

Ngày thứ ba:

– Ăn sáng và leo xuống núi.

– Trưa nghỉ tại Trung tâm thị trấn Sapa, tự thưởng lẩu cá hồi ngon tuyệt cùng bữa massage, tắm lá thuốc của người Dao đỏ – chiêu đãi bản thân sau hơn hai ngày đã hành hạ nó.

– 22h: bắt xe bus giường nằm quay lại Hà Nội.

Bạch Mộc Lương Tử

Ngày thứ nhất: Thử thách con tim

Một trải nghiệm gần như vắt kiệt sức lực của Mit. 15km ngày đầu tiên vượt rừng và lên núi, nhớ mãi đoạn dốc dựng đứng mà tốt nhất đừng nhìn xuống, phải tụt ngược leo xuống – hãi hơn nhiều lúc leo lên, thật sự nguy hiểm!

Cửa ải đầu tiên phải trải qua là "Con dốc bỏ cuộc", bởi cứ leo mãi leo mãi chưa hết dốc, đến khi muốn bỏ cuộc, may mắn gặp trời tạnh thì chỉ có bùn lầy, còn không gặp mưa thì xác định leo dốc bằng bốn chi hoặc trượt dốc bằng mông.

10km – 12km đầu Mit còn tươi tỉnh, nhưng chỉ có đi và chúi đầu xuống đất đi để chạy đua với thời gian, tốt nhất biết điều thì về trạm nghỉ trước khi trời tối.

Chốc chốc, Mit gặp porter hỏi: Còn bao lâu lên trạm nghỉ?; Porter bảo còn 30p nữa. Những đoạn cuối khác xa với cả chục km đầu, bởi khi đó sức lực không còn nhiều, trời thì mỗi lúc một tối, đoạn cuối lại toàn dốc, không có lấy đường bằng. Áng chừng qua 30p, gặp một porter khác dọc đường, Mit sốt ruột hỏi: "Sắp đến chỗ trạm nghỉ chưa?". Porter trả lời giọng lơ lớ: "30p nữa!". Lại 30p nữa!!! (Về sau Mit mới biết 30p là họ áng chừng tốc độ đi của họ, còn với tốc độ đi của mình lại là chuyện hoàn toàn khác).

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Những chặng đầu tiên vẫn còn tươi tỉnh lắm.

Bạch Mộc Lương Tử

Không thể kìm lòng trước vẻ đẹp của thiên nhiên trên đường đi dù mồ hôi ướt hết áo.

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Sau con suối này thì đoạn cuối lên lán chỉ có dốc và dốc, vắt kiệt sức luôn!

Lúc này cứ lên dốc được tầm 5m, Mit lại phải nghỉ một lần vì nghe rất rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Nhiều khi nghĩ thương con tim mình quá, mình bắt nó hoạt động quá sức quá nhiều lần trong ngày hôm nay rồi! Dừng chân nghỉ 30 giây là đã không thấy tăm hơi của bạn đồng hành. Trời mỗi lúc một tối, dốc lên không một bóng người, lại không chuẩn bị đèn pin mang theo. Đến đoạn ngã ba nhìn theo dấu chân mờ mờ thì cả hai ngả trước mặt đều thấy dấu chân như nhau, lên tiếng hú gọi mà không nhận được một lời hồi đáp. Thật sự hoang mang rồi đây vì đi miết, cạn sức đến nơi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của trạm nghỉ. Thôi cứ đánh liều theo hướng lên cao và lối mòn rõ nhất…

Bạch Mộc Lương Tử

Sau khi chụp xong bức này là bước vào thể hoang mang vì nguy cơ bị lạc. Cứ thấy máy ảnh là cười nhí nhảnh chứ máy buông là mặt đỏ bừng bừng, thất thểu vì mệt.

Sau tầm 45p thì Mit cũng đã thấy cánh cổng gỗ – đoán là cổng dẫn vào lán nghỉ. Thật may mắn là hôm đó "trời quang mây tạnh", từ cổng đến lán cũng mất tầm 500m nữa và kịp trước khi bóng tối sập đến. Nhưng ngày đầu tiên cũng đủ thấm tại sao Bạch Mộc Lương Tử thuộc Top 3 ngọn núi khó chinh phục nhất Việt Nam.

Bạch Mộc Lương Tử

Lán nghỉ

Bạch Mộc Lương Tử

Tiếng suối trong như tiếng hát xa…

Ngày thứ hai: Những kỉ niệm đáng nhớ

* Lán nghỉ tập thể, các đội khác nhau tập trung nghỉ tất trong lán. Các bạn vui nhưng đừng nên vui quá, có bạn giai nào ở đội khác uống say đến nỗi Li – vơ – phun từ cửa lán đến tận chân giường, của đáng tội cả đêm cứ thỉnh thoảng dậy gọi em huệ và ba ngày ở lán, Mit cứ phải đi qua chỗ đó và sống chung với hậu quả của em huệ, nghĩ vẫn sợ đến nổi da gà.

Bạch Mộc Lương Tử

Ve rừng to khủng khiếp và tiếng kêu cũng thật chát chúa.

Bạch Mộc Lương Tử

Ai bảo chăn trâu là khổ?!

* Các porter vẫn truyền tai nhau rằng ở lán có ma. Và y như rằng đêm đó, đúng 2h30, mọi người đang ngủ thì nghe tiếng con gái la thất thanh. Mấy ông con giai bật dậy: Có chuyện gì thế? Lùng sục cầm đèn pin, dớn dác chạy ra ngoài, lũ con gái thì mắt nhắm mắt mở, mặt loang loáng dưới ánh đèn pin tái mét. Một lúc sau thấy bà chị đội bên cạnh, là người hét trong đêm, đứng trước cửa lán, mọi người hỏi: Có sao không? Có chuyện gì thế? Có đái ra quần không? Bà chị không nói không rằng chui vào chăn lên giường ngủ tiếp. Mọi người vẫn không hiểu có chuyện gì nhưng kể từ lúc đó, không ai ngủ lại được dù cũng chẳng ai xì xào với ai câu nào… Sáng hôm sau, ông chồng của bà chị mới kể lại rằng: Bà ý đi tè nhưng vẫn lịch sự, giữ ý, không thiên nhiên ngay ngoài lán nghỉ mà ra tận chòi WC cách lán mấy chục bước chân, cầm điện thoại của chồng làm đèn soi. Trong lúc hành sự loay hoay thế nào, bấm nhầm vào clip trong điện thoại của chồng, đúng chỗ có thằng bạn trong clip nói, giọng lại thều thào: Có ai đi bơi với mình không?! Bả giật mình, la toáng lên và ù té chạy.

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Bình minh bên hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam – tại Đồi Muối.

* Lên núi cao trời lạnh và phải tắm vì sau 1 ngày leo mệt không thở nổi thì người vã mồ hôi đầm đìa, muốn tắm nước ấm, bạn phải mua 50k/xô. Phòng tắm thô sơ được ghép bởi những tấm gỗ mà Mit vào trong nhưng không thấy chốt cửa ở đâu. Hỏi ra thì được biết pass là "quét vân tay", nghĩa là không có chốt, muốn an toàn thì một tay giữ cửa một tay tắm, đùa thôi, chặn xô vào nhé!

Bạch Mộc Lương Tử

Chị porter đang rẩy dầu ăn lên bữa tối. Đằng sau chị là phòng tắm quét vân tay đã được nhắc đến trong bài.

Bạch Mộc Lương Tử

Chiều quây quần chờ bữa tối.

Bạch Mộc Lương Tử

Bữa cơm cực chất với lòng lợn Mán.

Ngày thứ ba: Chia tay

Lúc xuống núi lại đơn giản hơn nhiều so với Mit nghĩ, nhẹ nhàng và không mất nhiều thời gian.

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Trên đường xuống núi.

Nhưng có ai ngờ đâu đến chân "Con dốc bỏ cuộc" Mit còn trải qua chuyến xe ôm kinh hoàng chưa từng có.

Đi xe ôm kiểu gì mà đi bộ còn nhiều hơn ngồi trên xe bởi toàn dốc là dốc, xe wave thì yếu, cháu lái xe thì nhỏ thó. Ban đầu còn dọa mình bảo phải bám chặt, okie, mình bám chặt nhưng lao dốc thì cả cô và cháu cứ tụt dần, trôi dần đến hết yên. Cháu lại phải dừng lại để cô và cháu chỉnh yên ngồi. Giờ cô phải bám tay sau càng chống trôi, nhưng mỗi lần cháu lướt qua tấm ván bắc qua khe thoát nước sườn núi, cái ván gì mà to chỉ hơn bánh xe tí, có cái còn bị gẫy gập, cô bảo: Bộ nhé? Cháu không thạo tiếng Kinh không nói không rằng phi qua con ván, mặt cô tái mét, mắt nhắm tịt mặc cho số phận. Nhưng rồi 1 bên là dốc ngược 1 bên là sườn núi, cô nghĩ, có ngã thì ngã vào sườn núi chứ ngã dốc ngược chỉ có toi, thế là cô ngồi theo kiểu lệch người hẳn sang bên sườn núi, chân còn lại giơ lên trời vì dốc cứ trôi tuột người xuống. Thấy không ổn rồi, lại qua mấy tấm ván nữa, lần này cô quả quyết, đập vai cháu: Bộ thôi!!! Cháu dừng xe để cô xuống rồi phi thẳng tít xuống chân dốc. Cô lục tục chạy theo, vừa chạy vừa lẩm nhẩm: Xe ôm éo gì mà chạy bộ theo xe còn nhiều hơn ngồi trên xe. Lại có đoạn sình lầy, chân cô giẫm "Bọp" phát, ngập luôn mắt cá chân, cô thề là cô giữ giày sạch suốt 15km từ đỉnh núi xuống chân núi, ai ngờ hạ sơn chuẩn bị về thủ đô đến nơi mà phút cuối vẫn dính quả sình lầy lẫn phân trâu đến mắt cá chân. Rồi cô lên xe cháu chở tiếp thì gặp mưa, cháu phóng tốc độ kinh hoàng khiến cô thấy người tưng tưng trên không trung như sắp bay khỏi xe, bánh xe thì thấy trẹo hẳn trên đường. Đến khi cháu dừng lại, cô mới biết mình còn sống. Tạ ơn Trời Đất, chuyến xe ôm kinh hoàng chưa từng có đã over! (Lúc đó ước có ai đó quay hay chụp cho mình những tấm ảnh để đời ở đoạn đường này mà ai cũng lo mạng sống của mình nên tiếc là không có!).

Bạch Mộc Lương Tử

Chuyến xe ôm kinh hoàng, mặt chưa hết thảng thốt.

Kết thúc 3 ngày 2 đêm với Bạch Mã Lương Tử quả là kỷ niệm khó quên trong đời, từ giờ những đỉnh Top 4 down là Mit không còn sợ gì hết!

Bạch Mộc Lương Tử

Tạm biệt Bạch Mộc Lương Tử – nơi dẫn tôi đến với Tình Yêu của núi rừng.