Ba quán Việt ‘xuất khẩu’, khách nước ngoài xếp hàng dài cổ

38

Ba quán Việt ‘xuất khẩu’, khách nước ngoài xếp hàng dài cổ

Cafe Giảng – Yokohama (Nhật)

Cà phê Giảng – thương hiệu quen thuộc từ năm 1946 ở Hà Nội – đã vượt qua biên giới Việt Nam, sang đến Nhật Bản năm ngoái. Ở thành phố cảng Yokohama, cách thủ đô Tokyo không xa, một quán cà phê Việt nhỏ bé được khai trương tại khu phố Tàu. Quán được sơn màu vàng, gợi nhớ về những con phố nhuốm màu thời gian ở Hà Nội. Tuy nhiên, để giải thích rõ cho khách hàng ở nước ngoài, bên dưới biển hiệu “Cafe Giảng”, chủ quán còn đề thêm dòng chữ tiếng Nhật và tiếng Anh (nghĩa là “cà phê trứng”). Đây cũng là món đồ uống chủ đạo của chuỗi cà phê Giảng ở Hà Nội suốt vài thập kỷ qua.

Menu chủ đạo của quán là cà phê trứng, cà phê đen, bánh mì Việt Nam. Loại cà phê trứng làm nên thương hiệu của cà phê Giảng được làm từ trứng đánh bông và cà phê, tỏa ra mùi hương thơm, vị béo ngậy, cà phê đậm đà. Tách cà phê trứng và cacao trứng cũng được đặt trong bát nước nóng để giữ ấm cho đồ uống giống như cách phục vụ tại Hà Nội. Ngoài ra, chủ quán còn sáng tạo thêm một số đồ uống độc đáo như cà phê trứng matcha hay bia trứng cũng rất được thực khách yêu thích. Giá một ly cà phê trứng ở Yokohama là 480 yen (khoảng 100.000 đồng), còn set 1 đồ uống và 1 bánh mì là 950 yen (khoảng gần 200.000 đồng). Ảnh: Hamakore.yokohama

Đây cũng là địa điểm đầu tiên của thương hiệu này ở nước ngoài. Quán nằm ngay cổng khu phố Chinatown ở Yokohama. Bạn xuống ga Motomachi chukagai, rồi đi bộ một phút là tới. Đây cũng là địa điểm đầu tiên của thương hiệu này ở nước ngoài, là điểm hẹn của nhiều người Việt ở Nhật. Quán nằm ngay cổng khu phố Chinatown ở Yokohama. Bạn xuống ga Motomachi chukagai, rồi đi bộ một phút là tới.

Cộng cà phê – Seoul (Hàn Quốc)

Tháng 8/2018, cộng đồng người Việt ở Hàn xôn xao vì thông tin Cộng cà phê – một thương hiệu cà phê khác ở Hà Nội – lần đầu đổ bộ sang xứ sở kim chi. Sự xuất hiện của quán cà phê mang sắc xanh quân phục quen thuộc xuất hiện ở thủ đô Seoul sôi động không chỉ thu hút người Việt mà còn khiến nhiều chàng trai, cô gái xứ Hàn đổ xô tới ngay ngày khai trương. Thậm chí, ngày đầu tiên hàng dài khách phải xếp hàng khá lâu mới có được chỗ ngồi. Đến nay, Cộng đã có 2 địa chỉ tại thủ đô Seoul, chứng tỏ sức hút không nhỏ của thương hiệu Việt. Ảnh: KCrush

Thực đơn Cộng ở Hàn được giữ gần như nguyên vẹn so với khi ở trong nước, với các loại đồ uống đặc trưng như cà phê cốt dừa, trà cam quế… Đặc biệt, thực đơn có thêm các loại bánh mì Việt để chiều lòng những người đồng hương xa xứ và cũng để khách Hàn thưởng thức một món ăn mang đậm hồn Việt. Tuy nhiên, giá cả cao hơn đôi chút, một ly cà phê cốt dừa có giá khoảng 6.000 won (khoảng 120.000 đồng). Rất nhiều khách tới đây là những vị khách Hàn từng đến Việt Nam, thậm chí còn đã từng uống cà phê ở Cộng, muốn quay lại để thưởng thức.

Địa chỉ đầu tiên của Cộng mở tại địa chỉ 223-114, Yeonnam-dong, Mapo-gu, Seoul, Hàn Quốc. Cơ sở thứ 2 mới khai trương nằm tại 34–54 phố Itaewon, Yong San, Seoul. Ảnh: KCrush

Phở Thìn

Mới đây nhất là câu chuyện của phở Thìn Lò Đúc khai trương ở Tokyo. Với những người ở Hà Nội, quán phở ở 13 Lò Đúc, mở cửa từ những năm 1970 gian khó, đã trở nên quá đỗi thân thương. Nay, hương vị phở Việt đã xuất hiện ở thủ đô Nhật Bản. Ngay ngày khai trương, quán đã hút khách bất ngờ. Hàng dài khách chờ đợi đến lượt, thậm chí nhiều người chưa kịp tới lượt thì nguyên liệu đã hết. 100 bát được bán hết sau một giờ, ngày thứ 2 nâng lên 150 bát vẫn hết sạch chỉ sau vài giờ.

Quán do một chàng trai Nhật Bản mê hương vị phở Việt mở. Vì quá mê phở Thìn Hà Nội, anh Kenji Sumi đã quyết định nghỉ việc văn phòng và dành ra 3 năm học việc. Ngày khai trương, đích thân ông chủ phở Thìn Lò Đúc là ông Nguyễn Trọng Thìn đã sang Nhật để chế biến và phục vụ khách hàng tại Tokyo.

Phở Thìn Tokyo cũng chỉ bán đúng một món phở bò tái lăn, với giá 840 yen (tương đương 175.000 đồng), nếu gọi thêm rau mùi và trứng chần, khách đều phải trả số tiền lần lượt là 150 yen (khoảng 32.000 đồng) và 60 yen (khoảng 13.000 đồng). Đặc biệt, các loại gia vị, hương liệu, tiêu, ớt đều không đổi so với cửa hàng tại Việt Nam. Ảnh: tri_caphe

Theo Hà Nguyên/Ngôi sao