Ba món cá có tiếng bạn nên thử khi đến du lịch Buôn Mê Thuột
Du khách đến du lịch Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) có thể thưởng thức 3 món ăn được chế biến từ các loại cá dưới đây.
Bánh canh cá dầm
Không phải xứ biển nhưng món bánh canh cá dầm vẫn nổi tiếng ở Buôn Mê Thuột mà bạn không nên bỏ qua. Sức hút của món ăn nằm ở vị nước dùng ngọt, chua cay và những miếng cá thu chắc thịt, thơm nức.
Khi nghe qua cái tên, nhiều người sẽ nghĩ bánh canh nấu cùng với loại cá mang tên “dầm”. Nhưng thử qua mới biết cá trong tô bánh canh là cá thu. Khách thường dầm nát cá ra trước khi ăn nên món có tên như vậy.
Cá được làm kỹ trước khi nấu cùng với nước lèo nên không có mùi tanh khi ăn. Ngoài cá thu là nguyên liệu chính, một tô đầy đủ còn có thêm chả, bao tử cá hoặc giò heo theo yêu cầu của khách. Giá cả cũng vì vậy mà dao động.
Địa chỉ gợi ý: quán ăn trên đường Bà Triệu, Hai Bà Trưng hoặc Lê Thánh Tông.
Cá bống thác kho riềng
Ở Tây Nguyên, cá bống thường thấy ở những ngọn thác. Theo người địa phương, cá cũng chỉ sống được ở môi trường này. Cá bống sau khi mang về và sơ chế sẽ được ướp chút muối để thịt cứng hơn. Sau đó sẽ trộn chung với riềng giã nhỏ.
Người ta thường nấu cá trong những nồi đất, trên ngọn lửa vừa. Khi riềng và cá tỏa mùi thơm ngào ngạt cũng là lúc đầu bếp bắt đầu nêm nếm các loại gia vị cho vừa ăn.
Món này ngon nhất khi ăn kèm với cơm trắng hoặc cơm lam, thích hợp cho các bữa ăn chính. Giá cả cũng dao động tùy theo từng quán ăn, trung bình khoảng 60.000 – 100.000 đồng một suất.
Địa chỉ gợi ý: các quán ăn ở trung tâm thành phố, quán ở thác Krông Kmar – Krông Bông.
Gỏi cà đắng cá cơm
Trái cà có vị đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai và màu xanh sọc đốm trắng. Cà được người đồng bào gọi là Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền, người miền xuôi gọi là cà đắng. Đây là một loại cây dại mọc nhiều trong rừng, thường được đồng bào Ê đê, K’Ho hay Chu Ru mang về trồng trong vườn nhà, có trái quanh năm.
Người dân Buôn Mê Thuột thường dùng trái cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phải kể đến món gỏi với cá cơm.
Cà sau khi hái và rửa sạch sẽ xắt lát mỏng vừa ăn. Để giữ màu trắng và khử bớt vị chát, người ta thường đem ngâm cà trong nước có pha nước cốt chanh. Trước khi móc ruột và tách lấy xương, cá cơm cũng được ngâm trong nước ấm vài phút cho mềm. Sau đó, cá sẽ được rang sơ trên chảo cho dậy mùi.
Hỗn hợp trên sẽ được trộn với nhau cùng với nước cốt chanh. Tùy vào khẩu vị của mỗi người sẽ gia giảm gia vị sao cho vừa ăn. Món sẽ mất ngon nếu thiếu chén nước mắm pha chua ngọt.
Trong không khí se lạnh của núi rừng Tây Nguyên những ngày cuối năm, bạn đừng quên thưởng thức miếng gỏi đậm vị kèm chút rượu cần.
Địa chỉ gợi ý: hầu hết thực đơn của các quán ăn gia đình trong trung tâm thành phố đều có món này.
Theo Di Vỹ/Vnexpress
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com