Ấn tượng với bánh ong hương mật mía ngọt ngào ở xứ Nghệ
Từ lâu, bánh ong thường xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người dân xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Trải qua thời gian, bánh đã trở thành đặc sản, thu hút thực khách các nơi. Bánh ong chỉ với các nguyên liệu làm bánh thông dụng như bột nếp, mật mía, gừng, lạc, dừa khô,… đã tạo nên một món bánh ấn tượng với nhiều tín đồ ẩm thực.
Do cách làm bánh ong không đòi hỏi sự cầu kỳ, kết hợp cùng hương thơm ngào ngạt tỏa ra trong quá trình nấu bánh, nên loại bánh này luôn được nhiều thực khách khắp nơi “săn đón” khi ghé đến xứ Nghệ. Với người dân địa phương xã Diễn Thái, bánh ong được xem như món ngọt để dâng ông bà, tổ tiên thưởng thức.
Để làm nên món bánh ong, mật mía, trước hết lúa nếp mang hấp chín, phơi khô rồi xay thành bột thật mịn. Về phần lạc, chọn những hạt mẩy, rang vàng rồi tách vỏ lụa, vừng trắng rang vàng, gừng tươi cạo vỏ, giã nhỏ.
Sau khi lạc đã rang chín, sẽ được nấu sôi lên rồi cho bột nếp đã nghiền mịn vào. Đặc biệt trong quá trình cho bột vào nồi đang sôi, người làm bánh phải liên tục đảo đều tay để mật, lạc và bột được hòa quyện vào nhau. Việc đảo bột này diễn ra khá lâu và vất vả.
Khi tất cả đã tạo thành hỗn hợp đặc sệt, quyện chặt vào nhau thì cho ra mâm, để sẵn hạt vừng trắng đã rang vàng. Để bánh ong dậy mùi, người làm bánh thường cho thêm gừng tươi giã nát hoặc dừa bào sợi. Hương vị độc đáo của bánh ong nhờ sự kết hợp của nước gừng tươi cùng với mùi thơm bùi của lạc và bột gạo nếp rang. Những lát bánh ong thành phẩm trông vuông vắn, có nhân lạc trắng ngà đầy hấp dẫn. Khi thưởng thức bánh, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm bùi của tinh bột nếp, của lạc và cái vị cay nồng của gừng. Thông thường, bánh ong chỉ sử dụng được trong vòng 5 – 7 ngày sau khi ra lò và hoàn toàn không có chất bảo quản.
Xem thêm bài viết:
Các đầm sen xứ Nghệ giữ chân thiếu nữ giữa trời hè