1. Bún bò
Bún bò Huế, hay tên gọi dân dã hiện nay là món “bún bò”, là một trong những đặc sản xứ Huế nhưng hiện nay, bạn dễ dàng tìm thấy món ăn này ở bất kỳ tỉnh thành nào ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Nam. Với thành phần chính làm nên nước dùng là nước hầm thịt và một chút mắm ruốc, món ăn có hương vị rất riêng, đã nếm thử một lần là yêu mãi về sau.
Ở Bún Bò Gánh có đầy đủ các món ăn của xứ Huế @glamwithtrish
Ngoài bún, một bát bún bò Huế đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ gồm thịt bắp bò, giò heo, thịt heo, chả cua, chả tôm và các loại rau sống ăn kèm. Có thể thấy, khi bắt đầu một ngày làm việc bằng bát bún bò “chất lượng” như vậy là đã đủ năng lượng hoạt động. Bún bò cho thêm vào một chút ớt bột, nước mắm và bắp chuối thái mỏng là đã tròn vị.
2. Bún mắm
Bún mắm là một trong số các món ăn đặc sản của miền tây Nam bộ Việt Nam. Bún mắm thường được nấu bằng mắm cá linh hay cá sặc, đây là các loại cá có nhiều tại miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Bún mắm là một món ăn dân dã và được chế biến đơn giản, thường xuất hiện trong những bữa ăn nhanh.
Bún mắm có mùi vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu được. @hetagram_._
Tuy giản đơn, dễ làm nhưng một bát bún mắm cũng đầy đủ các món ăn kèm cực chất lượng như thịt heo quay, tôm, mực, cá, chả cá. Chính vì thế, ngày nay, bún mắm không chỉ là một món ăn nhanh nữa mà là một bữa ăn trọn vẹn, đầy đủ trong ngày.
3. Cơm tấm / cơm sườn
Đến Sài Gòn dạo chơi mà không biết ăn gì thì nhất định phải nhớ ngay đến cơm tấm. Một món ăn dễ dàng được bắt gặp ở mọi con hẻm, ngõ phố với mọi loại giá từ rẻ đến đắt đều đủ.
Cơm tấm là bữa ăn sáng quen thuộc của người Sài Gòn. @cutegreenapple
Đĩa cơm tấm “truyền thống” với sườn nướng, bì, chả, trứng ốp la thường được chọn làm bữa ăn sáng phổ biến của người miền Nam, nhưng nay cơm tấm đã có ở một số quán ăn trưa, chiều hoặc cơm tấm khuya với nhiều loại thức ăn kèm vô cùng phong phú. Khi ăn cơm tấm, nhất định phải chan thêm nước mắm dù rằng thịt đã tròn vị nhưng nếu thiếu đi loại nước chan đặc biệt này, món ăn sẽ thiếu phần hấp dẫn.
4. Phá lấu
Một trong những món ăn vặt “khoái khẩu” của giới trẻ Sài Gòn nhất định không thể kể thiếu món phá lấu. Nhắc đến phá lấu, bất kỳ người Sài Gòn nào cũng sẽ nhớ ngay đến những chiếc ghế đẩu xanh, đỏ đặt trên lề đường và các cô cậu học trò trong màu áo trắng ngồi hì hụp bên chén phá lấu ngon lành.
Có rất nhiều địa chỉ phá lấu cho bạn thưởng thức. @hlk_vy
Món phá lấu thực chất chính là bộ lòng heo sau khi được ướp đầy đủ hương vị, cho vào nấu trong nước cốt dừa, nêm nếm sao cho vừa vị là đã dùng được rồi. Nghe thì có vẻ đơn giản như thế nhưng để làm sao cho ngon, cho vừa miệng thì quả là không dễ dàng chút nào. Các món ăn kèm với phá lấu có thể là bánh mì hoặc mì gói.
5. Bò né
Bò né là một món ăn sáng phổ biến và rất được yêu thích ở Sài Gòn. Món thịt bò mềm, nóng hổi, thấm đều với nước xốt cà chua đậm đà, thêm quả trứng ốp la là đầy đủ năng lượng để khởi đầu một ngày mới.
Món ăn quen thuộc của người dân thành phố. @itschefgiang
Điều đặc biệt ở món ăn này chính là chữ “né”. Thịt bò được phục vụ nóng ngay trên chiếc chảo gang chuyên dụng làm chín thức ăn và khi đưa ra bàn vẫn còn tái nên dầu sẽ bắn ra khi đem ra bàn. Khi đó, thực khách muốn ăn phải “né” dầu bắn nên mới có tên gọi là bò né. Bò né thường được ăn kèm bánh mì cùng nước tương, tương ớt tùy vào khẩu vị mỗi người.
6. Hủ tíu bò kho
Hủ tíu hay bánh mì với bò kho là món ăn quen thuộc ở Sài Gòn, nhất là vào bữa sáng. Điều đặc biệt ở món hủ tíu bò kho chính là nước dùng. Nước dùng không đầy bát cũng như không lỏng như món hủ tíu khác mà nước bò kho chỉ lưng chừng bát, có hơi sệt và sậm màu.
Bát hủ tíu bò kho ngon lành. @thiennga.ne
Bò dùng để kho phải là phần bò có cả nạc và gân, mỡ, được thái thành khối, không phải thái mỏng. Một bữa bò kho đầy đủ phải gồm bát bò kho, rau sống cùng chén chanh muối ớt rang ngon khó cưỡng.
7. Bánh mì
Bánh mì thịt không chỉ nổi tiếng trong lãnh thổ Việt Nam mà còn xuất hiện trên bản đồ thế giới với danh xưng cũng mỹ miều vô cùng – là một trong “những món ăn đường phố ngon nhất thế giới”. Quả thật vậy, món bánh mì kẹp thịt, hoặc kẹp chả, những tưởng bình dị lại ẩn chứa những sức hấp dẫn khó chối từ.
Bánh mì thơm phức với những miếng thịt nướng. @Internet
Miếng bánh mì nóng hổi giòn rụm, khi ta cắn vào lại cảm nhận được cái mềm mại của thịt, của chả trong miệng, lúc nhai lại càng lý thú. Hương vị của những thành phần có trong một ổ bánh mì hòa quyện lại như một bản nhạc giao hưởng của ẩm thực.
8. Bún chả
Với những ai sành ăn, bạn sẽ khá bất ngờ khi phải đến Sài Gòn để thưởng thức món bún chả – thứ quà đậm vị và nét tinh tế của con người Hà Nội. Người Sài Gòn thường nhận xét rằng món bún chả thật ra có nhiều nét tương đồng với món bún thịt nướng thường thấy trong Nam, nhưng chính những điểm khác biệt mới làm nên hai món ăn cũng đều hấp dẫn và đặc biệt.
Cùng thưởng thức một món ăn ngon Sài Gòn có nguồn gốc từ Hà Thành nào. @nofoodphobia
Một phần bún chả gồm có: Bát bún, thịt heo nướng, chả viên (làm từ thịt ba chỉ, thịt nầm) ăn kèm với bát nước mắm to có vị thanh, ngọt cùng các loại rau sống. Bún chả thường được ăn vào bữa trưa và bữa tối do cách ăn khá cầu kỳ, cần nhiều thời gian thưởng thức.
9. Bánh bột lọc
Ngoài bún bò Huế, bánh bột lọc xuất xứ từ Huế cũng rất được người Sài Gòn ưa chuộng, đặc biệt là trong các bữa ăn sáng hoặc ăn xế chiều. Chiếc bánh bột lọc với lớp bột màu trắng đục, bên trong là nhân tôm, cùng thịt bằm và tất cả được gói ghém kỹ lưỡng trong lớp lá chuối xanh mơn mởn. Khi ăn, phải ăn kèm với nước mắm tự pha. Có thể nói, đây là một món ăn trọn vẹn sắc – hương – vị vô cùng hấp dẫn.
Bánh bột lọc là món ăn đậm đà hương vị xứ Huế. @quadacsan
10. Lẩu dê & vú dê nướng
Lẩu dê và vú dê nướng có thể gọi là hai món “đặc sản” của các quán nhậu ở Sài Gòn. Đã gọi là đi ăn nướng buổi tối thì phải gọi ngay một dĩa vú dê nướng mới đúng điệu dân “ăn chơi” Sài Thành được.
Lẩu thịt dê – Một món "nhắm" cùng bia đặc biệt của dân Sài Gòn. @tieu.phung22
Miếng thịt dê được ướp kỹ lưỡng, nướng trên vỉ thơm lừng, chấm qua một lần chao rồi cảm nhận cảm giác “sực sực” khi ăn với rau sống, quả thật là mỹ thực nhân gian. Nếu bánh mì nhất định phải có pa-tê thì cũng giống như vú dê nướng phải có lẩu dê vậy – một cặp bài trùng tuyệt hảo!
Các món dê luôn hấp dẫn thực khách. @nguyenkhoa.minhtung
11. Bún riêu cua
Bún riêu cua là một món ăn truyền thống Việt Nam, vô cùng phổ biến, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết đến món ăn này. Như tên gọi, thành phần chính của bún riêu chính là riêu cua được nấu từ gạch cua băm nhuyễn, trộn chung với trứng và nấu thành riêu, hoặc chả riêu. Nước chấm phổ biến của bún riêu là mắm tôm, giúp tăng thêm vị đậm đà của nước lèo và các món rau ăn kèm. Các thành phần khác của bún riêu đều mát, ăn nhẹ bụng như đậu hũ, cà chua, nên món ăn có vị chua thanh, đặc biệt mang lại cảm giác mát lành, nhẹ người khi ăn vào mùa hè nên rất được người Sài Gòn ưa thích.
Bún riêu là món ăn dân dã của người miền Nam. @veryhangrysoul
Ngày nay, nhờ vào những biến tấu rất sáng tạo của người nấu cũng như dung hòa với xu hướng ăn uống của giới trẻ, ngoài món bún riêu cua đơn giản truyền thống thì bạn có thể thưởng thức thêm món bún riêu ốc (ốc ở đây chính là ốc bươu chấm với nước mắm), bún riêu bạch tuột,…
Bún riêu ốc là một trong những biến tấu “ngon lành” nhất của món bún này. @yensplate
12. Các món ốc
Đến thăm thú Sài Gòn mà chưa một lần ngồi trong quán xá để ăn ốc thì đã phí nửa chuyến đi đó rồi. Nghe nói vậy, hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên vì Sài Gòn đâu phải là một thành phố biển, cũng không nổi tiếng với các món ốc đặc trưng vậy thì tại sao nhất định phải ăn ốc? Có thể nói chỉ vì một lý do, đó chính là người Sài Gòn rất biết cách hưởng thụ những điều tốt nhất có thể. Việc ngồi ăn ốc ngoài việc thưởng thức những dĩa ốc ngon lành, tươi sống được chế biến đa dạng và hấp dẫn thì cảm giác ngồi ăn, trò chuyện cùng bạn bè, ngắm phố xá chính là điều làm nên một "văn hóa lễ ốc" của người Sài Thành.
Đến Sài Gòn là phải một lần cùng đám bạn la cà các quán ốc, vừa “lễ” ốc vừa nói chuyện, đó mới là cái thú của món ăn này. @trangnhimtron
Ốc làm được nhiều món ngon “hú hồn” luôn nhé. @mitsfoody
Ốc bươu hấp xả. @wiibi_bi
Ốc xào bơ. @wiibi_bi
13. Sủi cảo
Sủi cảo không phải là một món ăn "chuẩn" Sài Gòn mà thật chất du nhập từ Trung Quốc, nhất là khi có nhiều người Hoa vào Sài Gòn sinh sống. Chính vì thế mà ta có thể thưởng thức một nền ẩm thực Trung Hoa vô cùng đa dạng, ngon miệng bạn nhỉ! Và một trong số đó chính là món ăn này đây. Sủi cảo thoạt nhìn giống hoành thánh nhưng vẫn khác nhau ở nhiều điểm.
Sủi cảo tuy không phải là món ăn gốc Việt nhưng rất được ưa chuộng ở Sài Gòn. @hy.cao
Điểm khác biệt đầu tiên và dễ dàng nhận thấy chính là kích thước, sủi cảo lớn và được xếp dạng như bánh xếp hình tam giác. Khác thứ hai chính là khác ở nhân. Nếu hoành thánh là nhân thịt heo xay thì sủi cảo nhân chủ yếu là thịt xay cùng với tôm để nguyên con, không xay nhuyễn; nhờ thế mà giữ được độ tươi của tôm cũng như cảm giác từng thớ thịt tôm chắc khi nhai vẫn thích thú hơn nhiều.
14. Súp cua / Súp óc heo
Súp cua, súp óc heo là một món ăn vô cùng tiện lợi ở thành phố này. Từ sáng đến tối, bạn ăn món này bất kỳ lúc nào cũng thích hợp vì súp rất dễ ăn, lại giàu chất dinh dưỡng tùy thuộc vào "topping" của chén súp và cực kỳ dễ nấu. Ban đầu khi món ăn này xuất hiện, bạn có thể chọn súp cua hoặc súp óc heo ăn cùng với trứng gà khuấy, trúng cút, đây là các loại cái phổ biến nhưng ngày nay, bạn có thể ăn nhiều loại cái mà bạn thích như tôm nguyên con, thanh cua, bắp, trứng trần, hột vịt bắc thảo,…
Một chén súp thập cẩm thế này là món ăn ngon Sài Gòn trứ danh luôn đấy! @maryderoux
15.Dừa tắc
Nếu sữa tươi là thức uống gắn với tuổi thơ của nhiều bạn trẻ Sài Gòn thì dừa tắc nhất định chính là thức uống thứ hai đấy. Nhớ mỗi giờ nghỉ trưa, các bạn học sinh thường ùa ra trước cổng trường, tìm cho mình một hàng dừa tắc và gọi hẳn 2 ly để giải khát. Vậy thì thức uống này có gì hấp dẫn đến như vậy? Dừa tắc chính là nước dừa xiêm ngọt mát được thêm vào nước tắc chua thanh để cân bằng lại vị. Tuy không có trân châu như các món trà sữa, dừa tắc lại được uống kèm với những lát thơm, những miếng cơm dừa, nhai cũng rất vui miệng.
Sài Gòn đúng là nơi ra đời của những món ăn vặt thật "độc". @todayseoeat
16.Xiên chiên / nướng
Vào buổi tối, nếu bạn hỏi rằng giới trẻ Sài Gòn thường đi đâu, bạn nhất định sẽ nghe họ bảo rằng "Đi ăn nướng!" Quả thật vậy, đây không chỉ là món ăn yêu thích nhất nhì Sài Thành mà còn là một hoạt động nhóm thú vị dành cho các nhóm bạn. Dù trời nóng, hay trời lạnh, cảm giác ngồi bên cạnh lò nướng than nghi ngút, "hấp thụ" hương thịt nướng, đậu bắp nướng và trò chuyện với lũ bạn trong lúc chờ thịt chín quả là một buổi tối thú vị. Đặc biệt, Sài Gòn còn có những quán xiên nướng đồng giá 5.000 VND / xiên cực hấp dẫn, là điểm nhấn giữa các quán nướng ở Sài phố.
Những xiên que nướng rất tiện lợi. @linhchimm
Ngoài nướng, các xiên chiên ăn vặt như cá viên chiên, bò viên chiên cũng là một món ăn ngon Sài Gòn ưa thích. Buổi tối mà cùng nhóm bạn đi ăn xiên nướng / chiên đảm bảo không lầm!
17. Bột chiên
Bột chiên là một món ăn no hoặc ăn vặt quen thuộc của dân Sài Gòn, nhất là còn khi ở độ tuổi học trò vì đây đúng nghĩa là một món ăn ngon – bổ – rẻ, dễ ăn và dễ tìm thấy ở trước cổng của bất kỳ một trường học nào. Và đúng như tên gọi của mình, món ăn này là bột được xắt thành từng khoanh hình chữ nhật dài và chiên lên với hành. Khi xếp ra dĩa thì bỏ lên trên một chút đu đủ chua, chan nước tương, bỏ thêm tí ớt là đã hoàn thiện một dĩa bột chiên ngon không thể cưỡng lại.
Những đĩa bột chiên rất quen thuộc với giới học trò. @statesidesea
Theo thời gian, ngày nay món ăn ngon lành này được biến tấu thêm nhiều cách mới lạ như cho vào các "topping" như trứng, patê, tốp mỡ,… Nhìn chung, vẫn nhằm tôn lên vị thơm ngon của phần bột chiên. Món ăn này phải được ăn nóng liền tại chỗ mới cảm nhận được độ giòn rụm, dậy mùi của các hương vị nên khuyến khích các bạn đến tận quán ăn, không nên đặt giao hàng để đảm bảo độ "xuất sắc" của phần ăn.
18. Bắp xào
Lại thêm một món ăn "cách làm như tên gọi" – đơn giản mà vẫn "hút hồn" được biết bao tâm hồn ăn uống. Chưa bàn về hương vị, bắp xào hấp dẫn từ ngoại hình của mình. Một màu vàng ươm của bắp được trộn lẫn với chút xanh tươi của hành lá, chút đỏ gạch của tôm khô, của ruốc thật hài hòa như một tác phẩm nghệ thuật. Nói thế thật sự không ngoa, vì bạn có thể "thưởng lãm" tác phẩm này ở bất kỳ đâu, từ các vỉa hè cho đến các hàng quán, nhà hàng sang trọng. Độ phủ sóng của món ăn này lan rộng thế là nhờ vào mùi hương dễ chịu, không kén người ăn cũng như vì… dễ làm.
Nhắc đến ăn vặt thì làm sao bỏ quên được món bắp xào cơ chứ. @bonbonheo85
19.Gỏi cuốn / Bò bía
Nếu buổi chiều có lỡ đói bụng mà ăn vặt thì không "sướng", ăn no thì không còn bụng để dành cho bữa tối, thì hãy nhớ ngay đến những chiếc gỏi cuốn tôm, lạp xưởng xinh xắn này. Món ăn truyền thống này của Việt Nam đã từng xuất hiện trong Top 50 món ăn ngon nhất thế giới vào năm 2011. Như vậy cũng đủ chứng minh được độ ngon và hấp dẫn của món ăn này, không chỉ đối với dân Sài Gòn chúng mình mà còn cả với du khách nước ngoài.
Thưởng thức món gỏi cuốn tại Sài Gòn. @Internet
Ngoài gỏi cuốn tôm thịt vô cùng quen thuộc ở ba miền thì trong Sài Gòn còn có một món ăn gọi là "Bò bía" hoặc "Bò Pía". Sự khác nhau về tên gọi thật ra là do đây không phải món ăn truyền thống của Việt Nam mà xuất phát từ Triều Châu, Trung Quốc. Món ăn này cũng có phần giống với gỏi cuốn do cũng là bánh tráng cuốn nhân và chấm nước tương. Tuy nhưng, phần nhân bên trong của 2 món ăn này có khác biệt đôi xíu.
Bò bía là thức quà vặt yêu thích của nhiều người dân Sài Gòn. @cooky.vn
Trong nhân bò bía thì thành phần chính không phải là thịt bò đâu bạn nhé, mà là củ sắn xắt hạt lựu cùng các thành phần khác như củ dền, cà rốt, rau thơm, tôm khô, lạp xưởng,… Nghe thì có vẻ lạ đấy nhưng đảm bảo ăn vào sẽ ngất ngây, nhất là khi ăn cùng món tương trộn đậu phộng và ít đồ chua. Bò bía còn có một biến thể khác chính là bò bía ngọt với nhân gồm kẹo mạch nha ăn với mè, cơm dừa thái sợi.
20. Các món kem
Chà, sau khi "đánh chén" những món ăn nóng hổi có, nguội có vậy thì điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình 30 món ăn ngon Sài Gòn của chúng ta phải là một món lạnh để dung hòa lại vị giác rồi. Và còn món nào ngon hơn kem được chứ? Tuy không nổi tiếng về các món kem đặc trưng của thành phố nhưng Sài Gòn lại may mắn có rất nhiều thương hiệu kem nổi tiếng hay hàng quán kem "nhà làm" tụ về đây.
Kem chính là món ăn ngon Sài Gòn giải nhiệt hè đúng chuẩn nhất. @vymee
Nhìn chiếc hoa này có ai nỡ ăn không nào? @monster_quang
Vào khoảng đầu năm 2017, Sài Gòn tự hào có một quán kem gọi tên làKem Công Trườngngay gần Hồ Con Rùa là điểm đến yêu thích của mọi người dân Sài Gòn, nhất là những phụ huynh vì quán kem này đã tồn tại đã ngút ngót hơn 30 năm rồi.Tuy nhiên, bây giờ quán kem đã đóng cửa và trở thành một phần ký ức đầy tiếc nuối của người dân Sài Gòn. Nhắc đến "ký ức" thì có một món kem cũng là một phần tuổi thơ của nhiều người, đó chính là món bánh mì kem.
Bánh mì kem là món ăn tuổi thơ của khá nhiều bạn ở Sài Gòn mà bạn nên thử khi đến đây! @xekembeba
Hiện nay, rất khó để bắt gặp được một xe kem bánh mì đúng như hồi xưa khi các chú đẩy xe cứ đánh tiếng chuông leng keng đi khắp ngõ này sang phố nọ để rao cho những đứa con nít trong xóm. Tuy thế, các bạn trẻ Sài Gòn vẫn có thể được sống lại một phần ký ức này bằng những xe kem bánh mì tự chế ngày nay, điển hình là xe kem củaXe kem Bé Ba đây.
Món bánh macaron kẹp kem vô cùng “ngon mắt” và ngon miệng này chính ở quán Hi Macaron. @utcunggg
Kem trộn chung với yogurt lạ đấy, nhưng ăn cũng ngon vô cùng. @leuyen
21. Gỏi khô bò
Gỏi khô bò, hay còn gọi là món nộm bò như cách gọi ngoài Bắc, là một món ăn vặt trứ danh của vùng đất Sài Thành. Và điều đặc biệt là, món gỏi này không chỉ thu hút các bạn trẻ đâu, nếu bạn đến khu công viên Lê Văn Tám để thưởng thức món ăn này, bạn nhất định sẽ thấy có cả những cô chú tầm trung niên cũng mê mẩn món ăn này không thua gì lớp trẻ. Món gỏi này "hút" nhất là ở nước trộn gỏi – một thứ nước chua chua, ngọt ngọt, thơm mùi rau quế, cay lưỡi với chút ớt xay. Một món ăn cay, chua, ngọt, mặn đều đủ cả vậy thì hỏi sao không làm người thực khách ghiền cho được.
Gỏi khô bò có thể tìm thấy tại nhiều địa chỉ tại thành phố. @tahy_foodie
22. Trà sữa
Nói đến trà sữa thì Sài Gòn phải gọi là nơi "tung hoành" yêu thích của các thương hiệu trà sữa. Bạn dễ dàng bắt gặp trà sữa ở bất kỳ một con đường nào tại trung tâm Sài Gòn mà tất cả vị của chúng đều ngon lành như nhau cả nhé. Nếu muốn tham khảo danh sách các thương hiệu trà sữa trứ danh ở Sài Gòn thì xem ở . Ở Sài Gòn còn có các loại trà sữa nhà làm cũng nổi tiếng không kém gì các thương hiệu đã có tiếng nhiều năm đâu. Dưới đây sẽ là địa chỉ tham khảo của các quán trà sữa nhà làm đang được các bạn trẻ Sài Thành tin tưởng.
Đến Sài Gòn mà chưa thưởng thức món “đặc sản” trà sữa thì quá uổng. @phanny.mean
23.Bánh tráng nướng
Tuy rằng trong không khí luôn nóng nực ở Sài Gòn thì việc thưởng thức một chiếc bánh tráng nướng nóng hổi có vẻ không "ăn nhập" gì với nhau lắm nhưng điều đó không có nghĩa là giới trẻ Sài Gòn không yêu thích món ăn này. Đây là một món ăn vặt tiện lợi, dễ làm, dễ ăn và cũng dễ tìm thấy. Nhất là trước cổng trường học vào mỗi giờ tan chiều, đảm bảo bạn sẽ thấy các xe bánh tráng nướng luôn bận rộn làm nóng bếp lò chờ học sinh tan.
Bánh tráng nướng với nhiều hương vị. @holinhchi
Du khách thường kháo nhau rằng muốn ăn bánh tráng nướng kiểu Sài Gòn thì nhất định phải đến khu Cao Thắng, quận 3, bắt chiếc ghế đẩu xanh đỏ ngồi trên vỉa hè và đợi ăn thì mới đúng chuẩn dân Sài Thành nhé. Và họ nói không sai. Món "pizza Việt Nam" này không phải cứ vào hàng quán ăn mới gọi là ngon đâu mà cái ngon ở Sài Gòn chính là việc thể hiện cái đờitrong mỗi món ăn. Ngoài khu vực vỉa hè này, bạn cũng có thể đến vỉa hè ngay góc giữa Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế tầm từ sau 17 giờ để thưởng thức món ăn này.
24.Sữa tươi
Ăn bánh tráng xong có tí khô họng thì đi uống sữa tươi bạn nhé! Sữa tươi có vị béo, ngọt dịu, không gắt họng được ướp lạnh nhất định sẽ là thức uống ngon lành, bổ dưỡng cho một ngày nóng trời ở Sài Gòn. Ở thành phố này, khi bạn nói rằng muốn đi uống sữa tươi, đảm bảo rằng tất cả mọi người đều chỉ bạn ra 2 địa điểm. Thứ nhất, đường Trần Đình Xu. Địa điểm thứ hai chính là sữa tươi Mười ở đường Phùng Khắc Khoan.
Tuy không nổi tiếng về các thương hiệu sữa nhưng Sài Gòn vẫn có thức “uống vặt" sữa tươi rất thú vị. @aiiimyyy
25. Chè
Món ăn vặt, tráng miệng yêu thích của các bạn nữ là đây rồi. Dân miền Nam thì hiển nhiên sẽ có khẩu vị ngọt hơn một chút so với hai miền còn lại, điều đó thể hiện rất rõ qua các món chè – một món ăn ngon Sài Gòn điển hình. Bạn thích món chè thế nào, Sài Thành luôn sẵn sàng đáp ứng A-Z. Từ các món chè đặc trưng như chè đậu nước cốt dừa, chè bà ba, chè chuối bột báng, chè đậu xanh rong biển,… cho đến những món chè Tàu cầu kỳ, thanh đạm của người Hoa cũng không thiếu, phù hợp mọi khẩu vị khác nhau.
Sài Thành có nhiều loại chè thơm ngon hảo hạng. @ngocsfood
Đi đâu chi bằng đi… ăn chè. @rustokitchen
26. Chuối nướng
Chuối nướng, hay còn gọi là chuối nếp nướng, là một món ăn dân dã, trải dài từ các tỉnh Nam ra Bắc Bộ. Điểm thu hút ở món ăn này chính là vị ngọt bùi, ấm nóng của trái chuối nếp sau khi được nướng lên. Các món chuối nướng phổ biến bạn có thể dễ dàng tìm thấy chính là chuối nướng trần hoặc cuộn trong lá chuối để dậy mùi lá tươi, bánh chuối nướng và chuối nướng ăn kèm với nước cốt dừa cùng các loại "topping" khác như ăn chè.
Chuối nướng là một món ăn tuy không mới nhưng vẫn có rất nhiều sức thu hút. @susu.hn
Một phần chuối nướng phủ nước cốt dừa ăn vô cùng ngậy và dậy mùi, rất thơm luôn. @vietnamesegod
Dù trời nóng hay lạnh, ăn chuối nướng vẫn là nhất! @tutulili618
27. Bánh xèo
Bánh xèo là một món bánh phổ biến và rất được ưa thích ở Sài Gòn. Tên gọi của món ăn cũng rất thú vị. Sở dĩ có chữ "xèo" trong tên bánh là do khi đổ bột lên chảo nóng, phần bột tạo ra một âm thanh "xèo" và chín liền ngay đó, tỏa hương thơm ngào ngạt hấp dẫn nên mới được gọi là bánh xèo. Một món bánh xèo ngon là do ngon ở phần bột được chiên có giòn hay không, bột bánh có bở hay quá dày hay không. Có hai loại chiên bánh là chiên bánh giòn, và chiên bánh dẻo. Tùy vào sở thích của mỗi thực khách mà bạn có thể đặt chiên như vậy.
Đặc sản bánh xèo. @janjan5
Tiếp theo, cái ngon thứ hai là ngon ở phần rau ăn kèm. Phần bánh nóng hổi khi được cuộn trong rau sà lách, rau diếp cá tươi sống, mát lạnh thì ngon gì bằng! Và cái ngon cuối cùng mới là loại nhân bạn chọn. Các loại nhân phổ biến của bánh xèo là giá (đỗ), tôm thường để nguyên vỏ, thịt heo. Nếu là nhân hải sản thì sẽ có tôm, mực. Tất cả cùng chấm trong nước mắm ngọt thì quả là mỹ thực nhân gian.
Bánh xèo cuốn rau, chấm nước mắm mới là cách ăn “sành điệu” nhé. @nghigetsanotherplate
28. Bánh tráng trộn / Bánh tráng cuộn
Một món ăn mà "đợi mãi" mới thấy xuất hiện là đây. Bánh tráng trộn phải gọi là "ngôi sao hạng A" trong tất cả các món ăn vặt yêu thích của giới trẻ Sài Gòn. Một món ăn vặt đơn giản, không cầu kỳ, dễ tìm thấy ở tất cả các hàng gánh, đặc biệt là các gánh hàng rong gần trường học, vậy mà cũng đã "chiêu mộ" được kha khá các tín đồ trung thành từ đủ mọi lứa tuổi đấy.
Trở về tuổi thơ với bánh tráng trộn. @shizi.lifestyle
Có những phần chất lượng và đẹp mắt thế này đây. @bobaislandhouston
Nhắc đến bánh tráng trộn mà quên đi người anh em bánh tráng cuốn thì quả là một sai lầm nghiêm trọng. Món ăn này cũng được rất nhiều bạn trẻ Sài Gòn "chọn mặt gửi vàng" trong những lúc đói bụng và… kinh phí thấp nữa đấy. Món ăn này thường đi chung với nước sốt me, sốt mayonnaise, đậu phộng, khô bò, vô cùng hấp dẫn đúng không nào?
Bánh tráng cuộn sốt vạn người mê. @_nymmm
29. Bánh khọt
Phần bột được chiên giòn ở bề mặt đáy, phần trên để vừa chín tới để còn giữ được độ béo của bột, đặt lên trên 1 con tôm, rắc 1 ít bột tôm khô giã nhuyễn cho màu sắc thêm hấp dẫn và chút mỡ hành. Bẻ vài nhánh rau xanh mướt mà, nhón lấy một chiếc bánh vàng ươm, thêm một đũa đồ chua rồi chấm ngập tất cả trong chén nước chấm. Tất cả tạo thành một bản hòa ca tuyệt vời của mỹ thực.
Một đĩa bánh khọt 9 cái vừa đủ 1 người ăn. Bánh ráo dầu, vỏ giòn tan không ngờ, thêm con tôm bóc vỏ e ấp dưới lớp hành xanh làm bụng dạ cũng réo liên hồi.
Địa chỉ tham khảo:
30. Nước sâm
Và chúng ta đã đến món ăn ngon Sài Gòn trong chuyến hành trình quyết tâm "ăn sạch" Sài Gòn rồi! Để kết thúc chuyến đi ẩm thực này, tôi sẽ giới thiệu một thức uống quen thuộc, nhẹ bụng và có khả năng làm giải khát cực tốt – nước sâm. Vốn dĩ đã quá nổi tiếng nên không cần mô tả dài dòng về thức uống này. Vậy thì tại sao ly nước sâm quá đỗi giản đơn thế này lại nổi tiếng ở Sài Gòn đến thế? Có thể là do ở Sài Thành chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa… nóng hơn nên một ly nước sâm đá ngọt lành, mát dịu như dòng suối tưới mát cả tâm hồn mới gây được nhiều yêu thương thế ở thành phố này.
Giải khát trong những ngày hè với nước sâm mát lạnh. @dichoi