Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hàng chục công nhân các xưởng sản xuất khác nhau ở TP.HCM phục vụ Đường hoa Nguyễn Huệ đang tất bật hoàn thiện các mô hình linh vật với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Ngày 15-1, tại xưởng trang trí ở xã Hiệp Bình Chánh, nơi chế tác “Nàng Tỵ”, một trong những nhân vật chính trên Đường hoa Nguyễn Huệ, “nhan sắc, hình dáng” của nàng Tỵ đang dần dần hiện ra.
Được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, “nàng Tỵ” đạt kích thước ấn tượng với chiều dài hơn 50m, cao hơn 10m. Công trình này là một trong những điểm nhấn nổi bật, mang thông điệp vừa truyền thống vừa hiện đại, thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày.
Theo anh Thế Bình – đại diện đơn vị thiết kế và thi công, công trình mất hơn 40-50 ngày để hoàn thiện với sự tham gia của hơn 50 nhân công. “Chúng tôi phải đảm bảo mọi chi tiết từ thần thái đến hình dáng linh vật đều đạt được sự cân bằng giữa tính nghệ thuật và sự thân thiện,” anh Bình chia sẻ.
Điểm đặc biệt của tượng rắn năm nay là phần thiết kế khuôn mặt. Để tránh cảm giác dữ tợn, đôi mắt và chân mày được tinh chỉnh tỉ mỉ, tạo nên vẻ uy nghiêm nhưng không quá dữ.
“Bản chất của con rắn thường dễ khiến người ta cảm thấy khó cảm tình. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào việc làm sao để linh vật trông dễ mến và gần gũi hơn với mọi lứa tuổi” – anh nói thêm.
Khi được hỏi về áp lực cạnh tranh với các địa phương khác, anh Bình cho biết: “Điểm nhấn của tượng rắn nằm ở việc đội nón lá và khoác khăn rằn, hai hình ảnh quen thuộc với người dân miền Tây. Đây là cách để tôn vinh văn hóa Việt Nam và tạo nên sự khác biệt so với các linh vật truyền thống trước đây.
Ý tưởng thiết kế linh vật rắn bắt nguồn từ sự phối hợp giữa nhiều đơn vị, trong đó một công ty thiết kế đã dành hơn 6 tháng để hoàn thiện bản phác thảo. Sau khi được thẩm định kỹ lưỡng, công trình chính thức bước vào giai đoạn thi công, với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và đội ngũ giàu kinh nghiệm.
Với công trình này, TP.HCM không chỉ đặt mục tiêu thu hút du khách mà còn khẳng định vai trò là trung tâm sáng tạo văn hóa của cả nước.
Theo ghi nhận, các sản phẩm linh vật chủ yếu được làm từ hai loại chất liệu là xốp và nhựa composite dưới sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử được số hóa. Với những linh vật có kích thước lớn, máy in 3D sẽ tạo ra từng bộ phận, sau đó dán lại thành tổng thể.
Theo công bố của ban tổ chức, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 được chia thành ba phân đoạn gồm “Kết đoàn”, “Chuyển mình” và “Phát triển”, tái hiện những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam. Công trình sử dụng khối lượng lớn hoa tươi, với tổng số ước tính lên đến 109.000 giỏ thuộc nhiều chủng loại khác nhau.
Đường hoa kỳ vọng mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước. Ban tổ chức cho biết đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu thiết kế, thi công đến các hoạt động văn hóa và nghệ thuật.