Tọa đàm định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 30-11 tại thành phố Cần Thơ.
Ông Dũng chia sẻ sáng 30-11, ông đi trên sông Cần Thơ dự Ngày hội du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”, thấy dọc hai bên bờ sông từ TP.HCM về các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiềm năng còn rất lớn.
Nhận thấy tiềm năng du lịch đường sông, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP.HCM với 8 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre, để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch và các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng.
“Chúng ta cũng chưa có quy hoạch để khai thác hết tiềm năng này, thiếu các điểm đến khác biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ trên sông ngắm lên bờ thấy ít cái ngắm quá”, ông Dũng nhìn nhận và cho rằng điểm đến kết nối trên bờ hết sức quan trọng với du lịch đường sông.
Ban tổ chức Tuần lễ Du lịch – Thương mại TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ vừa công bố 50 điểm đến du lịch hấp dẫn của TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long tối 29-11.
Theo ông Dũng, đây cũng là dịp để du lịch đường sông kết nối du khách đến với các điểm đến du lịch hấp dẫn này, để khai thác những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của 50 điểm đến du lịch đã được bình chọn và công bố.
Thông tin về điểm đến trên bờ kết nối với du lịch đường sông, TS Lê Minh Quang – giám đốc phát triển Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trọng Điểm – cho biết các tour du lịch đường sông cho khách nước ngoài tham quan các điểm đến ở ven hai bờ sông thực chất phát triển rất mạnh.
“Chúng ta có các tour lịch trình ngắn với các điểm tham quan từ Vĩnh Long như Quan Thánh miếu, Công Thần miếu, nhà dừa CocoHome, kênh Măng Thít…”, ông Quang nói và cho rằng Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long là trọng điểm trong tour tuyến phát triển du lịch đường sông.
Để kết nối du lịch giữa TP.HCM – trung tâm phân phối khách của cả vùng phía Nam với cả nước và quốc tế – với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Lê Phúc – phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – cho rằng đường sông cũng được xem là tuyến du lịch chủ đạo để đưa khách đến các điểm du lịch.
Do đó, ông Phúc đề nghị cần ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng như du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí và tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang – Đồng Tháp – Long An, Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng, và Kiên Giang – Cà Mau.