Thủy điện từ thượng nguồn xả lũ khiến trung tâm phố cổ Hội An ngập nước trong chiều 26-11. Với du khách và dân Hội An, lụt là cảnh thường xuyên và nếu năm nào không thấy nước lên, năm đó thiếu vắng.
Trải nghiệm du lịch Hội An mùa nước nổi
Sau một ngày ngồi ngóng khách, khoảng 16h, hàng chục tài xế xích lô đứng ở đầu quảng trường sông Hoài bắt đầu thời gian bận rộn nhất của mình. Con đường từ hướng Chùa Cầu dọc bờ sông lên quảng trường sông Hoài mang hình ảnh khác lạ trong mùa lụt.
Nước đục vàng ngập lên mắt cá chân tạo ra hình ảnh tương phản với các nhà hàng, các tiệm cà phê. Ngồi lên xích lô, các vị khách Hàn Quốc tỏ ra phấn khích và yêu cầu được chở tham quan đường phố đang ngập lụt.
Từng đoàn xích lô rảo vòng quanh khu vực quảng trường sông Hoài, khi tới khúc ngập lụt, tài xế cố tình đạp nhanh hơn để tạo ra cảm giác mạnh cho du khách.
Ông Nguyễn Nho Lan, người đạp xích lô, cho biết khách Hàn Quốc đặc biệt thích trải nghiệm xích lô trong mùa lụt.
Những khúc đường ngập sâu được lực lượng chức năng rào chắn, các đoạn ngập láng mặt đường chộn rộn khách lội bì bõm dưới nước, đạp xe, xích lô…
Tại trục đường hai bên cầu An Hội những ngày qua, khách ùn ùn từ các hướng đổ về các quán cà phê, tiệm ăn lân cận để vừa thưởng thức ẩm thực, vừa nhìn ngắm nước lụt nhích lên. Mọi người ở Hội An đã quá quen với cảnh ngập lụt nên không ai lạ lẫm, nước tới đâu thì hàng quán được dọn kê cao tới đó.
Các quán cà phê có sân thượng rộng, bố trí các góc nhìn toàn cảnh phố cổ được khách kéo tới ùn ùn. Đa số là người trẻ, khách châu Âu. Ở số nhà 22 Nguyễn Thái Học, chủ căn nhà cổ bề thế, rộng hơn 400m2 còn ghi rõ các mốc lụt qua mỗi năm.
Ông khẳng định rằng lụt giờ với người Hội An là điều gần như bình thường, dù có chút bất tiện nhưng không quá gây lo lắng, sợ hãi. Nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu lưu trú và đặc biệt dân chèo ghe, xích lô coi đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Biến lụt thành loại hình du lịch thích ứng thiên tai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng Hội An nằm trũng thấp, cuối sông nên nước dồn từ thượng nguồn đổ về thoát không kịp nên gây ngập, đồng thời khẳng định trải nghiệm lụt ở Hội An đang là một đặc sản.
“Du lịch mùa lụt là một loại hình thích ứng với thiên tai được khách rất thích khi đến Hội An. Ngành chức năng tăng cường giám sát và túc trực, đảm bảo an toàn tuyệt đối để du khách trải nghiệm”, ông Bửu nói.
Trải nghiệm lụt không còn là các tour tự phát nữa mà được Quảng Nam đưa vào chương trình giới thiệu điểm đến. Dịp kích cầu du lịch mùa hè 2024, tour trải nghiệm lụt ở Hội An được giới thiệu chính thức và thông tin rộng rãi. Dù vẫn còn ít nhiều băn khoăn, nhưng ý tưởng du lịch mùa lụt đã không còn chỉ là tự phát.
Ông Võ Phùng, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết khách nước ngoài, đặc biệt là Âu, Mỹ rất thích trải nghiệm bơi ghe ngắm phố cổ mùa lụt. Khi nước rút đi, khách cũng hòa mình với người dân, lực lượng chức năng dọn xịt bùn non vệ sinh đường phố. Đây là một trải nghiệm độc đáo.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, chủ một khu lưu trú ở đường Nguyễn Phúc Chu, nói rằng mùa lụt lên các phòng của ông đón rất nhiều khách. “Có nhiều người nói khi nghe thời tiết mưa lớn thì họ đặt phòng về ở chỉ để thấy Hội An mùa nước lên”, ông Bảo nói.
Tận dụng cơ hội để “biến họa thành phúc”
Theo TS Nguyễn Thu Hạnh – chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững, lũ lụt là dạng thiên tai không thể cưỡng lại. Thay vì sợ hãi, cần có tư duy đột phá, biến “họa thành phúc”.
Theo bà Hạnh, tỉnh Quảng Nam cần sớm áp dụng công nghệ để quản lý ngập, quy hoạch các tuyến điểm tham quan để khách trải nghiệm. Cần thiết kế riêng các tour chung tay bảo vệ di sản, tour du lịch mạo hiểm và du lịch trách nhiệm như cứu trợ người dân, phòng chống bão lũ và khám phá… trải nghiệm những cảm xúc mạnh do mưa lụt mang đến.
Ngoài ra cũng cần quy hoạch và thiết kế hệ thống khách sạn, quán cà phê mang chủ đề riêng về mưa lụt. Phát triển mạnh các loại hình vui chơi giải trí trong nhà như biểu diễn thơ ca, âm nhạc, triển lãm, giao lưu chia sẻ văn hóa thông qua các lớp dạy nấu ăn, dạy vẽ tranh…