Thơm ngon đã mắt với 9 món ẩm thực Tết miền Tây

8

Ẩm thực Tết miền Tây là sự giao thoa văn hóa 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Cách người miền Tây ăn Tết mang sắc màu rất riêng của miền sông nước xưa. Các món ăn luôn thể hiện được sự phong phú trong sản vật miền Tây. Đó còn là sự giao hòa âm dương, đáp ứng đủ đầy về mặt tâm linh, tín ngưỡng. Mâm cơm ngày Tết trước là dâng lên bàn thờ để đón rước ông bà, tổ tiên về cùng con cháu. Sau đó là để gia đình sum vầy bên nhau thưởng thức bữa cơm.

Mâm cơm Tết miền Tây

Thịt kho hột vịt

Thịt kho hột vịt là món ăn phổ biến bậc nhất vào dịp Tết. Thịt ba chỉ mềm ngon được ướp với nước mắm, đường, tỏi và hành khô. Sau đó kho cùng trứng vịt luộc chín trong nước dừa tươi. Sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt tự nhiên của nước dừa và độ béo của thịt ba chỉ cùng trứng tạo nên một hương vị đậm đà, thơm lừng. Để nêm nếm nồi thịt kho được đậm đà cần phải kể đến công lao của các bà, các mẹ. Thịt kho hột vịt thường được thưởng thức cùng cơm trắng rất quyến rũ.

Thịt kho hột vịt

Canh khổ qua

Ẩm thực Tết miền Tây thật chưa trọn vẹn nếu thiếu tô canh khổ qua. Người ta thường quan niệm, Tết ăn canh khổ qua, để “cái khổ qua đi”, đón năm mới nhiều may mắn. Khổ qua được tách đôi, bỏ ruột, sau đó nhồi nhân thịt heo hoặc thịt nạc xay trộn cùng với mộc nhĩ, hành lá, gia vị. Nhồi nhân xong thì buộc bằng hành lá rồi nấu trong nồi nước dùng cho đến khi khổ qua mềm.

Canh khổ qua nhồi thịt. Ảnh: VnExpress

Lạp xưởng

Người miền Tây ngày trước thường tự làm lạp xưởng trước cả tháng Tết. Người ta xay thịt heo trộn với mỡ, rượu mai quế lộ, đường rồi nhồi vào ruột heo khô hoặc bì collagen. Sau đó phơi nắng 4 – 5 cho lên men tự nhiên. Ngày nay, đa số các gia đình đều chuộng mua lạp xưởng làm sẵn. Lạp xưởng đỏ au, thơm ngon, khiến cho mâm cơm Tết thêm phần bắt mắt.

Lạp xưởng củ kiệu

Củ kiệu muối

Đi kèm với lạp xưởng không thể thiếu củ kiệu muối. Củ kiệu là loại củ giống như hành nhưng nhỏ hơn, được ngâm muối để giòn và có vị chua ngọt hấp dẫn.

Sự kết hợp ngày Tết

Tôm kho tàu

Cận Tết, người miền Tây mỗi khi dỡ chà có rất nhiều tôm càng. Vì tôm nhiều nên Tết thường có món tôm kho tàu trong mâm cơm. Tôm kho tàu thường được thưởng thức nóng hổi cùng với cơm trắng. Sự kết hợp của vị ngọt của tôm và vị béo ngậy của nước kho làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng.

Tôm kho tàu

Bánh tét

Nhắc đến ẩm thực Tết miền Tây, không thể bỏ qua món bánh tét vô cùng đặc trưng. Bánh tét là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu. Món bánh này được làm từ gạo nếp, nhân thường là đậu xanh không vỏ đã được xay nhuyễn và thịt ba chỉ. Ngoài ra còn có nhân đậu, nhân chuối… Bánh được cuộn tròn và dài, sau đó buộc chặt bằng dây lạt trước khi được luộc chín. Bánh tét không chỉ là thức quà ngon, dân dã mà còn thể hiện sự trân trọng của người dân miền Tây dành cho gia đình và bạn bè trong những ngày lễ tết.

Bánh tét miền Tây

Dưa giá

Dưa giá là món ăn chống ngấy trong những ngày Tết. Với nguyên liệu đơn giản, cách làm nhanh gọn, dưa giá dễ ăn, chua dịu giúp cân bằng vị khi ăn với thịt kho hột vịt, tôm kho tàu, bánh tét. Giá, hẹ, cà rốt, tỏi, ớt thái chỉ trộn với nước muối dưa gồm muối, giấm, đường. Sau đó, cho vào hũ thủy tinh để 1 ngày là dùng được.

Dưa giá

Chả lạnh

Món ăn tên lạ nhưng khá giống giò thủ, giò bì của người miền Bắc. Nguyên liệu chính là thịt heo và da heo, gói trong lớp lá chuối rồi cuộn thành hình trụ. Tuy nhiên, món chả lạnh lại có cách chế biến và bảo quản đặc biệt hơn. Chả được thái thành lát mỏng để làm các món gỏi, món trộn hấp dẫn.

Chả lạnh

Mứt

Thiên nhiên ưu đãi cho miền Tây nhiều hoa thơm trái ngọt. Óc sáng tạo của người dân đã tận dụng và cho ra đời nhiều loại mứt phong phú. Ẩm thực Tết miền Tây vì thế cũng không thể thiếu các món mứt ngọt lành. Tùy nơi mà trong nhà ngày Tết, không thể thiếu món mứt dừa, mứt gừng, mứt chuối, mứt me hay mứt khóm…

Mứt dừa

Mứt me. Ảnh: Báo Tiền phong

Theo iVIVU.com