Tháng 12/2023, Tiểu Chu, du khách đến từ Thượng Hải (Trung Quốc) đã chi 26.000 USD (660 triệu đồng) cho chuyến đi khám phá Nam Cực dành cho hai vợ chồng. Toàn bộ tour được cô đặt trên nền tảng Fliggy của Trung Quốc.
Tuy nhiên tới khi thanh toán, do bị giới hạn nên họ phải đặt tour cho từng người một.
Tới tháng 8, khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của tour du lịch này để cung cấp giấy đăng ký kết hôn, chị Chu có nói rõ việc hai vợ chồng đi cùng nhau.
Đến tháng 10 là thời điểm chuyến đi chuẩn bị khởi hành, hai vị khách Trung Quốc bất ngờ nhận được thông báo rằng, họ phải ở hai phòng khác nhau và ngủ chung cùng người lạ.
Lý do phía bên lữ hành đưa ra là, trong lúc đặt phòng, vị khách chỉ nói “hai người đi cùng nhau” chứ không nói rõ “hai người ở cùng nhau trong một phòng”.
Ngoài ra, do họ đặt tour riêng cho từng người và thông tin đã xác nhận từ năm ngoái nên nhân viên lữ hành cũng sắp xếp xong chỗ ở cho toàn bộ hành khách trong chuyến đi này.
Vị khách tỏ ra không hài lòng trước cách xử lý này. Tiểu Chu cho biết, khi hai vợ chồng đi cùng nhau sẽ không thể nào ở riêng phòng. Cô yêu cầu bộ phận chăm sóc khách hàng đổi phòng giúp. Tuy nhiên nhân viên nói tàu du lịch đã kín chỗ. Khách được sắp xếp đúng theo vị trí phòng đã lên danh sách từ trước nên không thể điều chỉnh được.
“Đến một nơi có khí hậu khắc nghiệt như Nam Cực và chuyến đi kéo dài trong 2 tuần nhưng họ lại sắp xếp cho chúng tôi ngủ chung giường với người lạ. Điều này quá vô lý nên tôi muốn hủy tour”, vị khách nói.
Tuy nhiên trên nền tảng Fliggy đã xác nhận thông tin việc khách đặt tour từ tháng 12/2023. Khách dùng một số điện thoại để đặt tour riêng cho 2 người. Bởi vậy, nhân viên của hãng đã chủ động hỏi lại xem mối quan hệ giữa họ ra sao. Khi đó, vị khách nói họ là vợ chồng nhưng tới tháng 11 năm nay mới nhận được giấy đăng ký kết hôn.
Hiện vụ việc vẫn thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc với nhiều ý kiến trái chiều.
Được biết, Nam Cực đang trở thành điểm đến thu hút tệp khách hàng chịu chi vì mức giá dành cho chuyến đi không nằm ở phân khúc tầm trung.
Theo Hiệp hội các công ty lữ hành Nam Cực quốc tế (IAATO), lượng khách đến thăm nơi này tăng nhiều hơn sau đại dịch. Mùa đông 2017, chỉ khoảng 7.000 khách đến Nam Cực. Năm nay, con số đã vượt 43.000 lượt, tăng hơn 500%.
Đến nay đây là điểm đến dành cho người mê trải nghiệm xa xỉ. Khách phải đi trên những con tàu nhỏ hơn, nhiều người trong số đó đến bằng tàu phá băng cũ từ Nga, Canada và các quốc gia vùng cực.
Một số hãng du thuyền đầu tư hàng tỷ USD cho các tàu thám hiểm Nam Cực. Trong đó các cabin hành khách đều có cửa kính lớn và ban công để khách ngắm nhìn những tảng băng trôi.
Ngoài ra, khách có thể xuống vùng biển Nam Cực trên thuyền kayak. Với dịch vụ này, khách được cung cấp quần áo giữ nhiệt có thiết kế đặc biệt.
Tuy nhiên, số lượng khách du lịch tăng cao khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về tác động môi trường. Do đó, hành khách luôn được hướng dẫn chi tiết không được mang theo bất kỳ thực phẩm bên ngoài hoặc các chất gây ô nhiễm khác khi tới đây.