Di cốt long đong của đại thi hào Dante và cuộc chiến giữa 2 thành phố

15
Hành trình lưu lạc của hài cốt thi hào người Ý Dante Alighieri sau khi qua đời cũng long đong như chính cuộc đời ông.
Cổ mộ của nhà thơ Dante: Cuộc chiến giữa 2 thành phố - Ảnh 1.

Dante là một nhà thơ lớn người Ý vào giai đoạn Hậu kỳ Trung Cổ – Ảnh: Casa-belvedere.org

Bí ẩn về hài cốt của Dante Alighieri

Nhà thờ Santa Croce (Florence) là nơi an nghỉ của những người Florentine lỗi lạc nhất. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau ngôi mộ của Dante lại ẩn chứa nhiều điều thú vị. Liệu hài cốt của nhà thơ có thực sự nằm bên trong quan tài? Câu trả lời là không.

Vào ngày 14-9-1321, Dante Alighieri qua đời tại Ravenna vì bệnh tật (có thể là sốt rét) trên đường trở về sau chuyến công du Venice. Ngay cả khi đã khuất, tác giả tập La Divina Commedia (Thần khúc) vẫn không tìm thấy sự bình yên mà ông hằng mong mỏi trong những năm tháng lưu vong cuối đời. Một ngày sau khi ông mất, thi hài được an táng trong một quan tài đặt tại tu viện San Francesco (Ravenna), nơi cách quê hương của ông chỉ khoảng 145km.

Và mọi chuyện kéo dài tới hàng trăm năm sau đó.

Cổ mộ của nhà thơ Dante: Cuộc chiến giữa 2 thành phố - Ảnh 2.

Lăng mộ hiện tại của thi hòa Dante ở thành phố Ravenna, Ý – Ảnh: Giacomo Banchelli

Nguyên nhân khiến ông phải sống lưu vong chính là những tác phẩm văn chương chứa đựng những ám chỉ đầy nhạy cảm về các nhân vật quyền lực đương thời. Chính vì vậy, Florence không còn chào đón ông, và thành Ravenna trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ.

Hơn hai thế kỷ sau, khi thời gian đã xoa dịu những vết thương lòng và những tác phẩm của Dante được công nhận là kiệt tác, Florence mới nhận ra giá trị đích thực của ông. Thành phố này quyết định xây dựng một lăng mộ nguy nga để đón hài cốt nhà thơ trở về.

Năm 1519, Giáo hoàng Leo X, sau lời thỉnh cầu của Michelangelo, đã cho phép người dân Florence đưa hài cốt nhà thơ về quê hương. Tuy nhiên, quan tài họ nhận về hoàn toàn trống rỗng.

Thực tế, các tu sĩ dòng Phanxicô chịu trách nhiệm bảo vệ hài cốt của đại thi hào đã bí mật mang hài cốt của Dante đi và đặt trong tu viện của họ. Mọi nỗ lực đòi lại hài cốt đều vô ích. Kể từ đó, lăng mộ của Dante được canh gác cẩn mật.

Cổ mộ của nhà thơ Dante: Cuộc chiến giữa 2 thành phố - Ảnh 3.

Vương cung thánh đường San Francesco ở Ravenna – Ảnh: Comune di Ravenna

Năm 1677, hài cốt được chuyển sang trong một chiếc hộp gỗ. Vào năm 1780-1781, nhân dịp xây dựng ngôi mộ hiện tại, hài cốt Dante đã được đặt lại vào bình đựng tro cốt ban đầu, nhưng trong một thời gian rất ngắn.

Vào năm 1810, vì Bộ luật Napoleon, các thầy tu đã buộc phải rời khỏi tu viện, nhưng trước đó, họ đã giấu chiếc hộp đựng hài cốt. Sau đó, các tu sĩ rời khỏi thành phố và không ai biết gì thêm về chiếc hộp.

Sự thật sáng tỏ

Vào ngày 27-5-1865, khi phục chế lăng mộ cho lễ kỷ niệm 700 năm ngày sinh của ông, một sinh viên trẻ đã đọc và dịch cụm từ trên hộp, thi hài của Dante đã được tìm thấy. Dòng chữ có nghĩa là “Hài cốt của Dante do tôi, thầy tu Antonio Santi, đặt vào đây năm 1677, ngày 18-10”. Ngày nay, chiếc hộp được lưu giữ bên trong Bảo tàng Dante.

Cổ mộ của nhà thơ Dante: Cuộc chiến giữa 2 thành phố - Ảnh 4.

Lăng mộ của Dante ở Ravenna – Ảnh: Giacomo Banchelli

Hài cốt được tập hợp lại, đặt trong một chiếc quách pha lê và mở cửa cho công chúng viếng thăm. Sau đó, hài cốt nhà thơ vĩ đại được an táng lại bên trong ngôi đền nhỏ.

Trong Thế chiến thứ hai, chiếc hộp lại được giấu kín để tránh bị hủy hoại do các cuộc ném bom, và được di dời khỏi ngôi đền vào ngày 23-3-1944 rồi đưa trở lại vào ngày 19-12-1945.

Ngôi mộ của nhà thơ Dante: Số phận long đong của đại thi hào và cuộc chiến giữa 2 thành phố - Ảnh 5.

Hiện nay, lăng mộ của Dante tại Ravenna là một công trình bằng đá cẩm thạch đơn giản – Ảnh: John W.Schulze

Hiện nay, lăng mộ của Dante tại Ravenna là một công trình bằng đá cẩm thạch đơn giản, ở cuối một con phố nhỏ và gần nhà thờ di San Francesco. Du khách rất dễ bỏ qua nơi khiêm nhường này.

Còn lăng mộ của Dante tại Florence nguy nga tráng lệ nhưng lại trống rỗng, chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm. Sự đối lập này càng làm nổi bật thêm câu chuyện về số phận lưu lạc của hài cốt Dante, một cuộc chiến âm thầm giữa hai thành phố vì muốn sở hữu di cốt của một nhà thơ thiên tài.