Thu 40 triệu đồng/tháng, chủ quán thịt chó ở Đồng Nai vẫn xé biển, đóng cửa

2
Sau 9 năm mở quán thịt chó ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) với thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng, anh Cường quyết định dừng lại. Người đàn ông thấy thanh thản khi chứng kiến cảnh đàn chó được mang đi.

Cay mắt khi từng giết mổ chó mẹ đang mang bầu

“Trong quãng thời gian làm nghề, tôi cũng từng chứng kiến những khoảnh khắc đau lòng. Nhớ có lần tôi mua một con chó trong nhà dân và mang về thịt.

Lúc mổ ra mới biết đó là con chó mẹ đang mang bầu. Chủ nhà cũng không biết nên đã bán nó đi. Nhưng vì mưu sinh, tôi đành nhắm mắt cho qua. Nhưng đó là những khoảnh khắc khiến tôi phải suy nghĩ nhiều”, chủ quán thịt chó bộc bạch.

Đó là lời mở đầu của anh Đào Văn Cường, 39 tuổi, khi trao đổi câu chuyện của mình với phóng viên Dân trí.

Quê ở Bắc Giang, năm 2004, người đàn ông lặn lội vào Đồng Nai tìm kế mưu sinh. Anh Cường làm đủ mọi nghề. Sau 3 năm, anh về thị trấn Trảng Bom để làm thuê cho nhà người anh họ có mở một cửa tiệm bán thịt chó.

Sau đó, người anh quyết định giải nghệ, để lại việc tiếp quản quán cho anh Cường. Tính từ thời điểm đó tới nay, thấm thoắt người đàn ông Bắc Giang đã theo nghề giết mổ 9 năm.

Thời điểm trước dịch bệnh, quán thịt chó tấp nập khách vào ra. Mỗi ngày chủ quán giết mổ 5-6 con chó, mang lại nguồn thu nhập hàng tháng lên tới hơn 40 triệu đồng. Đó là con số cao so với thu nhập mặt bằng chung của người dân địa phương. Đây cũng là nguồn sinh kế của hai vợ chồng để nuôi hai con gái đang tuổi ăn học.

Để có nguồn thực phẩm ổn định, anh thường lấy mối quen là người thu mua chó dạo. Đôi lúc trong vùng có nhà nào bán chó, anh lại tới trực tiếp để mua với giá khoảng 60.000 đồng/kg.

Nhớ lại những ngày làm nghề, anh từng chứng kiến không ít khoảnh khắc khiến bản thân cay mắt. Đó là lúc đối diện với những con chó giết mổ ra mới biết con vật đang mang thai.

“Tôi cũng thấy chúng rất tội nghiệp, nhưng vì miếng cơm manh áo, cuộc sống của vợ con trông đợi cả vào quán nên chẳng còn cách nào khác”, người đàn ông quê Bắc Giang giãi bày.

Xé biển hiệu, đóng cửa vĩnh viễn

Gắn bó với nghề gần chục năm, nhiều lần vợ chồng anh Cường tính tới chuyện đóng cửa tìm việc khác để làm. Sau dịch bệnh kinh tế khó khăn, do chưa kiếm được việc làm ổn định nên anh chưa dám nghỉ.

Tuy nhiên, phía gia đình cũng nhiều lần tác động, cho rằng không nên tiếp tục công việc sát sinh, chủ quán thấy không còn băn khoăn nữa.

Đoàn cứu trợ đưa đàn chó ra khỏi quán ngày 17/11 (Ảnh: Bùi Văn Mạnh).

Tháng 8, đại diện của tổ chức Humane Society International (HSI), một trong những tổ chức bảo vệ động vật thế giới, tới nhà nói chuyện. Đây cũng là thời điểm trùng với việc vợ chồng anh Cường muốn dừng lại công việc.

“Nhờ sự động viên của cán bộ thú y, đại diện bên tổ chức cứu trợ động vật, tôi không thấy đắn đo nữa. Suốt thời gian dài suy nghĩ, đến giờ khi dừng lại tôi thấy thanh thản hơn”, chủ quán nói.

Ngày 17/11, đoàn công tác của tổ chức HSI cùng cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai có mặt tại quán thịt chó. Tại đây, anh Cường giao lại toàn bộ đàn chó 16 con cho đoàn, đồng thời cam kết sẽ ngừng vĩnh viễn việc kinh doanh thịt chó.

Những chiếc chuồng vốn chật kín đàn chó thì nay đã sạch bóng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Bùi Văn Mạnh, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đàn chó được chuyển về trạm cứu hộ động vật ở Long Khánh. Chúng được đưa đi chăm sóc y tế, triệt sản, tiêm phòng dại và chờ về với chủ nuôi mới. 

Chị Hương, 37 tuổi, hoàn toàn ủng hộ việc chồng mình dừng việc kinh doanh. Chị cho rằng đây là cơ hội mới để cả hai tìm kiếm công việc làm khác, biết rằng mọi thứ khởi đầu sẽ rất gian nan.

“Chúng tôi đang tính mở một tiệm bán gas. Hiện tôi vẫn trong quá trình xin giấy phép trước khi mở quán. Dù còn nhiều chật vật, nhưng chắc chắn trong tâm của hai vợ chồng đều thấy thanh thản, nhẹ nhõm hơn”, chủ quán chia sẻ.

HSI hợp tác với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai triển khai mô hình này sau sự thành công tại Hàn Quốc từ năm 2015 và tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) vào năm 2022.