Món chè có tên lạ lùng ở TPHCM: Chỉ bán 2 ngày/tháng, khách đến nườm nượp

2
Quầy chè trước cổng chùa Phật Bà Quan Âm (quận Tân Phú, TPHCM) luôn chật kín khách vào mùng 1 và ngày rằm hằng tháng, bởi bán món chè có tên gọi đặc biệt: Chè "phân gà".

Món chè có tên “khó ngửi” chỉ bán 2 ngày/tháng, muốn ăn cũng khó tìm (Thực hiện: Cẩm Tiên).

Nguồn gốc của tên gọi “bốc mùi”

Phải chờ đúng ngày, thực khách mới có thể tìm gặp quầy chè của chị Nhật Bình (SN 1992) trước cổng chùa Phật Bà Quan Âm. Quầy chè này là một trong số ít nơi bán chè “phân gà” ở TPHCM.

Ban đầu, quầy do mẹ của chị Nhật Bình gầy dựng. Sau khi mẹ mất, chị Bình và em gái mới thay mẹ bán món chè này. Tính đến nay, quầy chè “phân gà” của chị Bình đã tồn tại gần 30 năm.

Quầy chè của chị Nhật Bình đã tồn tại gần 30 năm (Ảnh: Mộc Khải).

Theo chị Nhật Bình, món chè mang tên gọi đặc biệt này có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc). Với nguyên liệu chính là lá mơ và bột gạo, món chè này có màu đen và dậy mùi thơm đặc trưng của lá mơ nên được gắn với cái tên “phân gà”.

“Trong tiếng Hoa, món chè này được gọi là “cáy xỉa thằng”, có nghĩa là “phân gà”. Ở Việt Nam, người ta gọi món này là chè lá mơ, nhưng vẫn có nhiều người gọi đây là chè “phân gà”. Dù vậy, hương vị của món ăn không giống như tên gọi đâu (cười)”, chị Nhật Bình chia sẻ.

Để chế biến chè “phân gà”, lá mơ phải được rửa sạch và đem xay nhuyễn, trộn với bột gạo rồi nhồi kỹ. Hỗn hợp này được hấp chín rồi cắt thành sợi nhỏ vừa ăn, phủ thêm một lớp bột năng cho đỡ dính.

Sợi bột lá mơ để nấu chè “phân gà” (Ảnh: Mộc Khải).

Chén chè thành phẩm đơn giản là sợi bánh trơn mượt kèm nước đường cát nấu với gừng, có vị ngọt thanh, ngào ngạt mùi thơm của lá mơ và gừng.

Chị Bình cho biết món chè này thích hợp ăn nóng. Vì thế, khi có khách đến gọi chè, chị mới lấy sợi bột luộc sơ, vớt ra cho vào chén rồi chan nước đường. Người ăn có thể cân đối lượng đường theo ý thích.

Chén chè thành phẩm ngào ngạt mùi lá mơ và gừng (Ảnh: Cẩm Tiên).

Chị Bình cho biết để cho ra đời món chè lá mơ không khó, song người làm phải có kinh nghiệm pha trộn các nguyên liệu theo tỷ lệ, đảm bảo chè không bị đắng vì nhiều lá mơ hoặc chỉ có vị bột mà mất đi mùi thơm cần có của món ăn này.

Chỉ bán 2 ngày/tháng

Trước cổng chùa náo nhiệt bởi dòng khách đi lễ phật, quầy chè của chị Bình cũng tấp nập không kém. Thực khách ngồi kín dưới bóng dù, xì xụp húp chén chè nghi ngút khói.

Quầy chè “phân gà” trước cổng chùa Phật Bà Quan Âm (Ảnh: Cẩm Tiên).

Đa số khách tới mua chè là người Hoa, cũng là khách quen của quán. Vì nơi bán chè không có nhiều diện tích để ngồi lại ăn, nên phần lớn thực khách nhờ chị Bình nấu sẵn, cho vào túi mang về.

Những lúc khách đến đông, chị Bình và em gái luộc bột, nấu chè luôn tay mà vẫn không kịp bán. Ngoài mua chè, khách còn mua thêm sợi bột để về nhà tự chế biến.

Theo chị Bình, sợi bột để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được 1 tuần, còn để trong ngăn đông sẽ bảo quản được thời gian lâu hơn.

Khi đông khách, chị Bình và em gái tất bật vẫn không kịp bán (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Bình cho biết mình chỉ bán chè trước cổng chùa vào mùng 1 và ngày rằm hằng tháng, vì thời điểm này khách đi chùa rất đông. Những dịp này, mỗi ngày chị Bình bán được khoảng 60-70kg bột. Những ngày khác trong tháng, chị Bình chỉ bán sợi bột lá mơ ở chợ Phú Bình (quận 11, TPHCM).

“Tôi bán 16.000 đồng/chén chè, còn sợi bột riêng có giá 140.000 đồng/kg. Khách cũng có thể mua lẻ với giá 14.000 đồng cho 100gr. Có nhiều người mua sợi bột về rồi nấu với nước cốt dừa ăn cũng rất ngon”, chị cho hay.

Chị Bình cũng chia sẻ, lá mơ vốn rất tốt cho đường ruột, giúp giảm đau bụng, đầy hơi nên món ăn này thu hút thực khách không chỉ vì hương vị mà còn vì công dụng cho sức khỏe.

Anh Lưu Tân là khách quen của quầy chè “phân gà” (Ảnh: Mộc Khải).

Bà Dục Dính (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết bà mới biết đến món chè có tên đặc biệt này không lâu. Song, khi ăn bà cảm thấy ấm cơ thể, tốt cho sức khỏe nên rất thích.

“Nghe mọi người nói ăn món này nhuận tràng, dễ tiêu, giảm đau bụng nên tôi ăn thử. Chén chè thơm mùi gừng, ăn một chén là ấm cả người nên tôi càng ăn càng nghiện”, bà nói.

Anh Lưu Tân (quận 11, TPHCM) cũng cho biết mình thích món chè “phân gà” vì ăn rất mát. Nhiều năm qua, mỗi khi chị Nhật Bình dọn hàng trước cổng chùa, vợ chồng anh Tân lại ghé mua vài phần về nhà thưởng thức.