Xôi "nhà xác" ở TPHCM: Gói với lá chuối, tên rùng rợn vẫn tấp nập người mua

8
Nép mình trên đường Trần Phú (quận 5, TPHCM), quán xôi "nhà xác" đã tồn tại hơn 40 năm. Khi phố lên đèn, quán xôi này lại nhộn nhịp, tấp nập khách ghé mua món ăn có cái tên "kinh dị".

Vì sao xôi “nhà xác” ở TPHCM thu hút khách ăn đêm dù chỉ bán một loại xôi? (Video: Cẩm Tiên).

Nguồn gốc tên gọi xôi “nhà xác”

Người dân TPHCM, đặc biệt là những người sống ở quận 5, hầu như đều biết đến quán xôi mang tên xôi “nhà xác”. Tên gọi này xuất phát từ vị trí của quán, gần hai nhà tang lễ ở quận 5 và được “bao vây” bởi nhiều trại hòm, cửa hàng buôn bán vàng mã.

Quán xôi “nhà xác” đã tồn tại hơn 40 năm. Hằng ngày, quán đón hàng trăm khách đến mua xôi, là điểm đến quen thuộc của nhiều người sau giờ tan ca, là nơi giúp học sinh “lót dạ” sau giờ học. 

Quán xôi “nhà xác” hơn 40 năm tồn tại ở TPHCM (Ảnh: Mộc Khải).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Lưu Bảo Minh (49 tuổi) – chủ quán – cho biết từ hồi học lớp 3, anh đã ra quán xôi phụ cha mẹ và trở thành thế hệ thứ 2 tiếp quản quán xôi này.

Bao năm qua, anh Minh cùng một người anh và người em ruột gìn giữ hương vị xôi của gia đình. Quán xôi lúc nào cũng có 4-5 người “luôn tay luôn chân” và tất cả đều là người thân của anh Minh.

Nói về tên gọi đặc biệt của quán, anh Minh cũng không biết quán mang tên xôi “nhà xác” từ bao giờ. Song, anh nói đây cũng chỉ là một trong những cái tên mà khách hàng nhớ đến quán, gọi nhiều thành quen.

“Trước đây, cha mẹ tôi bán xôi ở góc đường Nguyễn Tri Phương – Trần Phú. Khi đó, cha mẹ tôi đẩy chiếc xe gỗ kêu cọt kẹt, nhún lên nhún xuống, vậy là người dân xung quanh gọi xe xôi của cha mẹ tôi là “xôi nhún”. Về sau, gia đình tôi chuyển về bán xôi trước nhà, gần các nhà tang lễ và bán đến bây giờ”, anh Minh chia sẻ.

Anh Minh cho biết tên xôi “nhà xác” nghe có phần ghê rợn, nhưng đây lại là một trong những điểm đặc biệt khiến quán xôi của gia đình anh được nhiều người biết đến. Nghe tên này, khách hàng dễ định hình được vị trí của quán xôi nên anh Minh cũng cảm thấy vui.

Phần xôi 30.000 đồng tại quán (Ảnh: Mộc Khải).

Mỗi ngày, xôi “nhà xác” mở cửa từ 16h, song từ 14h, anh Minh và các thành viên trong gia đình mới tất bật nấu xôi. Anh lý giải, xôi không thể để quá lâu, vì như thế sẽ không ngon nên khi nào gần bán anh mới nấu.

Quán không có biển hiệu nổi bật, cũng chẳng trang trí cầu kỳ. Thậm chí, nơi này còn không có chỗ để khách ngồi lại ăn, song hương vị xôi lại được đánh giá đậm đà, thu hút thực khách.

Mỗi ngày, lượng xôi quán bán ra đều khác nhau, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Cứ thấy trời mưa thì chúng tôi nấu xôi ít hơn một chút, nên không cố định số lượng bán hằng ngày. Trước dịch Covid-19, quán xôi rất đông khách, giờ không bằng ngày xưa nhưng cũng ổn định”, anh Minh nói.

Hơn 40 năm gói xôi bằng lá chuối

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trời vừa sụp tối là quán xôi “nhà xác” lại bắt đầu tấp nập. Khách đến quán liên tục, có người ngồi trên xe máy nói lớn để nhân viên trong quán mang xôi ra, có người thì dừng xe chạy vội vào quầy.

Trong quán, 3-4 người phối hợp nhịp nhàng, người múc xôi, người cho gia vị, người gói xôi, không để khách hàng nào phải chờ lâu.

Quán luôn có 3-4 người phối hợp nhịp nhàng để bán xôi cho khách (Ảnh: Mộc Khải).

Mỗi gói xôi ở quán thường có lạp xưởng, chà bông, mỡ hành, đậu phộng, nước tương…

“Các nguyên liệu được chúng tôi làm tại nhà, chỉ riêng nước tương thì tôi mua loại ngon còn lạp xưởng được lấy ở Sóc Trăng. Chúng tôi chế biến chà bông rất kỹ, để có độ tơi xốp. Mỡ hành cũng phải làm cho thật thơm, để dậy lên hương vị món ăn”, anh Minh nói.

Anh cho biết bán xôi cũng có chút vất vả, bởi người bán lúc nào cũng phải đứng. Đặc biệt, công đoạn múc xôi ra lá chuối rất khó, cần có kỹ thuật và kinh nghiệm, không phải ai cũng làm được.

“Chỉ mấy anh em trong gia đình tôi làm công đoạn này, bởi xôi luôn được đặt trên bếp rất nóng, để hạt xôi luôn mềm dẻo. Các cháu nhỏ trong nhà cũng thường ra phụ, nhưng chỉ chạy tới lui đưa xôi cho khách thôi chứ chưa múc xôi được”, anh nói.

Chà bông ăn kèm xôi được chủ quán làm tại nhà (Ảnh: Mộc Khải).

Anh Minh cũng cho biết từ hồi còn đẩy xe đi bán, cha mẹ anh đã dùng lá chuối để gói xôi bán cho khách. Đến hiện tại, dù có nhiều hình thức để gói xôi, anh vẫn duy trì gói xôi bằng lá chuối. Anh nói lá chuối mộc mạc, không tiện lợi bằng các loại túi, hộp nhựa nhưng là nguyên liệu thiên nhiên, không gây hại đến môi trường và sức khỏe.

Nhờ hương vị đậm đà, hạt xôi thơm dẻo, xôi “nhà xác” thu hút thực khách gần xa. Mỗi ngày, khách đến quán có nhiều người quen và cũng có những người lạ. Thậm chí, nhiều khách du lịch từ các tỉnh thành khác đến TPHCM, cũng tìm đến quán thưởng thức hương vị xôi “nhà xác”. 

Xôi tại quán được gói bằng lá chuối (Ảnh: Mộc Khải).

Hiện tại, quán của anh Minh chỉ bán xôi theo 2 cỡ lớn và nhỏ, với giá 20.000 đồng và 30.000 đồng. Quán bán quanh năm, chỉ nghỉ vào dịp lễ Trung thu, Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán.

Chia sẻ với phóng viên, chị Ngọc Khanh (quận 11, TPHCM) cho biết bản thân đã ăn xôi ở quán mấy chục năm. Hôm nào đói, chị ăn phần 30.000 đồng, hôm nào đã no nhưng vẫn hơi thèm, chị mua phần 20.000 đồng.

“Xôi ở đây đặc biệt rất thơm nhờ sự hòa quyện của mỡ hành, lạp xưởng, chà bông… Ăn xôi ở chỗ khác không bằng ở đây. Tôi nghe quen nên thấy tên xôi “nhà xác” không có vấn đề gì. Ngoài cái tên đặc biệt đó, tôi còn hay gọi đây là quán xôi “3 anh em” nữa”, chị Ngọc Khanh chia sẻ.