Quán bún riêu "quý tộc" ở Hà Nội: Không thích đông khách, sợ nổi tiếng

19
Nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ không gian đặc biệt đậm chất "quý tộc", quán bún riêu trên phố Lương Sử C đón lượng khách đông bất ngờ. Không kịp phục vụ, chủ quán đóng cửa 4 ngày để "trốn khách".

11h30, quán bún riêu trong ngõ Lương Sử C (Đống Đa, Hà Nội) đón hai người khách đầu tiên. Sau đó, lần lượt những đoàn khách tiếp theo kéo đến, lấp đầy không gian 9 bàn ăn, khoảng 15-20 thực khách cùng lúc. 

Nổi lên như hiện tượng trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm trải nghiệm ẩm thực, quán bún riêu này gây ấn tượng với thực khách bởi không gian “quý tộc”, với không gian bài trí cổ kính, đồ độc bản được chế tác bởi các nghệ nhân xưa.

Quán có diện tích khoảng 36m2. Thoạt nhìn, ít ai nhận ra đây là không gian của một quán bún riêu. 

Từ ngoài vào trong, các món đồ trang trí được gia chủ sắp xếp có chủ ý. Trên tường treo 4 bộ tranh tứ quý cùng các hộp đồng hồ quả lắc cũ. Góc nhà đặt đàn piano, các kệ tủ trưng bày đồ lưu niệm. 

Trong ảnh là bộ tranh tiên cảnh thuộc dòng tranh cổ, khoảng hơn 60 năm tuổi, treo ở khu vực trung tâm quán. 

Hệ thống ánh sáng trong phòng, ngoài đèn túyp thông thường còn được điểm xuyết bởi đèn cây mặt kính, họa tiết mosaic. Ngoài tác dụng chiếu sáng với ánh vàng ấm cúng, loại đèn này được dùng như món đồ trang trí trong quán.

Để phù hợp với không gian hoài cổ, từ các món đồ cũ, chủ quán sắp đặt chân máy may cũ làm những chiếc bàn ăn, mặt bàn bằng gỗ tráng men và lọ đũa, hũ đựng gia vị đều bằng gốm sứ hoặc gạch nung. 

Theo anh Hoàng Minh Việt (áo nâu), chủ quán, ý tưởng trang trí quán bún riêu là của vợ anh, đồng thời cũng là đầu bếp chính của quán. Các món đồ trang trí đa số là đồ độc bản do các nghệ nhân chế tác. Chị Yến đã mất nhiều năm tìm kiếm, sưu tầm và bây giờ sắp đặt trong quán như phòng trưng bày.

Thực đơn ở đây có bún ốc, bánh đa cua… nhưng nổi bật nhất vẫn là bún riêu cua.

Bún riêu được nấu theo công thức của gia đình, một bát bún thập cẩm có riêu, ốc, thịt bò, chả cá, chả bò viên. Bún ăn cùng với giấm bỗng, hành phi tự làm, mắm tôm… Giá 50.000 đồng/bát. 

Từ những năm 90, quán bún chỉ là một gánh hàng nhỏ trên phố Hàng Bún (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó chuyển về Hàng Khoai một thời gian thì quán tạm nghỉ vì khó khăn trong vị trí kinh doanh. 

Đầu tháng 10, quán chuyển về địa chỉ mới ở phố Lương Sử C sau đó bất ngờ nổi tiếng trên các hội nhóm ẩm thực nhờ không gian thưởng thức bún riêu “độc nhất vô nhị”.

“Thời gian đầu khách đông đột ngột, từ sáng sớm đã tới xếp hàng. Ngoài nhóm khách quen cũ từ địa chỉ ở Hàng Khoan, tôi nhận thấy nhiều nhóm khách mới là các bạn trẻ biết đến quán qua kênh Tiktok”, anh Việt nói. 

Theo anh Việt, việc đông khách bất ngờ cũng gây ra nhiều xáo trộn. Khách xếp hàng sốt ruột, khách ngồi ăn cũng không thoải mái khi có người đang nhìn và chờ đợi. Sau tuần đầu mở bán, vợ chồng anh Việt phải đóng cửa 4 ngày chờ vãn khách.

Quỳnh Anh (bên trái) chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 em tới quán ăn bún riêu. Ban đầu em biết quán nhờ một video trên mạng xã hội, quá ấn tượng với không gian khác biệt ở đây nên tò mò tìm đến ăn thử. Những lần sau, em quay lại vì ăn hợp khẩu vị”.

Khi còn bán vỉa hè, gia đình anh Việt luôn mong muốn “thực khách có một chỗ ngồi tử tế” để tránh nắng tránh mưa. Trong không gian mới đậm chất nghệ thuật, anh hy vọng thực khách có những trải nghiệm khác lạ, không tìm thấy ở bất cứ quán bún riêu nào tại Hà Nội.