Cung đường du lịch Gáo Giồng bốc mùi khiến du khách chịu trận, địa phương nói gì?

27
Ngày 4-11, ông Bùi Tấn Phước – chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh – cho biết Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng đã khắc phục nhanh, cho bơm nước vào và tháo nước ra. Khu vực sân chim tập trung sinh sản và cung đường bơi xuồng đã thông thoáng.
Cung đường du lịch Gáo Giồng ô nhiễm chỉ mang tính 'thời điểm'   - Ảnh 1.

Khu vực bến đón khách trải nghiệm cung đường bơi xuồng ngắm rừng tràm Gáo Giồng đã được điều tiết nước thông thoáng – Ảnh: TỐNG DOANH

Như trước đó Tuổi Trẻ Online đã thông tin, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp gắn với cảnh quan rừng tràm xuống cấp nghiêm trọng, có phần nhếch nhác, không được chỉnh trang. Cung đường du lịch dành cho du khách ngồi xuồng ngắm rừng tràm bốc mùi hôi thối, nước đen ngòm.

Trái với tưởng tượng của du khách về một cánh rừng xanh mướt mát, không khí trong lành, vừa bước xuống xuồng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Du khách phải “chịu trận” để đi hết cung đường ngồi xuồng vừa mua vé với giá 50.000 đồng/người.

Ngày 4-11, ông Bùi Tấn Phước – chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh – cho biết sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online, huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng khắc phục nhanh, cho bơm nước vào và tháo nước ra. Khu vực sân chim sinh sản và cung đường bơi xuồng đã thông thoáng.

Đối với hiện tượng vừa rồi cũng là dấu hiệu tích cực, do số lượng chim cò bay về rừng rất nhiều, cao điểm trong mùa sinh sản, từ đó có thể thấy môi trường sinh thái rừng tương đối tốt, và mỗi năm có thời điểm ít nhất một tháng như vậy.

“Khu vực sân chim diện tích khoảng 30ha, nhưng lượng phân chim thải ra làm đen nguồn nước tập trung chủ yếu ở một vài ao.

Dự kiến từ đây đến khi hết mùa lũ, khi lượng chim cò tập trung về nhiều, ban quản lý rừng sẽ tiếp tục điều tiết nước nhiều đợt nữa, kiểm soát lượng phân chim thải ra không để lan sang các khu vực khác”, ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, về hiện trạng khu du lịch Gáo Giồng, huyện đã có đề án kêu gọi đầu tư, đấu giá dịch vụ môi trường rừng, đã trình ngành chuyên môn thẩm định, chờ UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt. Dự kiến trong quý 1-2025 sẽ hoàn thành các bước để kêu gọi đầu tư.

Theo dự thảo “Đề án phát triển du lịch sinh thái Gáo Giồng” mục tiêu đến năm 2030 thu hút trên 40.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt trên 12.000 lượt (khách quốc tế 30%); thu hút 1.000 lao động trực tiếp. Thu dịch vụ du lịch trên 24 tỉ đồng/năm; nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng tối thiểu 1 tỉ đồng/năm.

Đề án quy hoạch diện tích 677ha, chia thành 9 phân khu chức năng, 4 tuyến du lịch. Tổng mức đầu tư của đề án hơn 786 tỉ đồng, gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong giai đoạn từ 2024 – 2030.