Thành phố cổ Maya được tìm thấy trong rừng rậm Mexico

21
Một sinh viên tốt nghiệp đang phân tích dữ liệu máy bay không người lái công khai ở Mexico đã tình cờ phát hiện ra một thành phố cổ Maya rộng lớn bị chôn vùi dưới lớp rừng rậm dày đặc.
Thành phố cổ Maya được tìm thấy trong rừng rậm Mexico  - Ảnh 1.

Những công trình kiến trúc cổ đại bên dưới khu rừng rậm rạp ở gần Calakmul, Mexico – Ảnh: NBC News

Trong nhiều thế kỷ, thành phố này đã nằm ẩn mình dưới tán rừng rậm tại bang Campeche, bên Vịnh Mexico. Nghiên cứu mới được công bố vào tháng 10 trên tạp chí Antiquity tiết lộ các địa điểm với tổng diện tích khoảng gấp 1,5 lần diện tích của thủ đô Washington (Mỹ).

Thành phố bí ẩn tình cờ được phát hiện

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra khu vực dày đặc gồm 6.674 công trình, bao gồm các kim tự tháp tương tự như tại Chichén Itzá ở bang Yucatan của Mexico, và Tikal, một thành trì cổ trong rừng mưa ở phía bắc Guatemala.

Luke Auld-Thomas, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tulane ở thành phố New Orleans (bang Louisiana) “tình cờ phát hiện ra khám phá này” khi đang lướt internet, theo lời của Marcello Canuto, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Tulane.

Dữ liệu, do một nhóm nghiên cứu mô hình sử dụng đất thu thập,  đã được phát hiện nhờ công nghệ lập bản đồ máy bay không người lái hiện đại, được gọi là LiDAR – thiết bị phát hiện và đo khoảng cách bằng ánh sáng.

Bản đồ LiDAR được các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi để thu thập dữ liệu cho các mục đích khảo cổ học và phi khảo cổ học, nhưng Auld-Thomas đã lấy dữ liệu này và phân tích các bản đồ bằng phương pháp của các nhà khảo cổ.

Một nhóm nghiên cứu sau đó đã khám phá ra một thành phố cổ rộng lớn mà họ đặt tên là “Valeriana” theo tên của một đầm nước ngọt gần đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết Valeriana, nơi có thể từng là nơi cư trú của 30.000 – 50.000 người vào thời kỳ đỉnh cao, có khả năng đã sụp đổ giữa năm 800 sau Công nguyên và 1.000 sau Công nguyên vì nhiều lý do phức tạp, bao gồm biến đổi khí hậu.

“Nhận thức ngày càng đồng thuận rằng sự biến đổi khí hậu là một yếu tố chính gây ra căng thẳng, sự thích ứng và phản ứng, dẫn đến sự bất ổn hệ thống hơn”, Canuto nói với NBC News. Một phần nguyên nhân là do dân cư quá đông đúc và dần dần, qua vài thế hệ, không thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khó khăn.

Công nghệ giúp cách mạng hóa nghiên cứu khảo cổ

Công nghệ LiDAR là một tiến bộ gần đây trong thập kỷ qua, đã cách mạng hóa nghiên cứu khảo cổ, đặc biệt là trong các khu vực rừng rậm dày đặc. Công nghệ này có khả năng tiết lộ các tầng lớp lịch sử rộng lớn chưa từng được nhìn thấy trước đây tại những vùng xa xôi mà con người thường không thể tiếp cận.

Bằng cách bao phủ một diện tích đất lớn với độ chính xác cao, LiDAR cho phép các nhà nghiên cứu khám phá các công trình ẩn giấu.

Canuto cho biết công nghệ này, sử dụng các xung laser để xuyên qua tán rừng, ghi lại hình ảnh chi tiết cao của cảnh quan bên dưới, có sức mạnh chuyển đổi lớn, mô tả nó như một hình thức “phá rừng kỹ thuật số”, ông nói thêm.

Không có hình ảnh nào về thành phố đã mất này từng được biết đến, Canuto cho biết, chỉ có bản đồ LiDAR, vì chưa ai từng đến đó. Mặc dù có thể các cư dân địa phương đã nghi ngờ rằng có những tàn tích ẩn dưới các gò đất.

Dù nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tiết lộ các cấu trúc Maya ở vùng đông trung tâm Campeche, các nhà khảo cổ đang nhận thấy rằng các khu vực với nhiều tầng lớp hoạt động của con người phổ biến hơn so với suy nghĩ trước đây.

Canuto hy vọng rằng phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu cần nhiều nghiên cứu thực địa hơn, bên cạnh những nỗ lực lớn để lập bản đồ khu vực bằng máy bay không người lái. “Sẽ thật tuyệt vời trong 10 – 20 năm tới”, ông nói. “Chúng ta nên có gấp đôi diện tích đất được LiDAR bao phủ”.