18
"Nhiều người sẽ không thích biến tấu này vì chỉ quen với phở truyền thống. Nhưng nếu đã ngán phở bò, phở gà thì phở tôm hùm sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác", anh Khải – chủ nhà hàng – chia sẻ.

Phở tôm hùm hơn nửa triệu đồng trong quán ăn Tổng thống Mỹ từng đặt chân đến (Thực hiện: Cẩm Tiên).

Quán Phở 2000 của anh Huỳnh Trung Khải được thành lập từ năm 1999. Chỉ một năm sau đó, nơi này vinh dự đón tiếp một vị khách vô cùng đặc biệt. Đó là Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton. Sau sự kiện này, quán trở nên nổi tiếng, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước, thường được gợi với tên “phở Tổng thống”. 

Đến nay sau hơn 20 năm, quán dời địa điểm về ngay sát chợ Bến Thành sầm uất và một lần nữa thu hút sự chú ý của thực khách với món phở tôm hùm độc đáo có giá hơn nửa triệu đồng. 

Là người đưa ra ý tưởng làm phở tôm hùm, anh Khải cho biết dù sống ở nước ngoài từ nhỏ nhưng anh luôn được ông bà, cha mẹ chỉ dạy nhiều điều về Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực Việt. 

Trở về Việt Nam với vốn tiếng Việt còn ít ỏi, anh Khải nhận trọng trách tiếp quản quán phở của gia đình – một di sản mà cha mẹ anh đã gây dựng từ bao năm. Tuy vậy, anh không muốn chỉ dừng lại ở việc duy trì những gì đã có. Năm 2018, anh bắt đầu nhen nhóm mong muốn tạo nên một món phở thật khác biệt, không chỉ mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân mà còn trở thành nét độc đáo riêng của thương hiệu gia đình.

Ý tưởng táo bạo này bắt nguồn từ chuyến đi Las Vegas, nơi anh lần đầu nếm thử phở tôm hùm. Tuy nhiên, nước dùng của món phở ấy vẫn được nấu từ thịt bò theo phong cách truyền thống, không khai thác được hoàn toàn hương vị của hải sản.

Trở về Việt Nam, anh Khải cùng mẹ lao vào bếp, quyết tâm thử nghiệm một công thức hoàn toàn mới. Hai mẹ con mất hơn một tháng để thử nghiệm và điều chỉnh, cuối cùng công thức phở tôm hùm đã thành hình và được duy trì đến nay.

Anh Khải kể lại: “Lúc đầu chính mẹ tôi cũng bảo: “Tô phở giá 599.000 đồng thì ai mà ăn?”. Nhưng tôi nghĩ phở bò, phở gà có thể ăn ở bất cứ đâu rồi, tôi muốn phát triển phở ở một khía cạnh mang nhiều sự sáng tạo và khác biệt hơn. Tôi muốn thử nghiệm cái mới, dù có thất bại cũng không sao cả”.

Không chỉ dừng lại ở một món ăn, anh Khải còn xem đây là một câu chuyện cần được truyền tải. Mỗi lần có khách gọi món phở tôm hùm, anh đều dành thời gian giới thiệu về nguyên liệu, cách thưởng thức giúp thực khách cảm nhận sâu hơn hương vị món ăn.

Nước dùng phở tôm hùm vẫn dựa trên nước phở truyền thống từ xương bò, giữ hương thơm đặc trưng từ quế, hồi, thảo quả, nhưng vị ngọt tự nhiên được bổ sung từ các loại hải sản như tôm, mực và nghêu, pha lẫn chút chua nhẹ kiểu Tom Yum (Thái Lan) với cà chua, sả, ớt và thì là nhằm át đi mùi tanh của hải sản.

Mỗi tô phở được bày biện đẹp mắt với sợi phở trụng kỹ, đi kèm các loại hải sản và một con tôm hùm Cam Ranh cỡ gần nửa ký. Phần thịt tôm đã được tách sẵn thành từng miếng nhỏ, giúp thực khách dễ dàng thưởng thức mà không cần loay hoay bóc vỏ. Khi rưới nước dùng vào, hương thơm của các loại gia vị lập tức lan tỏa, kích thích mọi giác quan của thực khách.

Bà Huỳnh Mỹ Trúc Liên – mẹ của anh Khải, cũng là bếp trưởng của nhà hàng – chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng, tất cả tôm hùm đều được nhập từ Cam Ranh và chuyển vào mỗi ngày, luôn trong tình trạng tươi sống”.

 

Với vị ngọt của hải sản, chút cay nồng của sả ớt, cùng hương vị truyền thống đậm đà, phở tôm hùm mang đến một trải nghiệm độc đáo. Nước dùng mang nhiều vị chua nhưng khi ăn cùng bánh phở, hương vị truyền thống trong nước dùng này lại bất ngờ “thắng thế”, đây là một hiện tượng cực kỳ thú vị.

Phần “ăn tiền” nhất vẫn là tôm hùm, với thịt tôm săn chắc, ngọt thanh, thấm đẫm hương vị đậm đà từ nước dùng. Những thớ thịt dày, trắng muốt dễ dàng tách ra, đem lại cảm giác tươi ngon khi dùng.

Sonny Side, được biết đến với kênh YouTube ẩm thực đình đám Best Ever Food Review Show, từng trở lại TPHCM vào giữa năm nay để trải nghiệm món phở tôm hùm. Trước đó, anh ghé quán vào năm 2018, ngay khi phở tôm hùm vừa ra mắt.

Trong video khám phá “7 cấp độ kỳ lạ của phở Việt”, Sonny tìm hiểu những biến tấu của phở, từ phở vịt quay đến phở chiên giòn, phở chay… Phở tôm hùm được anh xếp vào cấp độ 7 – kỳ lạ nhất.

Xuất hiện trong video, Sonny và đầu bếp người Mỹ gốc Việt – Calvin Bui – không giấu được sự hào hứng, xì xụp húp nước dùng nóng hổi, đậm đà hương vị hải sản. Cả hai liên tục khen ngợi trải nghiệm mới mẻ khi phở truyền thống được sáng tạo một cách độc đáo.

Dù vậy, món ăn này vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng sự sáng tạo đã phá đi khuôn mẫu truyền thống vốn có của phở Việt. Chủ quán cũng cho biết việc gọi tên món phở tôm hùm cũng khiến nhiều người khó chịu, họ cho rằng đây là “bún riêu tôm hùm” hay “hủ tiếu tôm hùm”…

“Tôi rất trân trọng về lịch sử của phở. Bản thân tôi vẫn rất yêu hương vị truyền thống của phở. Thậm chí, tôi không chỉ ăn phở ở nhà hàng của mình mà vẫn thường xuyên đi ăn ở những quán khác và có những nhận xét của riêng mình.

Đối với phở tôm hùm, tôi chỉ muốn phát triển một chút gì đó để xem phản ứng của thực khách thế nào. Những người phản ứng, tôi nghĩ có thể do họ ở xa chưa có cơ hội để thử hoặc do giá mắc quá nên khách cũng e dè”, anh Khải bày tỏ.

Bà Trúc Liên chia sẻ thêm: “Hương vị phở truyền thống tất nhiên mình phải gìn giữ, tuy nhiên, có phở bò, phở gà thì cũng có phở tôm hùm. Tôi nghĩ tên gọi không quan trọng bằng chất lượng tô phở”.

Chủ quán cũng ấp ủ mong muốn tìm được tôm hùm có kích thước phù hợp nhằm giảm giá thành sản phẩm để nhiều người có thể tiếp cận được món phở này hơn, tạo cơ hội cho thực khách đón nhận kiểu phở sáng tạo này.

Với mức giá gần 600.000 đồng cho một tô phở tôm hùm hay gần 100.000 đồng cho tô phở bò truyền thống, không ít người dí dỏm gọi đây là “phở nhà giàu”. Khi nghe chúng tôi đề cập điều này, chủ quán bật cười: “Điều này cũng không sai, bởi có nhiều yếu tố quyết định giá trị của tô phở, từ vị trí của nhà hàng, nguồn nguyên liệu, đến chất lượng phở được chăm chút tỉ mỉ”.

Tuy nhiên, danh xưng “phở nhà giàu” không phải là biệt hiệu duy nhất dành cho quán mà nơi này còn gắn liền với cái tên “phở tổng thống”.

Một buổi sáng tháng 11/2000, những con đường quanh quán Phở 2000 (khi đó nằm ở góc đường Phan Chu Trinh, quận 1, TPHCM) trở nên căng thẳng khác thường khi nhiều xe an ninh xuất hiện, vây chặt trước cửa quán. Ít ai biết rằng, chỉ vài giờ sau, người bước xuống từ đoàn xe lại chính là Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Clinton không chỉ mang đến niềm tự hào cho chủ quán khi đó – ông Alain Huỳnh Trung Tấn (cha của anh Khải) – mà còn đánh dấu một bước ngoặt đáng nhớ trong hành trình kinh doanh ẩm thực của gia đình ông.

Câu chuyện bắt đầu từ vài tháng trước đó, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam – một “khách ruột” của quán – đã âm thầm chọn Phở 2000 làm điểm dừng chân cho chuyến viếng thăm của vị nguyên thủ. Mọi thông tin về sự xuất hiện của ông Clinton đều được giữ kín đến phút chót, khiến ngay cả gia đình anh Khải cũng bất ngờ khi hay tin.

Theo lời kể của anh Khải, khi ấy chỉ có bà ngoại anh, cũng là nữ bếp trưởng của quán, còn ở lại Việt Nam. Nhờ khả năng tiếng Anh, bà đã tự tin giao tiếp với đoàn khách.

Khi nhận được cuộc gọi từ mẹ vợ, báo rằng “hình như Tổng thống Bill Clinton sẽ đến quán mình”, ông Tấn và vợ khi đó đang ở Mỹ, vừa mừng vừa lo. Nhưng đến khi ông Clinton bước qua cánh cửa quán, cả gia đình như vỡ òa.

Tổng thống Clinton chọn một chỗ ngồi tại tầng hai. Ông gọi một tô phở gà cùng ly sinh tố xoài. Dù không có một lời nào chính thức khen ngợi tô phở vừa dùng, nhưng ông Clinton ăn hết từng sợi phở cho đến những giọt nước dùng cuối cùng.

Chính hành động này còn quý hơn cả ngàn lời khen đối với gia đình chủ quán. Thậm chí trước khi rời đi, ông Clinton còn chủ động đề nghị chụp ảnh chung với đầu bếp và toàn bộ nhân viên.

Anh Khải xúc động kể lại lời bà ngoại khi đó: “Ông Clinton thân thiện vô cùng, gặp ai cũng bắt tay, từ ngoài cửa đến trong bếp. Bà ngoại tôi thậm chí còn ôm được ông ấy. Tôi thấy đó là một khoảnh khắc quý giá và phải nói là cực kỳ hiếm hoi”.

Sau bữa ăn, Tổng thống Clinton còn đứng ở tầng hai, vẫy tay chào người dân đang tập trung bên dưới. Hình ảnh vị lãnh đạo nước Mỹ với cử chỉ gần gũi ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người. Nhưng riêng đối với gia đình ông Tấn, chuyến ghé thăm của vị nguyên thủ quốc gia không chỉ là kỷ niệm không thể nào quên mà còn là niềm tự hào, giúp thương hiệu phở của gia đình ông được nhiều người biết đến hơn.

Từ đó đến nay, quán phở cũng đón tiếp đón rất nhiều ngôi sao, người nổi tiếng và các chính khách nước ngoài. Đặc biệt, vợ chồng ông Tấn còn được nhiều vị nguyên thủ như Thủ tướng Nhật Murayama Tomiichi, công chúa Thái Lan, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… chọn là người đứng bếp tại các buổi yến tiệc quan trọng.

Niềm tự hào của gia đình được thể hiện rõ qua những bức ảnh các vị khách quý được treo một cách trang trọng trong quán. Thậm chí, trên logo của quán còn thể hiện dòng chữ “Pho for president” (Phở dành cho tổng thống).

Riêng phở tôm hùm không chỉ là sự pha trộn giữa ẩm thực truyền thống và hiện đại mà còn là hành trình đầy cảm hứng của người kế thừa thương hiệu phở vốn đã nổi tiếng với những vị khách yêu ẩm thực.

 
 

Nội dung: Cẩm Tiên, Thiên Hương

Ảnh: Hân Chi

Video: Cẩm Tiên

Thiết kế: Khương Hiền

29/10/2024 – 06:01