Về An Giang mùa nước nổi, lòng như muốn reo vui

18
Thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ những cung đường đẹp đến nao lòng, cánh đồng với những hàng thốt nốt mạnh mẽ, đẹp một cách sống động.
VỀ AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI - Ảnh 1.

Hàng cây thốt nốt bên cánh đồng gần homestay tôi ở – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Nhắc tới An Giang, người ta nghĩ ngay tới Châu Đốc nổi danh với du lịch tâm linh, cả nước đều biết đến miếu Bà Chúa Xứ. Nhưng An Giang có nhiều hơn vậy.

Tôi có vài dịp đến An Giang, lần nào cũng cho tôi cảm xúc đẹp và mới lạ. Trở lại lần này vào mùa nước nổi, An Giang trong tôi mang một vẻ đẹp khác.

Chạy xe trên đường ngắm nhìn hai bên ruộng chỉ toàn là nước. Trên bờ ruộng là những cây ăn trái hoặc đôi khi là cây người dân trồng lấy bóng mát cho những bữa trưa làm đồng đến nghỉ chân… Tất cả cây cối đều đứng trong nước, soi mình dưới mặt nước tạo nên một khung cảnh buồn man mác.

Mùa du lịch miền Tây cho dân mê du lịch

Con người miền Tây luôn tìm thấy niềm vui trong con nước lụt. Họ chèo xuồng đi thả lưới bắt cá, hái bông súng, bông lục bình, bông điên điển… – những thứ đặc sản mùa nước nổi. Vào buổi chiều, vợ chồng chở con cái mang theo áo phao, rồi bạn bè xóm giềng, học sinh… mọi người nô nức kéo nhau đi ra một điểm tập trung để tắm đồng.

Dân miền Tây chính gốc cho hay mùa nước lũ chính là mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch.

Tuy nhiên, dân du lịch cứ canh cuối tháng 9 đến hết tháng 11 dương lịch là xuống các tỉnh miền Tây, nhất là An Giang. Đây là thời điểm đẹp nhất của mùa nước nổi. Cá tôm nhiều và ngon, mùa của cá linh và bông điên điển tha hồ mà thưởng thức. Thời tiết lúc này cũng mát mẻ, tuy đang mùa mưa nhưng mưa mau tạnh và thường bắt đầu mưa vào buổi chiều và tối.

Lần này chúng tôi chọn đi cung Tri Tôn – Tân Châu để vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp lại vừa có cơ hội tiếp xúc với văn hóa Khmer.

Ở Tân Châu, chúng tôi chọn lưu trú ở Mái Lá Farm, có anh Linh hướng dẫn viên không chuyên nhưng lại là một người am hiểu về văn hóa, con người, kiến trúc, ẩm thực, cảnh đẹp ở An Giang. Anh cũng là người thiết kế tour và dẫn đường trong những ngày chúng tôi ở An Giang.

VỀ AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI - Ảnh 2.

Chị Rofiah, nghệ nhân làm bánh bò – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Cách Mái Lá Farm tầm 1km, dưới chân cầu Châu Phong là hàng bánh bò nướng của chị Rofiah. Chị là nghệ nhân làm bánh bò người Khmer nổi tiếng đã từng tham gia các lễ hội bánh dân gian.

Sáng, chị bày bột đã được pha trộn sẵn cùng với một hàng bếp than, chảo và nắp nồi đất. Buổi sáng, người dân tộc Chăm quanh vùng thường ăn sáng bằng bánh bò nướng nên chị đổ bánh, gắp than nhanh thoăn thoắt nhưng đôi khi khách đến vẫn phải đứng đợi.

Tuy bận rộn nhưng Rofiah luôn tươi cười và trò chuyện rất cởi mở. Nếu bạn muốn thử đổ bánh thì đừng ngần ngại mở lời, chị sẽ chỉ cho bạn cách làm.

Nhà gỗ, chùa cổ và thánh đường Hồi giáo

Về An Giang mùa nước nổi, lòng như muốn reo vui - Ảnh 3.

Khuôn viên chùa Krăng Krốch ở An Giang – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Quanh khu vực này có rất nhiều ngôi nhà gỗ lâu đời của người Chăm rất đẹp. Ngoài ra cũng có ngôi thánh đường Hồi giáo. Dành một phần buổi sáng để loanh quanh nơi đây khá dễ chịu.

Gần trưa, chúng tôi đi về hướng Tri Tôn và bắt gặp cánh đồng lớn lác đác những cây thốt nốt cao lớn.

Đến ấp An Hòa, xã Châu Lăng, trên đường 955B có chùa Krăng Krốch (dân hay gọi là chùa Hàng Còng). Nơi đây gây ấn tượng đặc biệt bởi lối dẫn vào chùa là hai hàng còng cổ thụ được bắt đầu trồng vào năm 1965. Từ đó đến nay, hễ có cây nào già và mục, người dân chặt bỏ và trồng thay vào một cây non.

Hàng còng cổ thụ và chùa trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch thích tìm hiểu và khám phá. Đến đây vào buổi trưa, đi dưới hàng còng rợp bóng mát, gió dưới cánh đồng thổi lên làm tôi cứ ngỡ mình lạc bước vào khu vườn cổ tích.

Krăng là ngôi chùa Phật giáo Nam tông, chánh điện được sơn màu hồng rực rỡ kết hợp với các phù điêu trang trí được sơn vàng. Bên trái có một hồ nước khá lớn, phía sau là khu vực ở và tu tập của các ông lục (tu sĩ). Khuôn viên chùa yên ắng, ngăn nắp và có nhiều cây xanh, chùa luôn mở cổng để người dân có thể tự do ra vào, chánh điện cũng luôn mở hé cửa.

Về An Giang mùa nước nổi, lòng như muốn reo vui - Ảnh 4.

Hàng còng cổ thụ ở chùa Krăng Krốch – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Đặc sản gà đốt bên hồ Ô Thum

VỀ AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI - Ảnh 5.

Món gà đốt thưởng thức bên hồ Ô Thum thật tuyệt – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Rời chùa cũng đã đến giờ ăn trưa, chúng tôi đi tiếp tầm 25km để đến hồ Ô Thum thưởng thức món gà đốt.

Bí quyết của món ăn này chính là con gà được nuôi thả tự nhiên, qua cách chế biến tẩm ướp cùng với gia vị và lá chúc. Khi nướng xong, da gà giòn tan, thịt gà mọng nước thấm gia vị ăn vào thơm và ngọt mềm và có độ dai vừa phải.

Gà đốt chấm xốt ớt xanh chua ngọt ăn kèm gỏi bắp cải đơn giản mà rất vừa miệng. Anh bạn trong nhóm tấm tắc: Đời anh chưa ăn con gà nào ngon đến vậy! Quả là không bõ công chạy mấy mươi cây số.

Quanh khu vực hồ Ô Thum có rất nhiều quán bán gà đốt chất lượng không chênh lệch nhau mấy. Bạn nên chọn những quán có view hồ để có chỗ ngồi thoáng mắt và tầm nhìn rộng.

Lòng reo vui bên cánh đồng Tà Pạ

VỀ AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI - Ảnh 6.

Hàng cây bên cánh đồng Tà Pạ – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Buổi chiều, theo kế hoạch chúng tôi sẽ lên núi để ngắm hoàng hôn trên cánh đồng Tà Pạ. Nhưng trời mưa mây mù, chúng tôi đổi kế hoạch sẽ chạy xe về hướng cánh đồng Tà Pạ, xuyên qua cánh đồng.

Đường đến cánh đồng Tà Pạ không xa, ít xe qua lại. Hai bên đường chỉ toàn cây cối. Có đoạn đi qua cánh đồng tôi có cảm giác như lạc vào xứ sở kỳ lạ với một bên là núi thấp, bên còn lại là cánh đồng lúa và những hàng thốt nốt trùng điệp nối dài nhiều lớp. Đứng trước cảnh này, không nghĩ mình đang ở Việt Nam. Ngay đoạn này có một homestay nhỏ nhỏ khá đặc biệt tên là Th’nôt homestay – Khmer Food.

Đi một đoạn đường quanh co theo sự dẫn đường của anh Linh, chúng tôi đến với cánh đồng Tà Pạ. Vốn đã xem ảnh cánh đồng chụp từ trên cao, nhưng đến lúc xe lướt trên đường nhỏ, hai bên là lúa non xanh, lòng không khỏi reo vui vì sự yên lành này.

Điều thú vị là ở trên cánh đồng này ngoài lúa ra có rất nhiều cây cao lớn mọc dại hoặc được trồng trên bờ ruộng lấy bóng mát. Cây chủ yếu là xoài và trâm. Cây cao nhưng cành tán thấp và rộng. Con đường giữa ruộng khá hẹp, chỉ vừa một chiếc xe hơi đi qua nhưng đường rất đẹp, quanh co uốn lượn. Ngồi trên xe chạy chầm chậm, mở cửa kiếng đón những làn gió đồng có cảm giác như trôi giữa giấc mơ.

Đi hết con đường nhỏ băng qua cánh đồng Tà Pạ là ra đến đường lớn chúng tôi hướng về trung tâm Châu Đốc để ăn tối, đi xe lôi và uống nước thốt nốt trước chợ Châu Đốc, kết thúc một ngày với nhiều cảm xúc trên mảnh đất An Giang cực kỳ thu hút.

VỀ AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI - Ảnh 7.

Sông Tiền mùa nước nổi – Ảnh: NGUYỆT PHẠM

Mách bạn cẩm nang khi đến An Giang

– Th’nôt homestay: Lưu trú 79.000 đồng/đêm không giới hạn giờ check in, check out. Bữa cơm tối 5 món của người Khmer giá 150.000 đồng/người. Homestay có nhận thiết kế tour quanh vùng.

– Gà Ô Thum: Khu vực hồ Ô Thum có nhiều quán ăn, quán chất lượng ổn định và có view hồ có thể chọn là Gà đốt Thảo Nguyên. Món ăn nên gọi là: gà đốt, rau trộn, đu đủ đâm, con gà lớn có giá 350.000 đồng tầm 2-3kg.

– Quà quê: Dọc đường đi Tri Tôn, người dân có bày bán đường thốt nốt, xoài, mây, trâm, nho rừng, măng và các loại trái cây rừng, bạn có thể mua về làm quà.

– Mái Lá Farm: Có nhận khách lưu trú, thiết kế và hướng dẫn tour tùy theo nhu cầu của khách. Anh chủ am hiểu, vui vẻ, nhiệt tình và nấu ăn ngon. Tuy nhiên du lịch chỉ là sở thích chứ không phải công việc chính của anh. Bạn nên liên hệ trước khi đến tầm 2 tuần.

– Đũa thốt nốt: Đến An Giang ngoài mua các loại mắm, bạn nên mua đũa thốt nốt ở các điểm du lịch hoặc chợ Châu Đốc, giá khoảng 60.000 đồng/chục.