Xe há cảo của bà cụ 80 tuổi: Khách nườm nượp, người dưng phụ bán nhiệt tình

15
Hơn 20 năm qua, bà Nguyệt (80 tuổi, quận 5) mưu sinh bằng xe há cảo, xíu mại và súp cua trong hẻm nhỏ. Dù tuổi cao, bà vẫn cố gắng bán hàng đều đặn, không nghỉ ngày nào.

Chị em Hoa – Nguyệt nay chỉ còn một người lẻ loi

Trời sụp tối, con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (quận 5, TPHCM) trở nên nhộn nhịp với dòng xe cộ hối hả qua lại. Nép bên lề đường, xe há cảo, súp cua với bảng hiệu “Chị em Hoa Nguyệt” cũng rộn ràng không kém, khách vào nườm nượp. 

Xe há cảo “Chị em Hoa Nguyệt” (Ảnh: Mộc Khải).

Xe há cảo, súp cua này là nơi buôn bán của chị em bà Hoa và bà Nguyệt. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, bà Hoa tuổi cao sức yếu nên xe há cảo chỉ còn một mình bà Nguyệt đứng bán. Nhiều khách đến mua cũng chỉ biết đến bà Hoa qua lời kể của bà Nguyệt. 

Ngồi ở một góc, bà Nguyệt (80 tuổi, quận 5) phụ trách việc tính tiền. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyệt cho biết chị của bà – bà Hoa – vừa qua đời cách đây hơn 1 tháng. Dẫu biết không ai thắng nổi quy luật thời gian nhưng đến nay bà vẫn chưa thể nguôi ngoai khi chị ruột rời xa trần thế.

Bà Nguyệt nép một góc, phụ trách việc tính tiền (Ảnh: Mộc Khải).

Sau khi bà Hoa qua đời, xe há cảo, súp cua vẫn đều đặn hoạt động với sự hỗ trợ nhiệt tình từ những người xung quanh.

Chị Nhung (56 tuổi, quận 12) – cháu bà Nguyệt – vừa tất bật bán hàng cho khách, vừa cho biết mấy hôm nay, chị đến thăm rồi phụ bà Nguyệt buôn bán, đến tối lại trở về nhà ở quận 12. Chị Nhung nói trước đây mình từng có thời gian sống với bà Hoa và bà Nguyệt, đến khi trưởng thành mới lập gia đình và chuyển đi nơi khác.

“Cô Hoa vừa mất, cô Nguyệt buồn bã nên sức khỏe có phần sa sút. Những ngày qua, tôi cũng thường xuyên đến thăm và phụ cô Nguyệt bán, đến tối dọn hàng xong thì tôi về lại quận 12”, chị Nhung nói.

“Người dưng” phụ giúp không lấy tiền

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyệt nói, mỗi ngày, hơn 16h, bà đẩy chiếc xe từ một chung cư cũ đến điểm bán với sự hỗ trợ của “chú Tuấn xe ôm”. Vì bà đã lớn tuổi, thao tác không còn nhanh nhẹn nên có hôm chuẩn bị mãi đến hơn 17h bà mới đón khách.

“Ngày trước, “chú Tuấn xe ôm” phụ chở những đồ nặng nề, còn tôi thì đẩy xe ra đây bán. Trước đây, 2 chị em cùng bán với nhau, còn bây giờ chị Hoa mất rồi, chỉ còn mình tôi. “Chú Tuấn xe ôm” và cô bán nước sâm bên cạnh thấy tôi đơn chiếc, cũng phụ bán nhiệt tình”, bà Nguyệt nói.

Mỗi ngày, bà Nguyệt đi chợ, tự chuẩn bị há cảo rồi đều đặn đẩy xe đi bán. Bà cụ 80 tuổi thừa nhận sức khỏe đã kém, nhưng cũng cố gắng buôn bán để có “đồng ra đồng vào”. May mắn, bà được nhiều khách hàng yêu thương và ủng hộ, nên cũng an ủi được phần nào.

Bà Nguyệt cho biết mình cũng từng có con cái, nhưng đã mất từ lâu. Thời gian qua, 2 chị em bà nương tựa vào nhau, sống tại một căn chung cư cũ cách điểm bán không xa. Thế nhưng bây giờ, bà chỉ còn lại một mình.

Từ trái sang: Ông Tuấn làm nghề chạy xe ôm, chị Nhung (cháu bà Nguyệt) và chị Linh bán nước sâm phụ bà Nguyệt buôn bán (Ảnh: Mộc Khải).

Mấy năm gần đây, nhiều người biết đến bà Nguyệt qua các kênh review ẩm thực. Nhờ vậy, khách đến ủng hộ nhiều hơn, bà bán đắt hơn nên thường về sớm. “Những vị khách trẻ thương tôi, đến ăn rồi quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng cho nhiều người biết. Nhiều người đến ăn thử, thấy hài lòng và quay trở lại”, bà Nguyệt chia sẻ.

Chị Linh (45 tuổi, quận 5) – người bán nước sâm cạnh xe há cảo của bà Nguyệt – cho biết chị đã buôn bán gần bà một thời gian. Thấy bà Nguyệt tuổi đã cao, nên chị “chạy tới chạy lui” hỗ trợ bà buôn bán, mong đỡ đần được phần nào. “Chúng tôi mỗi người một tay phụ bà, để bà ngồi tính tiền cho đỡ mệt”, chị Linh chia sẻ.

Ông Tuấn (60 tuổi, quận 5) – “chú Tuấn xe ôm” đã đồng hành cùng bà Nguyệt thời gian qua – cũng cho biết mỗi ngày ông chỉ lấy tiền xe, còn phụ bán với bà Nguyệt chỉ là chuyện nhỏ. “Ế khách, không có cuốc chạy thì tôi phụ bán với bà, thế thôi”, ông Tuấn nói.

Xe há cảo được nhiều khách hàng ủng hộ (Ảnh: Mộc Khải).

Há cảo, xíu mại được bán với giá 40.000 đồng/phần 10 viên (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Thu Ngọc (SN 2000, Tân Phú) cho biết chị đã ăn há cảo của bà Nguyệt nhiều năm. Chị nhận xét há cảo của bà Nguyệt có vị vừa miệng, viên lại to và giá phải chăng 40.000 đồng/10 viên.

“Trước đây bà bán rất đắt, rồi có lúc cũng vắng khách. Gần đây, sau khi bà Hoa mất, mọi người ghé ủng hộ tinh thần bà Nguyệt nên nơi đây luôn đông đúc. Thấy bà lớn tuổi vẫn mưu sinh, nên dù ở xa tôi cũng cố ghé qua ủng hộ”, chị Ngọc cho hay.

Cứ như thế, xe há cảo “Chị em Hoa Nguyệt” vẫn hoạt động đều đặn, với sự góp sức của những người xa lạ. Bà Nguyệt thừa nhận không biết mỗi ngày mình bán được bao nhiêu ly súp cua, bao nhiêu viên há cảo, chỉ biết cũng đủ để trang trải qua ngày.