Cảnh báo 3 ‘chiêu trò’ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn

34
Bộ Công thương cho biết thời gian qua trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng tại Việt Nam nổi lên một số vấn đề phức tạp liên quan đến dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn.

Ngày 16-10, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí của tỉnh và các đơn vị liên quan đề nghị tuyên truyền, khuyến cáo về một số rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng theo nội dung công văn của Bộ Công thương.

Bộ Công thương cho rằng qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn tại Việt Nam hiện nay và qua thông tin các cơ quan, đơn vị cung cấp, bộ nhận thấý một số rủi ro có thể xảy ra với người dân.

Thứ nhất, bên bán thiết kế các chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản để thu hút, lôi kéo bên mua tham gia giao dịch một cách dễ dàng.

Theo phản ánh của người dân, hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân (đặc biệt là người cao tuổi).

Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược khai thác tâm lý của người tham gia sự kiện để người dân đặt cọc, ký hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, cũng như chưa được cung cấp, nghiên cứu hợp đồng.

Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận, họ đứng trước nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã đóng nếu hủy ngang hợp đồng.

Thứ hai, bên bán thiết kế nội dung giao dịch tìm ẩn rủi ro cho bên mua.

Trong nhiều trường hợp, song song với các chiến lược bán hàng, bên bán thiết kế sẵn điều khoản giao dịch theo hướng đẩy rủi ro cho bên mua và giành lấy sự an toàn về mặt pháp lý cho mình.

Thông thường, bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, phải thanh toán thêm khoản phí thường niên thả nổi và kéo dài suốt thời hạn hợp đồng cho dù không sử dụng dịch vụ, không được hủy ngang hợp đồng, nhưng có thể bị bên bán đơn phương chấm dứt hợp đồng và mất toàn bộ số tiền đã đóng.

Nghĩa vụ của bên bán được quy định trong hợp đồng rất sơ sài, lỏng lẻo, giúp bên bán hóa giải tối đa khả năng vi phạm hợp đồng.

Thứ ba, bên bán không sở hữu kỳ nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ.

Tại thị trường kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn của Việt Nam hiện nay, mặc dù bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi dịch vụ được cung cấp nhưng nhiều trường hợp, hợp đồng được ký kết bởi bên bán không sở hữu các khu nghỉ dưỡng.

Hơn nữa, trong hợp đồng không quy định biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên bán đối với bên mua, không liệt kê danh sách các khu nghỉ dưỡng cụ thể mà bên bán có nghĩa vụ cung cấp kỳ nghỉ cho bên mua, cũng như không quy định nghĩa vụ của bên bán trong việc chứng minh mối quan hệ hợp tác giữa biên bản với chủ sở hữu các khu nghỉ dưỡng tại thời điểm giao kết hợp đồng.