Người Việt đi tàu cao tốc "xé gió" 350km/h: Tàu êm ái, ga lớn như sân bay

41
Đúng giờ, sạch sẽ, êm ái và nhanh chóng là cảm nhận chung của nhiều người Việt Nam từng trải nghiệm tàu cao tốc 350km/h ở một số quốc gia trên thế giới.

10h sáng, một ngày tháng 9/2023, vợ chồng Vương Ngọc (quận 3, TPHCM) rời khách sạn, lên taxi hướng về ga tàu cao tốc – cách trung tâm Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) hơn 10km. Cặp đôi sẽ đáp chuyến tàu cao tốc đi Trùng Khánh để tham quan một số cảnh đẹp.

Đây là lần thứ hai, Vương Ngọc có cơ hội trải nghiệm tàu cao tốc tại Trung Quốc sau chuyến đi đầu tiên năm 2019 ở Thượng Hải. Tuy vậy, cô gái này vẫn không khỏi háo hức trước khi bước lên chuyến tàu “xé gió” 350km/h.

Tàu hiện đại, quy mô nhà ga như ở sân bay

Quãng đường từ Thành Đô đến Trùng Khánh dài hơn 300km. Nếu di chuyển bằng ô tô, hành khách sẽ mất hơn 3 giờ, không có đường bay thẳng nối 2 thành phố. Nếu chọn tàu cao tốc không dừng ở các ga, Vương Ngọc chỉ mất khoảng một tiếng cho hành trình này.

Khách Việt Nam trải nghiệm tàu cao tốc ở Trung Quốc (Video: Vương Ngọc).

Tuyến Thành Đô – Trùng Khánh là một phần trong mạng lưới hơn 46.000km đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Hiện, số ki-lô-mét đường sắt ở nước này khai thác tốc độ hơn 300km/h là 20.000km, còn số ki-lô-mét khai thác tốc độ 200-250km/h là 26.000km. 

Khi taxi đỗ trước cửa nhà ga Thành Đô Đông, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Vương Ngọc là rất đông hành khách tay xách nách mang hành lý. Điều đó cho thấy sức hút của tàu cao tốc với hành khách tại Trung Quốc.

Sau khi nhận hành lý từ tài xế, Vương Ngọc và chồng choáng ngợp trước sự hiện đại, rộng rãi của ga Thành Đô Đông. Tòa nhà chính cao 5 tầng, không gian bên trong mang phong cách của các sân bay.

Nhà ga Thành Đô Đông mang phong cách như nhà ga ở các sân bay lớn (Ảnh: Vương Ngọc).

“Không gian được thiết kế như nhà ga ở các sân bay quốc tế. Bên trong nhà ga có các màn hình cỡ lớn hiển thị thông tin chuyến tàu, nhiều nhà hàng ăn uống cùng cửa hàng kinh doanh…”, Vương Ngọc cho biết.

Tại mỗi thành phố lớn ở Trung Quốc, có nhiều ga tàu cao tốc khác nhau. Bên trong mỗi ga sẽ chia cửa theo các hướng đông, tây, nam, bắc… Do đó, xem giờ và số toa là chưa đủ, hành khách phải xác định đúng cửa ra tàu, tránh bị lạc. 

Với lợi thế di chuyển nhanh, vé tàu cao tốc ở Trung Quốc thường hết sớm. Biết điều này, Vương Ngọc đặt ghế hạng nhất trước 2 tuần với giá 247 nhân dân tệ/chiều/người (hơn 870.000 đồng). Toàn bộ thông tin về chuyến đi được tích hợp vào vé điện tử thông qua số hộ chiếu nên không cần in vé giấy. 

Quang cảnh bên trong toa tàu cao tốc Phục Hưng ở Trung Quốc với ghế ngồi rất tiện nghi (Ảnh cắt từ clip).

Ghế trên tàu cao tốc ở Trung Quốc được chia thành hạng thương gia, hạng nhất hoặc hạng hai (tương tự như hạng phổ thông trên máy bay).

Giá vé tàu cao tốc của nước này dao động: 70 nhân dân tệ – 2.000 nhân dân tệ/vé một chiều (khoảng 250.000 đồng – 7 triệu đồng/vé một chiều) – tùy theo hạng vé và số ki-lô-mét di chuyển.

Từng nhiều lần đi tàu cao tốc ở các nước trên thế giới, Vương Ngọc nhận thấy, chỉ Trung Quốc áp dụng quy trình quét hành lý nghiêm ngặt như các sân bay. Khách nên đến trước 45-60 phút để làm thủ tục soi chiếu đồ đạc.

“Tôi đã trải qua 4 bước trước khi lên tàu. Đầu tiên, khách quét hộ chiếu hoặc giấy tờ để vào nhà ga, tiếp đó thực hiện soi chiếu hành lý, đi qua cổng từ rồi vào phòng chờ. Trước khi khởi hành, nhân viên sẽ soát vé một lần nữa rồi ra cửa lên tàu”, Vương Ngọc chia sẻ.

Đứng ở sân ga, cặp vợ chồng đến từ Việt Nam ấn tượng với hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Hơn 20 đường ray xếp cạnh nhau, tàu liên tục ra vào nhà ga, vận chuyển hàng nghìn hành khách tỏa đi mọi miền của Trung Quốc. 

Loại tàu mà cặp đôi này di chuyển từ ga Thành Đô Đông đến ga Trùng Khánh Bắc có tên là Phục Hưng. Đây là thế hệ tàu cao tốc nhanh và mới nhất của Trung Quốc, ra mắt hồi năm 2017.

Hồi tháng 6, bản nâng cấp của tàu Phục Hưng đã được giới thiệu trên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải với kiểu ghế hạng sang mới, tăng thêm ghế ở toa hạng hai, mở rộng không gian tàu cùng chỗ để hành lý.

Tốc độ trung bình của tàu Phục Hưng khoảng 350km/h, nhanh hơn thế hệ tàu cao tốc ra mắt trước đó khoảng 100km/h. Vận tốc cao nhất của mẫu tàu này có thể đạt tới 400km/h.

So với thế hệ tàu cao tốc trước đây, Phục Hưng có nhiều cải tiến như: Chỗ để chân thoải mái, nội thất đẹp mắt và tiện nghi hơn… Đặc biệt, trên tàu có hệ thống giám sát 2.500 cảm biến, nhiều hơn 500 cảm biến so với thế hệ tàu cao tốc trước đó. Các cảm biến giúp kiểm tra chặt chẽ hiệu suất hoạt động của tàu. 

Vừa bước lên tàu, nữ tiếp viên xinh đẹp cúi chào, nở nụ cười tươi với Vương Ngọc và các hành khách. Toa hạng nhất – nơi cô gái này ngồi có 9 hàng ghế, mỗi hàng có 4 chỗ ngồi chia thành 2 bên. 

Nội thất bên trong khoang hạng nhất được thiết kế hiện đại, đường nét đẹp mắt và tinh tế, wifi miễn phí… Trên trần có đèn LED hắt ánh sáng cùng  màn hình quảng cáo. Trước mặt hành khách là bảng chạy chữ, hiển thị tốc độ trong suốt hành trình. Tùy từng cung đường, tàu sẽ di chuyển với vận tốc khác nhau, nhưng trung bình ở ngưỡng 300km/h.

Các đồ dùng trong khoang hành khách rất sạch sẽ. Ghế ngồi ở khoang hạng nhất có thể ngả ra phía sau, phía trước có chỗ gác chân và ổ sạc pin. Nhà vệ sinh rộng khoảng 5m2 với tông màu trắng chủ đạo, được lau chùi sạch sẽ khiến khách cảm thấy hài lòng.

Nội thất bên trong tàu cao tốc Phục Hưng của Trung Quốc (Ảnh: CGTN).

Thông thường, trong mỗi toa hạng thương gia trên tàu Phục Hưng có 5 chỗ ngồi. Tuy nhiên, trên một số tuyến bố trí 12 chỗ ngồi tại toa hạng thương gia nhằm đáp ứng nhu cầu của khách.

Sau khi ổn định chỗ ngồi, đúng 11h46, tàu bắt đầu khởi hành như thông tin trên vé điện tử. 

Tàu di chuyển nhanh và đạt tốc độ xấp xỉ 350km/h. Từ bên trong tàu, Vương Ngọc ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài thông qua ô cửa sổ có kích thước lớn. 

Động cơ chạy êm khiến không gian xung quanh khá yên tĩnh. Vương Ngọc cảm nhận như đang trải nghiệm khoang hạng nhất trên một chuyến bay quốc tế. 

Theo những clip trên mạng Internet, cô gái đến từ Việt Nam thử đặt một ly trà lên cửa sổ, nước không hề bị văng ra ngoài. 

Cách đây không lâu, một vị khách từng trải nghiệm tàu cao tốc Phục Hưng chạy 350km/h từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đã kiểm tra mức độ êm bằng cách đặt 4 đồ vật gồm: Một đồng xu 2 Euro, bút, điện thoại, chai nước trên cửa sổ tàu. Sau 24 phút 23 giây, đồng xu bị đổ xuống, các vật còn lại đứng yên.

Tàu cao tốc ở Trung Quốc chạy 350km/h êm tới mức đồng xu vẫn đứng yên (Nguồn: Tân Hoa Xã).

Năm 2008, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Bắc Kinh – Thiên Tân đi vào vận hành. 

Trong hơn 15 năm qua, các tuyến đường sắt cao tốc liên tục được xây dựng tại đất nước tỷ dân. Hiện, mạng lưới đường sắt cao tốc của nước này chiếm hơn 70% tổng số ki-lô-mét đường sắt cao tốc trên thế giới.

Trải nghiệm tàu Shinkansen ở Nhật Bản

 “Êm ái, sạch sẽ và nhanh chóng” là những cụm từ mà Gia Nhi (sống ở Hải Phòng) nhận xét sau khi trải nghiệm tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản.

Gia Nhi từng có thời gian 8 tháng học ở Nhật Bản nên hành trình với tàu cao tốc của cô gái ở đất nước mặt trời mọc không còn xa lạ. Đường sắt là loại hình giao thông được nhiều người dân nước này lựa chọn để đi giữa các địa phương trong một tỉnh hoặc đi liên tỉnh…

Gia Nhi trải nghiệm tàu Shinkansen khi di chuyển từ Osaka đến Yamaguchi (Ảnh: Gia Nhi).

Năm 2023, Gia Nhi lần thứ hai trải nghiệm tàu Shinkansen trong hành trình từ Osaka đến Yamaguchi để thăm bố mẹ nuôi người Nhật.

Từ Osaka đến Yamaguchi dài 460km, nếu đi bằng ô tô, Gia Nhi sẽ tốn 4,5 giờ. Nếu di chuyển bằng tàu Shinkansen, cô gái này chỉ mất khoảng 1,5 giờ. 

Lịch sử tàu Shinkansen bắt đầu từ chuyến hoạt động đầu tiên vào ngày 1/10/1964 có hành trình Tokyo đến Osaka. Đây là dấu mốc mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đường sắt Nhật Bản. Hiện, mạng lưới tàu cao tốc Shinkansen gần 3.000km trải dài theo chiều dọc đất nước, có mặt khắp 3 đảo chính Hokkaido, Kyushu, Honshu.

Ảnh chụp cửa soát vé, hành khách sẽ đi qua trước khi lên tàu Shinkansen (Ảnh: Anh Vũ).

Trong 60 năm vận hành, Shinkansen chạy với vận tốc cao nhất hơn 320km/h, vận chuyển được 7 tỷ lượt hành khách. Tàu cao tốc này chưa xảy ra một vụ tai nạn nào khiến hành khách tử vong hay bị thương suốt 6 thập kỷ qua. 

Khác với Trung Quốc, quá trình di chuyển từ nhà ga lên tàu Shinkansen đơn giản hơn nhiều. Theo Gia Nhi, sau khi mua vé tại quầy, khách đi qua cửa soát vé để tới sân ga và chờ lên tàu. 

Sự chuẩn xác về thời gian là điều khiến những hành khách như Gia Nhi không khỏi ấn tượng khi đi tàu Shinkansen. Theo số liệu thống kê từ JR Central – đơn vị khai thác tàu Shinkansen từ Tokyo đi Osaka – thời gian trễ chuyến suốt nhiều năm qua trên tuyến này trung bình chỉ là 0,9 phút 

Khách Việt trải nghiệm tàu cao tốc Shinkansen (Nguồn video: Gia Nhi).

“Tôi ấn tượng về sự sạch sẽ bên trong toa tàu Shinkansen. Tàu vừa đến ga, các nhân viên vệ sinh có 10 phút để dọn dẹp trước khi hành khách chuyến tiếp theo vào chỗ ngồi. Họ làm rất chu đáo, nhanh chóng và chuyên nghiệp”, Gia Nhi chia sẻ. 

Trong thời gian di chuyển, Gia Nhi cảm nhận sự êm ái của tàu Shinkansen. Khung cảnh từ thành phố cho đến nông thôn tại Nhật Bản liên tục hiện ra trước mặt hành khách thông qua ô cửa sổ kính. 

Đồ dùng và ghế ngồi bên trong khoang đều sạch sẽ, không có mùi hôi, dù mỗi ngày tàu phục vụ hàng nghìn lượt khách và di chuyển liên tục. 

Toa trên tàu Shinkansen thường có các hạng: Toa ghế thường (tương tự hạng phổ thông trên máy bay), toa xanh lá với biểu tượng cỏ 4 lá (tương tự hạng nhất trên máy bay).

Ghế ở toa xanh lá (tương tự hạng nhất trên máy bay) trên tàu Shinkansen của Nhật Bản (Ảnh: Mainichi).

Gia Nhi chọn mua vé ở toa thường với giá hơn 24.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) khứ hồi. Ghế ở toa thường sẽ gồm 2 loại là ghế đặt trước và ghế tự do. Với ghế đặt trước, trên vé sẽ ghi rõ số ghế. Nếu mua ghế tự do, khách có thể ngồi ở bất cứ chỗ nào còn trống. 

Trong khi đó, tại toa xanh lá (tương tự hạng nhất trên máy bay), khách sẽ ngồi theo số ghế đã được in trên vé. Ghế trên toa xanh lá có chỗ để chân rộng rãi hơn toa thường, có thể ngả ra sau, trang bị wifi miễn phí và đèn đọc sách…

Một số tuyến Shinkansen có thêm toa hạng Gran cao cấp nhất. Khách mua vé hạng Gran được ngồi ghế với kích thước rộng rãi hơn chỗ ngồi trên toa xanh lá.

Toa tàu hạng Gran chỉ có 18 chỗ ngồi. Mỗi ghế được làm bằng da thật. Nút bấm trên ghế giúp hành khách điều chỉnh ghế ngả ra sau, nâng đệm gác chân lên… 

Anh Vũ (người Việt Nam từng làm việc tại Nhật Bản) cho biết, nhiều người nước ngoài sống ở đất nước mặt trời mọc thích chọn tàu hỏa để đi làm mỗi ngày. Khi đi chơi xa, hầu hết hành khách lựa chọn tàu cao tốc Shinkansen.

“So với đi máy bay, di chuyển từ Osaka đến Tokyo bằng tàu Shinkansen tiện lợi hơn. Tôi không mất thời gian để làm các thủ tục, soi chiếu hành lý, chờ đợi thêm 1-2 giờ như đi máy bay. Ở Việt Nam, nếu xây dựng đường sắt cao tốc, các chặng ngắn chắc chắn sẽ hút khách”, anh Vũ chia sẻ.

Theo đánh giá của anh Vũ, cảm giác dễ chịu khi ngồi trên tàu Shinkansen không khác  so với di chuyển bằng đường hàng không. Điểm khác biệt lớn nhất là cửa sổ trên tàu rộng rãi hơn so với máy bay. 

Trong tương lai, tàu Shinkansen có thể chạy với tốc độ 500km/h. Dự kiến, vào năm 2030, Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng tàu Shinkansen không người lái.

Ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng đường sắt tốc với tàu chạy hơn 300km/h như Đức, Pháp, Italia, Hàn Quốc…

Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên có đường sắt cao tốc. Tuyến đường sắt Jakarta – Bandung với tốc độ 350km/h đã đi vào hoạt động hồi năm 2023.

Đường sắt cao tốc giúp thời gian đi lại giữa 2 thành phố Jakarta – Bandung từ 3 giờ chỉ còn 46 phút. Tổng chi phí xây dựng toàn tuyến này hơn 7 tỷ USD.

Những du khách đến từ Việt Nam từng trải nghiệm tàu cao tốc Whoosh ở Indonesia đánh giá, tàu chạy êm, không gian bên trong rộng rãi và sạch sẽ, cửa sổ kích thước rộng giúp ngắm cảnh dễ dàng. 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ở Việt Nam dự kiến có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội, là tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM, là ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.535mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.