Khách hủy du lịch Sapa hàng loạt, chủ nhà hàng, khách sạn đau đầu vì lỗ lớn

23
Nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống ở Sapa (Lào Cai) ghi nhận con số doanh thu sụt giảm nghiêm trọng từ 70% đến 80%. Không ít nơi chấp nhận đóng cửa vì "mở cửa ngày nào lỗ ngày đó".

“Thời tiết Sapa trưa nay 3/10 đẹp quá nhưng các cửa tiệm ở trung tâm đều ế ẩm, gần như không thấy bóng dáng khách du lịch”, chị Giang Vũ, chủ một cửa tiệm kinh doanh trên đường Thạch Sơn ở trung tâm thị xã Sapa (Lào Cai), chia sẻ.

Theo chị Giang, cảnh đìu hiu ở điểm đến nổi tiếng này kéo dài từ đầu tháng 9 tới nay. Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão Yagi, nhiều nơi ở Sapa (tỉnh Lào Cai) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường và đập tràn bị hư hỏng, không đảm bảo giao thông.

Một con phố tập trung nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ ở Sapa (Ảnh: Toàn Vũ).

Tuy nhiên đến nay, các tuyến đường xuống các điểm bản đều vận hành trở lại, Sapa vẫn thấy vắng khách.

Chị Kim Lý (32 tuổi, ở Hải Phòng) dự kiến cùng gia đình lên Sapa du lịch vào đầu tháng 10 vừa kết hợp ngắm mùa lúa chín và săn mây, nhưng ở phút cuối chị quyết định dừng lại.

Vị khách người Hải Phòng cho biết, khi liên tục cập nhật thông tin từ đài khí tượng thủy văn và chứng kiến nhiều điểm đến vùng Tây Bắc bị sạt lở, cảm giác háo hức ban đầu không còn nữa. Vì tâm lý còn e ngại nên cả gia đình quyết định sẽ chọn lên Sapa vào thời điểm thích hợp hơn.

Theo khảo sát nhanh của phóng viên Dân trí, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống ở Sapa đang rơi vào tình trạng sụt giảm khách nghiêm trọng.

Anh D., chủ một cơ sở ăn uống trên đường Điện Biên Phủ ở trung tâm thị xã Sapa cho biết, nhà hàng có 13 nhân viên, hiện vẫn cố gắng mở cửa để duy trì công việc cho mọi người dù nguồn thu tụt mạnh.

Thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú ở Sapa chứng kiến lượng khách giảm sâu (Ảnh: Hoàng Anh).

“Doanh thu mỗi ngày của quán chỉ đạt vài triệu, chủ yếu là người địa phương. Đôi khi cũng lác đác vài khách nước ngoài là những người lên kế hoạch đi từ trước đó, chứ không có khách tỉnh ngoài. Riêng tiền thuê mặt bằng một tháng tốn 20 triệu đồng. Để duy trì được quán, tôi cũng rất đau đầu”, anh D. chia sẻ với phóng viên.

Tuy nhiên không phải hàng quán nào cũng đủ lực mở cửa ở thời điểm hiện tại.

Thời điểm 18h hàng ngày vốn là lúc nhiều cửa tiệm ở khu vực trung tâm gần nhà thờ đá Sapa tấp nập khách vào ra, thì nay bao trùm là cảnh hiu hắt với những bóng đèn sáng mờ.

“Chúng tôi gần như đóng cửa từ tháng 9 đến giờ, chấp nhận chỉ mất tiền thuê nhà. Nhiều lần tôi tính tới phương án mở cửa nhưng chưa thể. Nếu mở ra còn chi phí nhân viên, tiền nhập hàng mà khách không có nên càng kinh doanh sẽ tiếp tục thua lỗ nhiều hơn”, chủ một cơ sở chuyên phục vụ lẩu cá tầm, tính toán.

Anh Hoàng Anh, chủ cơ sở lưu trú Én Hotel nằm tại trung tâm xã Tả Van, nhận định đây là thời điểm khó khăn chung của những người kinh doanh du lịch tại Sapa.

“Nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú sụt giảm nghiêm trọng từ 70% đến 80%. Nếu so sánh với dịch vụ ăn uống, kinh doanh khách sạn có phần may mắn hơn vì vẫn còn khách tới lưu trú. Hiện cơ sở của tôi vẫn có khách nước ngoài đặt tour từ trước nên vẫn duy trì hoạt động. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm trước, doanh thu cũng sụt giảm khoảng 20%”, chủ cơ sở cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Đại Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, cho biết, toàn bộ khách gần như hủy hết trong tháng 9 và tháng 10.

Khách Việt vẫn có tâm lý e ngại sau bão nên thời điểm hiện tại, Sapa không có khách nội địa và chỉ có số lượng ít khách nước ngoài.

Thời điểm này, hầu hết các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống đều tập trung cho việc sửa chữa dọn dẹp và duy trì nhân viên. Việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi nhận định, việc kinh doanh du lịch trong tháng 10 vẫn chưa khả thi và hy vọng tháng 11 tới đây, mọi thứ sẽ khởi sắc hơn.

Trên Sapa, các tuyến đường đều thông suốt nên chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền điểm đến này đã trở lại để du khách yên tâm khi tới đây”, ông Dương nói. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch đang phối hợp với Sở Du lịch để đưa ra gói kích cầu triển khai vào cuối tháng 10, kịp thời cho khách tới Sapa vào tháng 11.

Đơn cử như đơn vị kinh doanh cáp treo dự kiến sẽ giảm giá 30%-35% cho khách nội địa. Nhiều nhà hàng khách sạn áp dụng giảm giá cho khách. Những khách đặt tour tới Sapa vào tháng 10 nhưng hoãn chuyến sẽ được chuyển đổi miễn phí để đi vào tháng 11.

“Chúng tôi tin rằng những khó khăn này chỉ là vấn đề thời gian. Sắp tới khi thời tiết ổn định trở lại, hy vọng du khách sẽ tiếp tục tới ủng hộ Sapa”, chủ một cơ sở kinh doanh ăn uống bày tỏ.