Buổi sáng sớm, tại bãi biển Long Thủy – nơi đang triển khai đề án làng du lịch cộng đồng – ngoài các ngư dân, thương lái… còn có một số du khách đến đây để trải nghiệm việc đi chợ mua hải sản vào sáng sớm.
Du khách thích thú trải nghiệm cuộc sống làng biển
Chị Lê Thanh Xuân (du khách từ TP.HCM) cho hay đang lưu trú cùng gia đình tại một homestay địa phương. Qua xem đánh giá trên mạng, chị quyết định đến đây và lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác đi chợ mua cá vào sáng sớm.
“Sau khi đạp xe một vòng dọc bãi biển, tôi và con trai đến đây mua cá mang về để chế biến. Không khí biển buổi sáng sớm cộng với việc nhìn thấy những thúng cá tươi rói từ dưới biển mang lên là điều lạ lẫm chúng tôi chưa từng trải nghiệm trước đó”, chị Xuân thổ lộ.
Đề án làng du lịch cộng đồng thôn Long Thủy khởi động từ tháng 12-2023, đến nay đã hoàn thành các hạng mục như phục dựng đội hát lăng, hò bả trạo; phát hành cẩm nang và bản đồ du lịch TP Tuy Hòa; tổ chức lễ hội cầu ngư truyền thống Lăng Ông Nam Hải (lạch Long Thủy).
Đề án cũng huy động 200 người đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng; lựa chọn 5 hộ sản xuất nước mắm truyền thống; tổ chức tập huấn các hoạt động xử lý rác thải, tái chế, nâng cao nhận thức về môi trường biển cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ một cơ sở nước mắm truyền thống tại thôn Long Thủy, cho hay sản phẩm nước mắm của bà đã được đăng ký sản phẩm OCOP.
Từ khi chuyển sang làm du lịch, bà Hương học được cách chào đón du khách cũng như quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Bà dự định mở một gian trưng bày nước mắm để khách du lịch đến xem và mua hàng.
Hấp dẫn nhờ văn hóa địa phương, ẩm thực truyền thống
Theo đề án, năm 2024 có nhiều hạng mục được triển khai. Đó là xây dựng cảnh quan, tu bổ di tích lăng Ông, xây dựng cầu tàu, điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại điểm dừng chân, phục dựng bộ xương cá Ông, tổ chức chương trình famtrip với các công ty lữ hành, thiết kế các tour, tuyến điểm du lịch…
Bà Trần Thị Tú Hà – phó chủ tịch UBND xã An Phú – cho biết mô hình làng du lịch cộng đồng lấy người dân địa phương là chủ thể chính, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương.
Người dân được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ du lịch như buồng phòng, dịch vụ ăn uống; đào tạo tập huấn về an toàn biển, kỹ năng chuyên môn về bơi lội, các hoạt động trải nghiệm biển, ẩm thực truyền thống… Hình thành các nhóm dịch vụ và có các tổ trưởng, tổ phó và thành viên để vận hành.
“Tại địa phương có một số homestay, nhà nghỉ đã khai thác du lịch từ trước. Việc triển khai đề án làng giúp xã chuyển sang cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp hơn, đưa thôn Long Thủy và vùng phụ cận thành làng du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Tuy Hòa”, bà Hà nói.
Ông Hồ Văn Tiến – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên – cho hay phát triển mô hình du lịch cộng đồng đang là hướng đi bền vững khi nhiều tỉnh ở Tây Nguyên, Tây Bắc… hình thành nên làng, buôn du lịch để du khách trải nghiệm văn hóa, lối sống của người đồng bào.
“Việc phát triển thôn Long Thủy làm làng du lịch vừa tạo thêm một sản phẩm mới cho địa phương, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân. Cái cần thiết là đầu tư nhưng vẫn phải giữ nét văn hóa, làng nghề, đồng thời quảng bá hình ảnh địa phương để nhiều du khách biết đến”, ông Tiến nói.