Việt Nam có tiềm năng thành phim trường, đạo diễn Mỹ muốn tới quay phim

8
Nhiều nhà làm phim Mỹ đánh giá cao Việt Nam có nhiều tiềm năng thành phim trường với nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh như Hạ Long, Hội An, Hà Nội… Đây cũng là cách để Việt Nam thúc đẩy du lịch.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của chương trình Xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, tối 25/9 (theo giờ địa phương) tại Los Angeles, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng Du lịch – Điện ảnh Việt Nam.

Thứ trưởng Hồ An Phong, Trưởng đoàn công tác của Bộ VHTT&DL tổ chức chương trình này.

Phía Mỹ có sự tham gia của hơn 500 khách mời là các nhà sản xuất, giám đốc các hãng phim, đạo diễn, giám đốc bối cảnh phim, diễn viên Hollywood; các đối tác của doanh nghiệp du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Mỹ; đại diện các hãng thông tấn, cơ quan báo chí Việt Nam và Mỹ.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, chương trình tổ chức tại Mỹ với mục tiêu giới thiệu quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim nhằm thu hút các hãng phim của Hollywood tới Việt Nam, qua đó tạo hiệu ứng truyền thông, thúc đẩy quảng bá và hút khách du lịch.

Không chỉ là điểm đến quay phim lý tưởng, theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Việt Nam hiện sẵn có những chuyên gia sẵn sàng hợp tác trong các tác phẩm điện ảnh quốc tế, cung cấp chuyên môn trong mọi lĩnh vực, từ thiết kế sản xuất đến hậu kỳ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực đơn giản hóa giấy phép làm phim, cung cấp các ưu đãi về thuế và cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo trải nghiệm của các nhà làm phim tại đây diễn ra liền mạch và thành công.

Trong khi đó, những nhà làm phim từng có các tác phẩm thực hiện tại Việt Nam đều chung nhận định rằng, trải nghiệm của họ tại đây rất thuận lợi và khẳng định, quốc gia này giàu tiềm năng phát triển điện ảnh, có vị thế cạnh tranh lớn trong khu vực.

Ông Phillip Noyce, đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” cho biết, hơn 20 năm trước tới Việt Nam quay phim, đoàn của ông không gặp bất cứ trở ngại nào, được sự ủng hộ lớn của chính quyền địa phương và người dân rất nhiệt tình.

Cùng với đó, nhiều nhà làm phim Mỹ bày tỏ mong muốn được tới Việt Nam.

Các lãnh đạo, đại biểu, khách mời đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mỹ (Ảnh: Bộ VH-TT&DL cung cấp).

Ông Nicholas Simon, Tổng giám đốc Indochina Productions cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành phim trường, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay như: Hạ Long, Hội An, Hà Nội. Thậm chí có nhiều nơi rất đặc biệt, chưa bao giờ được xuất hiện trong phim.

Để thúc đẩy phát triển điện ảnh, thu hút các nhà làm phim, theo ông Simon, trước hết từ luật Điện ảnh phải tạo ra các chính sách ưu đãi khiến điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Từ đó, giảm chi phí cho nhà làm phim, sự sẵn sàng của chính phủ, tạo hành lang thông thoáng, cấp phép dễ dàng, bớt đi các thủ tục hành chính.

“Ninh Bình là ví dụ điển hình cho tác động của điện ảnh với du lịch, góp phần phát triển du lịch tại Việt Nam. White Lotus là chương trình nổi tiếng tại Mỹ. Nếu những chương trình như White Lotus đến Việt Nam thì sẽ gây tiếng vang lớn”, ông Nicholas Simon nói.

Nhà sản xuất phim “Hành trình tình yêu của một du khách” Joel Rice chia sẻ trải nghiệm từng có dịp tới Việt Nam thực hiện các cảnh quay khi ghi hình bộ phim này. Với ông đây là hành trình ấn tượng và Việt Nam rất tươi đẹp.

Không gian văn hóa Việt Nam tại hội thảo (Ảnh: Bộ VH-TT&DL cung cấp).

Trong khuôn khổ Hội thảo, các lãnh đạo, đại biểu, khách mời đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mỹ.

Bên cạnh đó, tại không gian giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam có trưng bày gần 100 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt. Bộ ảnh được nhiếp ảnh gia thực hiện trong vòng 10 năm gần đây trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Một khách mời trải nghiệm đội nón lá Việt Nam (Ảnh: Bộ VH-TT&DL cung cấp).