Đây là khẳng định được các chuyên gia, doanh nghiệp đúc kết tại hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức chiều 24-9.
Chân dung du khách Nhật đang thay đổi
Ông Võ Việt Hòa, giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết thống kê của đơn vị cho thấy du khách Nhật có xu hướng đi tự túc ngày càng phổ biến. Ước tính số khách lẻ đặt dịch vụ trực tuyến chiếm 50% so với khách Nhật đặt qua đối tác công ty du lịch.
Ngoài khách cá nhân đi hội họp, làm ăn…, gần đây nhóm khách Nhật đi theo gia đình, bạn bè cũng tăng dần lên. Ngay trên các con “phố Nhật” ở TP.HCM, hình ảnh những du khách Nhật trẻ không còn xa lạ. Đây là nhóm khách thay đổi theo xu hướng du lịch thế giới.
Khách Nhật đến Việt Nam là khách trẻ, đặt dịch vụ từ Nhật, đó là thói quen tự lên kế hoạch du lịch, đặt dịch vụ và tự đi khám phá. Các sản phẩm ở TP.HCM mới thì không phải quá mới, nhưng khách lẻ ở Nhật đã có lâu, nay chúng ta nâng lên thành khu chuyên phục vụ khách Nhật.
“Chúng tôi có kinh nghiệm phục vụ khách Nhật rất lâu và đang có những điều chỉnh để thích ứng với xu hướng du lịch mới như xây dựng website đa dạng ngôn ngữ, phát triển kênh mạng xã hội…”, ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Bác Toán – phó tổng giám đốc thương mại Vietjet – cho biết trong năm 2022, lượng khách Nhật đến Việt Nam qua hãng này đạt khoảng 1,3 triệu khách, tăng lên 2,9 triệu khách vào năm 2023 và năm nay trên 3 triệu. Như vậy khách Nhật, bao gồm nhiều mục đích trong đó có du lịch, đang tăng trưởng, trong đó tại Vietjet là 35-40%.
Vietjet là hãng bay đến Nhật Bản nhiều nhất với 11 tuyến bay. Riêng đến thủ đô Tokyo, hãng này khai thác đến hai sân bay. Đầu tháng 10-2024, Vietjet có thể mở thêm những điểm khác nữa bên cạnh các điểm mà hãng đã bay charter (thuê bao nguyên chuyến).
Theo ông Toán, thị trường du khách Nhật Bản bị ảnh hưởng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có kinh tế suy giảm và đồng yen yếu đi nhiều. Ngoài ra, làn sóng người Nhật ra ngoài cũng giảm vì văn hóa mới, thế hệ mới không đi du lịch như xưa.
“Cách đây 10 năm thị trường Nhật được xem là thị trường vàng, giờ không còn nữa, nhưng nếu có những đường bay trực tiếp, giá tốt, điểm đến an toàn thì người Nhật vẫn sẵn sàng đi du lịch”, ông Toán nhìn nhận.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng trong thu hút khách Nhật Bản, chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất. Và thị trường khách Nhật Bản không chỉ cạnh tranh trong nước mà cả láng giềng Thái Lan, Singapore… Do đó, giải pháp với nhà cung ứng dịch vụ là cố gắng để giảm chi phí, giảm giá để đáp ứng được đối tác Nhật Bản, trên tinh thần cùng phát triển.
“Thách thức cho ngành du lịch Việt Nam trong việc tăng cường sự đa dạng của sản phẩm và cải thiện trải nghiệm du lịch để ngoài việc thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế từ Nhật Bản thì làm sao cho họ phải tiêu tiền khi đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”, một doanh nghiệp nói.
Cần bắt tay xây dựng sản phẩm mới
Ông Hoàng Mạnh Đăng, tổng giám đốc Công ty CP du lịch Apex Việt Nam, cho rằng khi xác định nhóm du khách mới, cần có sản phẩm mới để khai thác hiệu quả, và phân khúc sản phẩm có thể cân nhắc đầu tư phát triển là du lịch học đường.
Chẳng hạn, gói du lịch học đường xuất phát từ tây nam của Nhật, với 3.000 – 4.000 học sinh qua Việt Nam theo chương trình mỗi năm nhưng đang bị ngưng vì nhiều lý do, mà cụ thể là phụ thuộc đường bay, hàng không. Do đó, theo ông Đăng, nếu có thêm nhiều đường bay thẳng, cơ hội cho sản phẩm sẽ nhiều hơn.
Bà Yoko Sakoda – phóng viên tự do người Nhật – xác nhận kể từ sau dịch, người Nhật giảm du lịch nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thứ 5 sau các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Dù người Nhật đang ngại đi nước ngoài hơn, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến du lịch phổ biến.
“Nhưng du khách Nhật vẫn thiếu thông tin về du lịch, sản phẩm mới của Việt Nam. Các thông tin quảng bá bằng tiếng Nhật rất quan trọng vì sẽ giúp người dân Nhật cảm thấy an tâm hơn, thoải mái và quyết định các chuyến đi dễ dàng, nhanh chóng hơn. Một thuận lợi là người trẻ biết thêm tiếng Anh nên các hoạt động quảng bá trên mạng xã hội cũng cần lưu ý”, bà Yoko Sakoda nói.
Ông Furudate Seiki, phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cùng cho rằng nếu có sản phẩm phù hợp, khách Nhật sẽ quay về thị trường Việt Nam. “Thống kê của du lịch Việt Nam cũng thấy rất khó để so sánh thị trường khách Nhật trước và sau dịch, bởi tâm lý của du khách Nhật không còn được như trước do nhiều yếu tố kinh tế.
“Tuy vậy, vẫn có một số người Nhật muốn đi du lịch và xu hướng đi nước ngoài vẫn có. Vì vậy, tôi hy vọng xu hướng này sẽ chọn Việt Nam nhiều hơn thời gian tới”, ông Furudate Seiki chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Mạnh Đăng, hoạt động xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam không nên chỉ tập trung vào các thành phố lớn, những nơi mà Việt Nam đã được biết đến nhiều.
“Chúng ta nên phát triển nhiều thông tin bằng tiếng Nhật để tiếp cận người Nhật ở những thành phố nhỏ hơn, dùng thêm nhiều thủ thuật Internet, kết hợp mời influencer Nhật qua Việt Nam để khảo sát tour”, ông Đăng nói.
Quảng bá du lịch Việt đến khách Nhật phải khác
Bàn về vai trò của việc quảng bá du lịch trên mạng xã hội, ông Lưu Hải Đăng, đại diện TikTok Việt Nam, nhắc đến dự án quảng bá du lịch Việt Nam “Hello Vietnam”.
Khởi động từ năm 2019, TikTok triển khai hoạt động với từng địa phương, vì mỗi địa phương đều có đặc trưng khác nhau. Với con số 10% du khách tìm thông tin du lịch qua Internet, các đơn vị lữ hành, lưu trú có thể nghiên cứu để tiếp cận khách hàng tiềm năng trên thị trường mạng xã hội. Và chỉ riêng kênh TikTok ở Nhật đã có đến 20 triệu người dùng, cùng nhiều influencer có lượng người theo dõi cực kỳ cao.
Trong khi đó, theo đại diện Saigontourist Group, thời gian tới sẽ tổ chức các sự kiện kết nối, chương trình xúc tiến du lịch đa phương và song phương như các hội thảo, workshop, famtrip để giới thiệu về sản phẩm du lịch Việt Nam và tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Saigontourist Group cũng sẽ chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại Nhật Bản để quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch Việt Nam.
Hợp tác thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở Hàn Quốc
Chiều 24-9, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist và báo Tuổi Trẻ đã ký thỏa thuận hợp tác Chương trình hỗ trợ thúc đẩy chi tiêu thẻ NAPAS tại Hàn Quốc.
Với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hợp tác tăng cường sử dụng thẻ NAPAS trong các hoạt động chi tiêu tại Hàn Quốc thông qua mạng lưới BC Card – một trong những hệ thống thanh toán lớn tại quốc gia này.
Chương trình ban đầu dành cho khách hàng là chủ thẻ NAPAS phát hành thông qua BIDV/Agribank, thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán thuộc mạng lưới BC Card ở Hàn Quốc.
Theo đó, thông qua Lữ hành Saigontourist, du khách Việt Nam khi đến Hàn Quốc có thể dễ dàng sử dụng thẻ NAPAS để thanh toán mua sắm, ăn uống và các dịch vụ giải trí, tạo sự tiện lợi và tiết kiệm.
Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự hỗ trợ của báo Tuổi Trẻ, các thông tin về chương trình hợp tác và các sự kiện liên quan sẽ được truyền tải rộng rãi đến công chúng thông qua hệ sinh thái đa phương tiện của báo. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích việc sử dụng thẻ NAPAS trong cộng đồng.
Ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho rằng sự kết nối giữa hai đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực thanh toán và du lịch của Việt Nam còn hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch giữa Việt Nam – Hàn Quốc, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ du lịch và thúc đẩy chủ quyền thanh toán xuyên biên giới. Sau Hàn Quốc, chương trình có thể mở rộng thêm ở nhiều quốc gia khác và ngay cả khách nội địa cũng có thể trải nghiệm dịch vụ thẻ này.