Cầu kỳ trong cách làm
Tạm xa sự náo nhiệt, bận rộn của thành phố, phóng viên Dân trí theo chân một người bạn về làng Rền để tham dự một buổi làm cháo thái, trong ngày họp mặt gia đình.
Điều làm nên sự đặc biệt cho món cháo thái làng Rền chính là cách chế biến tỉ mỉ và tình cảm của dân làng với món ăn.
Ở làng Rền, hễ có nhà nào làm cháo là những đứa trẻ sẽ chạy khắp các nhà người thân, chòm xóm mời mọi người cùng đến ăn. Các cụ già ngồi nhâm nhi chén trà, ngắm con cháu quây quần cùng nhau nấu cháo.
Bảo Ngọc – một bạn trẻ đã được ông bà truyền lại cho cách nấu cháo thái – cho biết, nấu cháo thái khá kỳ công. Gạo nấu cháo phải chọn loại gạo tẻ Khang Dân ngon. Sau khi ngâm khoảng nửa ngày, gạo được vo kỹ, xay nhuyễn rồi dùng nước lọc thành tinh bột.
Sau đó, cho phần bột lọc được vào mâm, cắt thành từng quả bột to bằng nắm tay, nhào nặn cho đến khi đạt được độ mịn và dẻo. “Quả bột càng được nhào kỹ bao nhiêu, bát cháo càng ngon bấy nhiêu”, Bảo Ngọc chia sẻ.
Người ta đem xương lợn đi ninh trước cho ngọt nước. Khi nước xương đã sôi, thì bắt đầu thái bột. Đây là công đoạn vất vả nhất khi nấu cháo.
“Người thái bột phải dùng một con dao thật sắc, thái thật khéo, thật đều tay, làm thế nào để cho miếng bột không quá dày, cũng không quá mỏng”, Bảo Ngọc nói.
Bên cạnh đó, cũng cần có một người dùng đũa to khuấy đều, liên tục và thật nhẹ tay để bột gạo quyện đều vào nước xương và không bị vón cục.
Sau khi được ninh 2-3 tiếng, nồi cháo đã đặc sánh, chuyển sang màu đục thì chuẩn bị xào qua thịt nạc. Điều quan trọng trong công đoạn này là phải nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Thịt lợn được băm nhuyễn để xào và không cần cho thêm mì chính. Sau khi xào xong, thịt sẽ được cho vào nấu cùng với cháo. Vị ngọt của thịt nạc kết hợp với vị ngọt tự nhiên của xương tạo nên hương vị đậm đà cho món cháo.
Ăn cháo bằng đũa
Nồi cháo đạt tiêu chuẩn là khi ta thấy cháo đã sánh mịn. Những cục “thái cháo” vẫn còn nguyên, không bị tan ra trong nước xương. Để món cháo thêm dậy mùi, người ta thường cho thêm tiêu, thì là và hành lá.
Cháo ở Việt Nam thì nơi đâu cũng có nhưng bát cháo quê hương làng Rền lại có một cách ăn rất khác biệt. Cháo thường ăn bằng thìa, nhưng cháo làng Rền lại được gắp bằng… đũa.
Các cụ già kể chuyện, khách đến làng thấy ăn cháo bằng đũa ai cũng ngạc nhiên, có người còn ngần ngại không dám ăn nhưng ăn thử một miếng rồi thì lại muốn ăn thêm, thậm chí có người còn xin một phần đem về.
Một điều đặc biệt nữa là món cháo thái này lại không có chỗ nào bán mà chỉ được xuất hiện trong những đám cỗ mà thôi.
Giải đáp điều này, người dân làng Rền cho biết, đây là món ăn đặc biệt, thêm vào đó là cách nấu khá kỳ công, tốn sức, cần phải có nhiều người làm cùng một lúc mới xong, nên dân làng không muốn làm để đem đi bán.
Thêm vào đó, khi làm cháo thái tại các đám cỗ, đông người cùng làm thì sẽ vui hơn.
Cháo khi chín có hương thơm nức mũi, trông ngon mắt. Thưởng thức một miếng cháo, chúng tôi cảm nhận ngay được vị thơm ngon của gạo quê, vị ngọt béo của xương hầm hòa quyện cùng độ dẻo mềm của bột gạo.
Món cháo mềm mại, dễ ăn phù hợp cho mọi lứa tuổi đã trở thành hương vị đặc trưng mà những người con xa quê luôn nhớ về. Cháo thái làng Rền có hương vị khá lạ, nhưng một khi đã ăn rồi thì sẽ nhớ mãi không quên.
Món cháo thái này thường được nấu trong các dịp họp mặt gia đình, bạn bè, hoặc trong các ngày lễ mừng thọ, thôi nôi. Mang dấu ấn dân dã và đặc trưng địa phương, món cháo thái đã góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực Bắc Ninh.
Thu Huyền