“Tránh dịp 2/9 sợ quá đông đúc, tôi và bạn trai dự tính sẽ tới đảo Quan Lạn ở mấy ngày vào dịp cuối tuần. Không ngờ đợt này trúng đợt siêu bão Yagi nên tôi vội gọi cho khách sạn để hủy lịch trình. Sau đó, tôi cũng nhận lại luôn toàn bộ khoản tiền cọc”, chị Phương nói.
Cũng đi du lịch dịp này, Mai Anh cùng nhóm bạn tới đảo Cô Tô (Quảng Ninh) hôm 3/9. Vị khách người Hà Nội dự kiến ở trên đảo 3 ngày để tổ chức sinh nhật cho một người bạn trong nhóm.
Tuy nhiên đến ngày 4/9, chị nhận được thông báo về việc tàu thuyền trên đảo sẽ dừng hoạt động để tránh trú bão. Chính quyền địa phương cũng vận động du khách sớm vào bờ để đảm bảo an toàn nên lịch trình của cả nhóm bị rút ngắn so với dự kiến.
“Sự cố này không ai mong muốn nhưng đành chấp nhận”, Mai Anh cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hiện toàn bộ các homestay ở Cô Tô và Quan Lạn (Quảng Ninh), vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) đều tạm dừng hoạt động đón khách. Nhằm tránh bão, 100% du khách đều hủy tour tới đảo thời điểm này.
Chị Trần Thị Hằng, chủ một homestay ở khu 2, thị trấn Cô Tô, lo lắng suốt mấy ngày qua vì cơ sở lưu trú của gia đình có một mặt thiết kế toàn bộ là cửa kính.
Ngay khi nhận thông tin có bão, gia đình chị đã thuê thợ tới gia cố hệ thống cột trên mái nhà, chống đỡ cây cối trong vườn. Tuy nhiên do thông tin dự báo đây là siêu bão có cường độ lớn, bà chủ homestay lo ngại vì “không biết cửa kính có chịu nổi sức gió”.
“Tôi cũng muốn thuê xe đặt trước cửa nhà để tránh gió bão nhưng ngoài đảo lại không có dịch vụ này nên đành chịu”, chị Hằng nói.
Từ đầu tuần, khi nhận được thông báo từ chính quyền địa phương, chủ các homestay cũng chủ động gọi điện báo khách chủ động hủy tour thay đổi lịch trình. Từ chiều 5/9, đảo Cô Tô không còn tàu vận chuyển khách.
Trong khi đó, anh Minh, chủ một homestay trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) ước tính con số thiệt hại khi tạm dừng kinh doanh những ngày chống bão lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên vì đảm bảo an toàn về người và của, tất cả các cơ sở lưu trú đều chấp hành theo quy định từ chính quyền địa phương.
“Chúng tôi có căn villa 4 phòng ngủ với giá 2,5 triệu đồng/ngày có thể ở từ 12 đến 15 người. Ngay khi có thông tin về bão, cơ sở lưu trú chủ động hỗ trợ khách đổi lịch, lùi hành trình và hoàn trả toàn bộ tiền cọc”, anh Minh nói.
Cũng trong chiều 6/9, nhiều cơ sở kinh doanh homestay trên bãi tắm Minh châu thuộc đảo Quan Lạn, Quảng Ninh, đang cấp tập gia cố nhà cửa để chống bão.
Chị Trang, quản lý Đậu Đậu homestay cho biết, từ chiều 5/9, toàn bộ tàu thuyền chở khách đã dừng hoạt động, neo đậu về nơi trú bão an toàn. Bởi vậy, các homestay đều tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh đón khách
Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ 11h ngày 6/9, Sở Giao thông, Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển sẽ ngừng cấp phép cho phương tiện đường thủy ra khơi để thực hiện công tác phòng chống siêu bão Yagi.
Trưa 6/9, ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cho biết, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 trên huyện đảo đã cơ bản hoàn tất.
Tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) hiện đã dừng các chương trình vui chơi giải trí. Địa phương này yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện xây dựng phương án đảm bảo an toàn, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các chương trình cho khách tham quan du lịch.
Sáng 6/9, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã áp sát đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Lúc 7h, tâm siêu bão cách đảo Hải Nam khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Các dự báo mới nhất cho thấy siêu bão Yagi có khả năng vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta sớm hơn so với các dự báo trước đó.