Nghỉ lễ, trải nghiệm thú vị với tàu điện và di tích xưa

37
Ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời khi được trải nghiệm tàu điện, dạo quanh phố phường Hà Nội mùa thu với những khu di tích xưa.
Nghỉ lễ, trải nghiệm thú vị với tàu điện và di tích xưa - Ảnh 1.

Người Hà Nội đi tàu Cát Linh – Hà Đông – Ảnh: PHẠM TUẤN

Một trong những trải nghiệm của tác giả vào dịp lễ là hẹn cô bạn thân từ thời cấp II đi tham quan Hoàng Thành Thăng Long sáng 1-9.

Trải nghiệm tàu điện, ước được đi lâu hơn

Nhân dịp 2-9, gia đình người bạn thân thời cấp II của tôi từ Hòa Bình xuống Hà Nội chơi và chúng tôi hẹn nhau 9h sáng có mặt ở Hoàng Thành Thăng Long.

Hơn 8h sáng, hai mẹ con tôi đi bộ từ nhà ra ga Hà Đông mất 5 phút. Mua 2 vé 1 chiều đến ga Cát Linh mất 26.000 đồng. 

Hôm nay là ngày 1-9 nên khách ngồi kín, không có chỗ ngồi trên tàu nên mẹ con tôi đứng một lúc, đến ga Văn Quán có người xuống tàu mới có chỗ ngồi.

Trên tàu mát lịm, ngồi ngắm khung cảnh thành phố ngày nghỉ lễ thật tuyệt. Mẹ con tôi còn chưa kịp ngắm hết, chỉ khoảng 15 phút đã đến ga Cát Linh.

Đi tàu điện trên cao cảm thấy nhàn và thú vị hơn tự đi xe máy hay ô tô cá nhân gấp nhiều lần. Không bị tắc đường, không phải hít khói bụi, không bị nắng mưa, không mướt mải mồ hôi như khi đi xe máy, thong thả ngồi ngắm phố, nháy mắt là đã đến điểm dừng.

Và nếu đi các loại xe cộ khác chỉ mong nhanh hết thời gian để đến điểm cần đến thì khi đi tàu điện trên cao, mẹ con tôi ước đoạn đường dài hơn chút để được ngồi lâu hơn trên tàu.

Khi đến ga Cát Linh, tôi đặt xe điện 20.000 đồng để sang Hoàng Thành vì ngày lễ sợ tắc đường khi đi taxi. Đi xe điện cũng thấy êm ái, nhẹ nhàng, thích hơn đi các loại xe ôm thông thường.

Nghỉ lễ, trải nghiệm thú vị với tàu điện và di tích xưa - Ảnh 2.

Tác giả (phải) cùng cô bạn thân từ thời cấp II tham quan Hoàng Thành Thăng Long sáng 1-9 – Ảnh: NVCC

Tìm về những giá trị văn hóa, nghệ thuật xưa

Gần 9h sáng, chúng tôi có mặt ở Hoàng Thành Thăng Long tại cổng chính số 19C Hoàng Diệu. Tôi mua vé vào cửa cho người lớn 70.000 đồng, còn trẻ em dưới 16 tuổi được miễn phí.

Ngay khi bước vào cổng, đoàn chúng tôi gồm 4 người lớn và 4 trẻ em đã được ngắm nhìn công trình kiến trúc đồ sộ và được coi là biểu tượng của Hoàng Thành Thăng Long – Đoan Môn, cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên.

Đi qua Đoan Môn, không khỏi ngỡ ngàng trước sự vững chắc, kiên cố, cổ kính, uy nghiêm, cảm thấy mình như đang ngược lại dòng lịch sử để tìm về những giá trị văn hóa, nghệ thuật từ xa xưa.

Điểm đến tiếp theo chính là Điện Kính Thiên, nơi được coi là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội.

Tuy chỉ được quan sát một phần thềm đó còn sót lại nhưng chúng tôi cũng đã thấy được đây là một nơi linh thiêng và được xây dựng rất công phu mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật của các triều đại trước.

Một địa điểm không thể không dừng chân lại để tham quan khi vào Hoàng Thành là khu bảo tàng trưng bày các hiện vật được khai quật trong các khu khảo cổ của thành cổ.

Không khỏi sửng sốt khi ngắm nhìn các cổ vật có niên đại từ nghìn năm trước, con gái tôi và các bạn vô cùng thích thú, cẩn thận ghi chép lại những thông tin bổ ích để sau này cùng nhau chia sẻ lại khi học môn lịch sử và địa lý.

Trải qua nhiều biến động, kinh đô Thăng Long xưa kia không còn những tòa thành đồ sộ hay lầu son gác tía nhưng những di tích, dấu vết còn sót lại của Hoàng thành vẫn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. 

Quần thể di sản, văn hóa tiêu biểu, phản ánh tiến trình lịch sử của nước Việt trong suốt 13 thế kỷ này đã minh chứng cho lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm qua.